Tổng cục Thống kê lý giải con số 12,6% mức tăng bán lẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng 12,6%. Nhiều ý kiến cho rằng đây là con số cao bất thường.

Lý giải điều này, Tổng cục Thống kê cho biết, tốc độ tăng về quy mô theo giá hiện hành của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm nay đạt 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng về lượng theo giá so sánh chỉ đạt 8,3%, tương đương với mức tăng của cùng kỳ năm 2018.

Mức tăng bán lẻ 5 tháng đầu năm có cao bất thường? Ảnh Xuyên Đông

Mức tăng bán lẻ 5 tháng đầu năm có cao bất thường? Ảnh Xuyên Đông

Bình quân 5 tháng đầu năm mỗi năm giai đoạn 2015-2019 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 10,6%, theo giá so sánh tăng 8,3% so với cùng kỳ. Như vậy, chỉ số giảm phát bình quân 5 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2019 của chỉ tiêu này so với cùng kỳ đã tăng hơn 2,1%.

Trong khi đó, bình quân 5 tháng đầu năm mỗi năm giai đoạn 2020-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tăng 6,4%, theo giá so sánh tăng 1,9% và chỉ số giảm phát tăng hơn 4,4% so với cùng kỳ.

Như vậy, chỉ số giảm phát so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm của chỉ tiêu này trong 4 năm gần đây có mức tăng khá cao so với 5 năm trước đó.

Trong năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đạt 12,6% là mức tăng khá nhưng do chỉ số giảm phát tăng 3,9%, nên tốc độ tăng theo giá so sánh chỉ đạt 8,3%, bằng với mức tăng của năm 2018.

Tuy đây là mức tăng tương đương với mức tăng bình quân của 5 năm trước dịch (2015-2019) nhưng trên nền tăng thấp của 3 năm (2020-2022) chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Tỷ trọng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phản ánh người dân có xu hướng tăng chi tiêu vào nhóm hàng hóa thiết yếu, giảm chi tiêu dịch vụ xã hội.

Nếu như năm 2019 (năm trước dịch) doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 76,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thì đến năm 2023 tỉ lệ này đã tăng lên 78,9% (tăng thêm 2,6 điểm phần trăm). Trong đó, tỉ trọng lương thực, thực phẩm tăng từ 24,2% trong 5 tháng đầu năm 2019 lên 27,9% năm 2023 (tăng thêm 3,7 điểm phần trăm).

Ở chiều ngược lại, trong 5 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ tiêu dùng (gồm lưu trú ăn uống; du lịch lữ hành và các dịch vụ khác) năm 2019 chiếm 23,7%, đến năm 2023 chỉ chiếm 21,1% (giảm 2,6 điểm phần trăm). Trong đó, nhóm hàng dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu như dịch vụ lưu trú và ăn uống đã giảm 1,5 điểm phần trăm, từ mức 12,1% năm 2019, xuống 10,6% năm 2023; dịch vụ khác giảm 0,8 điểm phần trăm, từ 10,8% xuống 10,0%.

Điều này phản ánh xu hướng tăng tỉ trọng chi tiêu hàng hóa, nhất là nhóm hàng hóa thiết yếu, giảm chi tiêu dịch vụ tiêu dùng không thiết yếu của người dân trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn.

Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước; số lượng khách du lịch nội địa cũng tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là yếu tố đóng góp tích cực vào mức tăng 12,6% của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước; lượng khách du lịch nội địa cũng đạt 50,5 triệu lượt khách, tăng 3,9%...

Những phân tích trên cho thấy, tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng tích cực trong bối cảnh 5 tháng đầu năm nay chỉ số giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức khá cao (mặc dù xu hướng đã giảm dần) và trên nền tăng trưởng thấp của cùng kỳ các năm trước.

Có thể bạn quan tâm

Để kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, Siêu thị Co.op Mart Pleiku đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: V.T

Chủ động nguồn hàng phục vụ Tết

(GLO)- Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp tại Gia Lai đã chủ động nguồn hàng để phục vụ người tiêu dùng với mức giá bình ổn.

Các chủ thể OCOP đã lên thiết kế mẫu hộp quà tặng Tết. Ảnh: V.T

Sản phẩm OCOP vào mùa phục vụ Tết

(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, trong đó có các sản phẩm OCOP thường tăng rất cao. Thời điểm này, các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì phục vụ nhu cầu tiêu dùng và mua làm quà tặng dịp Tết.