Tổng lực hỗ trợ doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bên cạnh chính sách thuế, theo giới chuyên gia, cần thêm các chính sách tiền tệ phù hợp từng đối tượng để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cam go hiện nay.

Cần đẩy mạnh và triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong và sau dịch. Ảnh: Ngọc Thắng
Cần đẩy mạnh và triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong và sau dịch. Ảnh: Ngọc Thắng


Giảm lãi hàng chục ngàn tỉ đồng

Bà N.C (giám đốc một công ty sản xuất nước mắm có cơ sở tại Phú Quốc) cho biết đã phải thông báo cho đối tác Hàn Quốc tới tháng 9 mới có thể cung cấp hàng do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu, bao bì gặp nhiều khó khăn. Nếu công ty tiếp tục hoạt động, phải thực hiện 3T, chi phí vận chuyển trong và ngoài nước tăng lên gấp đôi… không thể kham nổi. Để cầm cự, công ty cũng “đau đầu” tìm nguồn để trang trải chi phí và trả lương cho nhân viên. Thế nhưng “tình huống xấu nhất là có thể tạm ngừng hoạt động trong giai đoạn này”, bà N.C buồn bã nói.

Tình cảnh của doanh nghiệp (DN) này là khá phổ biến hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, từ tháng 1 - 7 năm nay, có gần 79.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có gần 40.300 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Trung bình mỗi tháng có gần 11.400 DN rút lui khỏi thị trường.

Những con số này cho thấy sức khỏe của DN suy giảm nên dù Bộ Tài chính đã dự thảo các giải pháp miễn, giảm, gia hạn một số sắc thuế hỗ trợ DN, nhưng với các đối tượng này, chính sách thuế nếu được thông qua cũng không có tác dụng. Điều họ cần nhất là các chính sách tiền tệ như giảm lãi, khoanh lãi, giãn nợ, khoanh nợ... Thực tế, từ giữa tháng 7, hàng chục ngân hàng (NH) công bố giảm lãi suất cho vay đối với các khoản nợ cũ từ 0,5 - 3%/năm, đồng thời giảm phí các dịch vụ chuyển tiền, rút tiền… Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng VN, thời gian qua các NH cũng đã theo sát khách hàng để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách cũng chính là gỡ khó cho mình. Cụ thể, theo báo cáo, từ giữa tháng 7 đến cuối năm nay, các NH giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng tương ứng mức hỗ trợ khoảng 20.000 tỉ đồng, trong đó Agribank giảm lãi tương ứng gần 6.000 tỉ đồng cho khách hàng. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn hiện từ 5 - 7%/năm và trung dài hạn từ 7 - 10%/năm. Các NH cũng đã triển khai các giải pháp có thể hỗ trợ khách hàng như giảm lãi cho vay, giảm phí dịch vụ, cơ cấu giãn nợ… Thế nhưng, giảm lãi vay thôi là chưa đủ.

Khoanh nợ cho khách hàng

Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng việc giảm lãi suất cho vay vừa qua của các NH chỉ hỗ trợ khách hàng phần nào chứ không giải quyết được khó khăn mà họ đang gặp phải. Các DN hiện nay không thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình dịch bùng phát phức tạp. Điều này đồng nghĩa với việc họ không có dòng tiền thì dù có giảm lãi suất vay cũng không thể nào trả nợ được NH.

Vì vậy, cần một chính sách hỗ trợ mạnh hơn nữa, đó có thể là khoanh nợ tạm thời hoặc giãn nợ cho khách hàng trong giai đoạn này. “Tình hình dịch bệnh năm 2021 căng thẳng, phức tạp hơn 2020 mà gói cho DN vay hỗ trợ lương người lao động lãi suất 0% lại giảm còn 7.500 tỉ đồng từ 16.000 tỉ đồng của năm 2020 là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, thủ tục gói này phải đơn giản để DN có thể nhanh chóng tiếp cận. Chi phí lương để giữ nhân viên trong mùa dịch là một khoản rất nặng. Vì thế, DN cần được hỗ trợ khoản này”, ông Chí nhận định và thừa nhận, cái khó hiện nay là dịch kéo dài, ngân sách có hạn mà dùng hết để hỗ trợ thì sau khi dịch kiểm soát được sẽ khó có nguồn để tăng cường chi tiêu công, vực dậy kinh tế. Để tránh gánh nặng cho ngân sách, có thể thực hiện chứng khoán hóa các khoản nợ bằng việc phát hành trái phiếu từ 3 - 5 năm để dòng tiền được luân chuyển.

PGS-TS Phạm Thế Anh, giảng viên cao cấp Kinh tế vĩ mô Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cũng đánh giá khoanh nợ đối với khách hàng đang vay NH là giải pháp phù hợp bởi diễn biến dịch bệnh còn kéo dài. Thời gian khoanh nợ có thể kéo dài 3 - 6 tháng hoặc đến khi nào dịch được kiểm soát. Ngoài ra, cần có những chính sách hỗ trợ chi phí trực tiếp lẫn gián tiếp như chi phí xét nghiệm Covid-19, thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến, chi phí thuê đất, thuê mặt bằng, máy móc thiết bị…

 

Hiệp hội sẽ có báo cáo đánh giá thực trạng tình hình dịch bệnh hiện nay để có giải pháp dài hạn hơn, đó là kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ cho phép thực hiện khoanh nợ. Giải pháp này nhằm hỗ trợ khách hàng hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch. Đồng thời, giảm các loại thuế cho NH để họ có điều kiện hỗ trợ thêm khách hàng như giảm phí dịch vụ, giảm lãi vay…

Ông Nguyễn Quốc Hùng,
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam


Theo ông Anh, việc giảm lãi vay chỉ phù hợp cho những khách hàng nào còn hoạt động sản xuất, còn dòng tiền trả nợ. Chính sách giảm thuế thu nhập DN 30% mà Bộ Tài chính đang soạn thảo đã áp dụng vào năm 2020 cũng chỉ hỗ trợ cho những DN còn hoạt động, có thu nhập. Còn những DN khó khăn, không còn thu nhập, rơi vào bờ vực phá sản thì việc giảm thuế này không có ý nghĩa.

Đó là chưa kể đến việc hạn chế DN có doanh thu dưới 200 tỉ đồng/năm mới được hưởng mức giảm này thì không phải DN nào cũng đáp ứng được. Riêng quy định giảm thuế giá trị gia tăng, về bản chất thuế này người tiêu dùng chịu, trong trường hợp thuế này được giảm mà DN không giảm giá hàng hóa thì người tiêu dùng cũng không được lợi. “Thế nên cần tập trung giảm mạnh thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm… Việt Nam không có đủ nguồn lực triển khai các gói hỗ trợ kinh tế khổng lồ như các nước nên cần lựa chọn đối tượng ưu tiên được hỗ trợ các chính sách như người lao động mất việc, hộ kinh doanh, các cửa hàng đóng cửa…”, ông Anh đề xuất.

Theo Thanh Xuân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Quang cảnh hội nghị.

Pleiku phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng

(GLO)-Chiều 24-12, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đoàn Hữu Dũng chủ trì hội nghị với các xã, phường triển khai Nghị quyết HĐND thành phố khóa XII, kỳ họp thứ 17 và giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025. Trong đó, thành phố phấn đấu thu ngân sách trên 1.700 tỷ đồng.