Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh hiện có trên 217 ngàn con chó, mèo của hơn 125 ngàn hộ gia đình nuôi làm cảnh, giữ nhà và vườn rẫy. Đặc biệt, một bộ phận người dân tại các địa phương nuôi chó, mèo chủ yếu thả rông, không rọ mõm và ít quan tâm đến tiêm phòng vắc xin bệnh dại dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong công tác phòng-chống bệnh dại hiện nay.
Tập quán nuôi chó thả rông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Theo thống kê, năm 2023, các địa phương trong tỉnh đã xuất ngân sách mua vắc xin hỗ trợ người dân tiêm phòng vắc xin bệnh dại được hơn 41 ngàn liều, đạt 18,9% tổng đàn chó, mèo của tỉnh. Trong đó, ngân sách tiêm được gần 21 ngàn liều vắc xin, doanh nghiệp và người dân tiêm được hơn 20 ngàn liều. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, các địa phương đã tiêm được hơn 2.400 liều. Hiện có 9/17 huyện, thị xã, thành phố bố trí ngân sách mua các loại vắc xin phòng- chống dịch bệnh động vật. Trong đó, có vắc xin bệnh dại theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt từ cuối năm 2023.
Ông Lê Sỹ Quý- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-thông tin: Tổng đàn chó, mèo của huyện trên 18 ngàn con, chủ yếu nuôi nhỏ, lẻ ở các hộ gia đình để làm cảnh, giữ nhà và một số hộ nuôi thương phẩm. Đặc biệt, các xã vùng sâu, vùng xa người dân thường nuôi chó, mèo thả rông, không đeo rọ mõm. Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các xã, thị trấn quản lý, thống kê tổng đàn chó, mèo để theo dõi biến động. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống thú y cơ sở giám sát tình hình, hướng dẫn lập sổ sách theo dõi số lượng chó, mèo của từng hộ gia đình. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số xã, thị trấn chưa quyết liệt trong công tác thống kê, kiểm tra, giám sát. Vì vậy, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn trong quản lý đàn chó, mèo. Ngoài ra, dù năm 2023, Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn tiêm phòng vắc xin dại trên đàn chó, mèo nhưng tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp.
Người dân TP.Pleiku mua vắc xin tiêm phòng cho đàn chó nuôi. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ông Thái Văn Dũng- Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Gia Lai là tỉnh có tổng đàn chó, mèo lớn nhưng chủ yếu nuôi thả rông, không có chuồng nuôi nhốt và khu nuôi nhốt riêng nên gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc bố trí kinh phí cho công tác tiêm phòng vắc xin bệnh dại trên động vật, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ điều trị dự phòng trên người chưa đảm bảo. Người nuôi chó, mèo chưa quan tâm đến việc tiêm vắc xin dại cho đàn vật nuôi của mình nên tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp. Không những vậy, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng-chống bệnh dại trên người và động vật còn hạn chế. Đặc biệt, hệ thống ngành thú y cơ sở ít, nhiều xã không có cán bộ chuyên ngành thú y.
Chủ động giải pháp phòng ngừa
Bà Trần Tú Hoa, làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ-cho biết: Cách đây khoảng 1 tháng tôi bị chó lạ thả rông trong làng cắn vào chân. Nhận thấy cách đây chưa lâu khu vực này đã xảy ra 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại nên ngay trong đêm tôi phải ra TP.Pleiku để tiêm phòng dịch vụ nhằm ngăn chặn sớm virút bệnh dại.
Người dân TP.Pleiku tiêm phòng vắc xin cho chó để phòng bệnh dại. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Để phòng-chống bệnh dại đạt kết quả, theo các cơ quan chức năng, biện pháp hiệu quả nhất hiện nay là đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó, mèo. Ông Thái Văn Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-thông tin thêm: “Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân trong việc nuôi chó, mèo và phòng-chống bệnh dại. Đặc biệt, vận động người dân khi nuôi chó, mèo phải có chuồng nuôi nhốt riêng và phải tiêm phòng vắc xin bệnh dại theo định kỳ, khi thả chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, dây xích… Khi bị chó mèo cắn phải thông báo cho người nhà đưa đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị dự phòng. Ngoài ra, đề nghị các địa phương cần bố trí kinh phí mua vắc xin tổ chức tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đảm bảo đạt tỷ lệ thấp nhất 70%, khi có ổ dịch bệnh dại xảy ra thì phải đạt 80% tổng đàn trở lên”.
Ông Nguyễn Văn Long-Cục trưởng Cục Thú y thăm hỏi gia đình có ca tử vong vì bệnh dại tại huyện Chư Sê. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trong chuyến công tác mới đây tại Gia Lai, ông Nguyễn Văn Long-Cục trưởng Cục Thú y-nhấn mạnh: Hiện nay, bệnh dại đang là vấn đề cấp bách trong cả nước. Trong đó, Gia Lai là một trong những điểm "nóng" về bệnh dại. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung rà soát và quản lý chặt chẽ đàn chó, mèo nuôi của người dân. Rà soát lại kế hoạch phòng-chống bệnh dại của địa phương sát với thực tế vì người dân còn nuôi chó, mèo thả rông nên rất khó kiểm soát. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xã hội hóa tiêm phòng vắc xin cho đàn chó, mèo và thường xuyên tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc chăn nuôi. Đặc biệt, cần xử lý trách nhiệm của người dân khi không chấp hành quy định của pháp luật trong việc thả rông chó, mèo.