Thu tiền tỷ nhờ trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Nhờ trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê mà bà Nguyễn Thị Thanh (thôn Đại An 2, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã thu về tiền tỷ mỗi năm.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn quả, bà Thanh cho biết, bà sinh ra tại một xã miền núi thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 19 tuổi, bà vào Bình Dương làm công nhân cao su rồi lập gia đình. “Nhờ chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, tôi chăm sóc vườn cao su tốt hơn, sau đó trở thành công nhân cạo mủ giỏi và được giao nhiệm vụ đào tạo thợ cạo mủ với mức lương ổn định. Đến năm 2023, tôi được nghỉ theo chế độ. Không bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tôi bàn với chồng và quyết định bán hết tài sản lên Gia Lai lập nghiệp”-bà Thanh cho hay.

Năm 2005, sau khi gom góp được 1 tỷ đồng từ tiền bán đất vườn ở Bình Dương, bà Thanh mua gần 600 m2 đất ở tại xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) và 5 ha nhãn già cỗi. Vốn có kinh nghiệm chăm sóc vườn cao su, bà Thanh phá bỏ hết vườn nhãn để trồng loại cây này. Thời điểm ấy, chồng và các con vẫn ở lại Bình Dương.

Ban ngày, bà đào hố trồng cao su, tối đến mắc võng dưới cây nhãn ngủ. Ròng rã 3 tháng như vậy bà mới thuê người làm căn nhà tạm để tiện sinh hoạt và chăm sóc vườn cây. 3 năm sau, khi vườn cao su phát triển xanh tốt, chồng và con bà mới lên đây sinh sống. Đến năm 2012, vườn cao su cho thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu hơn 100 triệu đồng/năm.

Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh chăm sóc vườn sầu riêng tốt hơn, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Nhật Hào

Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh chăm sóc vườn sầu riêng tốt hơn, cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: Nhật Hào

Ông Phạm Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl: Bà Nguyễn Thị Thanh rất cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, đặc biệt là chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật mới áp dụng vào trồng trọt. Không những vậy, bà còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn vay không tính lãi cho hội viên. Mới đây, bà được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022.

Năm 2016, bà Thanh lại quyết định chuyển đổi dần diện tích cao su sang trồng cà phê xen sầu riêng. Theo bà, đây là 2 loại cây có giá trị kinh tế cao và vườn lại nằm cạnh suối nên không lo nước tưới. Để có kinh nghiệm chăm sóc vườn cây, bà lên mạng internet học hỏi và tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Nhờ vậy, vườn cây của gia đình bà phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng quả sầu riêng thơm ngon nên thương lái đến tận vườn thu mua.

“Tôi chuyển toàn bộ 5 ha cao su sang trồng cà phê xen 600 cây sầu riêng và hơn 200 cây ăn quả các loại. Trong đó, cà phê mỗi năm cho thu khoảng 15-16 tấn, bán được hơn 700 triệu đồng; sầu riêng tuy chỉ có 200 cây cho thu hoạch nhưng mỗi năm cũng hơn 15 tấn, bán được trên 600 triệu đồng. Hàng năm, gia đình tôi thu về 1,3 tỷ đồng, lãi hơn 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. Thời gian tới, khi 400 cây sầu riêng còn lại và các loại cây ăn quả khác vào vụ thì thu nhập của gia đình sẽ tăng lên đáng kể”-bà Thanh phấn khởi khoe.

Nhờ thu nhập từ vườn cây, gia đình bà Thanh đã xây được nhà ở khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, mua 2 xe ô tô cùng với nhiều máy móc phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Hiện gia đình bà cũng đang tạo việc làm cho 4 lao động với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đại An 2, bà thường xuyên định hướng cho bà con nông dân chọn cây trồng phù hợp, chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp một số hộ vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất.

Anh Đậu Bá Hà cho biết: “Bà Thanh không những sản xuất giỏi mà còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt cho mọi người trong thôn. Tôi thường được bà hướng dẫn trồng xen các loại cây trồng để đảm bảo thu nhập ổn định. Không những thế, có lúc cần vốn đầu tư phân bón cũng được bà Thanh hỗ trợ, giúp đỡ không tính lãi”.

Có thể bạn quan tâm

Xáo tam phân “bén đất” Hải Yang

Xáo tam phân “bén đất” Hải Yang

(GLO)- Cách đây 2 năm, anh Đinh Văn Túc (thôn 3, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đưa cây xáo tam phân về trồng trên diện tích 9 sào. Theo ước tính của anh Túc, 1 sào xáo tam phân mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư.

Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh Lê Nam

Gia Lai thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng do thiên tai

(GLO)-

Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực (Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh), thiệt hại do thiên tai gây ra từ ngày 1-1-2024 đến ngày 13-3-2024, ước giá trị thiệt hại hơn 3,6 tỷ đồng.


Lợi ích kép từ nuôi sâu canxi

Lợi ích kép từ nuôi sâu canxi

(GLO)- Với niềm đam mê làm nông nghiệp sạch, ông Lê Hùng Anh (SN 1958, trú tại thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã thành công trong việc nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho đàn vật nuôi cũng như sản xuất phân bón cho cây trồng. Mô hình này đã đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông.

Gia Lai chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao

Gia Lai chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị cao

(GLO)- Thời gian qua, nhiều địa phương ở Gia Lai chú trọng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, khó khăn về nguồn nước sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thích ứng với biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi còn tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam”

Hội thảo “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam”

(GLO)- Chiều 6-3, tại khách sạn Pleiku Place, Tổ chức Rainforest Alliance phối hợp Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đak Lak, Công ty TMT Consulting tổ chức hội thảo “Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam”.