(GLO)- Nhờ trồng cà phê, hồ tiêu, cao su kết hợp cây măng tây và nuôi nai nên gia đình bà Phạm Thị Na (tổ 6, thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
|
Bà Phạm Thị Na (tổ 6, thị trấn Chư Prông) chăm sóc vườn măng tây của gia đình. Ảnh: Anh Huy |
Dẫn chúng tôi tham quan vườn măng tây đang trong giai đoạn phát triển, bà Na cho biết: 8 sào đất này trước đây được phủ kín bởi trụ hồ tiêu. Năm 2019, hồ tiêu bị chết nên bà chuyển qua trồng măng tây. Cơ duyên lựa chọn cây trồng mới cũng rất tình cờ. Trong một lần xem ti vi thấy mô hình trồng măng tây mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà liên hệ trực tiếp với công ty chuyên cung cấp giống măng tây ở Hà Nội để được tư vấn. Đồng thời, bà nhờ các chuyên gia của công ty về tận vườn kiểm tra chất đất, đo độ pH... trước khi mua hạt giống về trồng.
“Bài học từ cây hồ tiêu khiến tôi cẩn trọng hơn khi chọn giống cây trồng mới. Với lại, giá đầu tư 1 sào măng tây gần 50 triệu đồng khiến tôi không thể mạo hiểm”-bà Na nói.
Sau khi được tư vấn, bà Na đầu tư trồng khoảng 17 ngàn cây măng tây giống Hà Lan. Để thời gian thu hoạch kéo dài 10-15 năm, bà tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, khi cây bước sang tháng thứ 6 mới tiến hành thu hoạch lần đầu. Hiện tại, bình quân mỗi ngày, bà thu hoạch khoảng 80 kg măng tây, giá bán dao động 50-70 ngàn đồng/kg.
Bà Na chia sẻ: “Cứ 3 tháng thu hoạch liên tiếp, tôi cho cây nghỉ 1 tháng vừa để dưỡng cây mẹ thay thế, vừa làm cỏ, xới đất, vun gốc, bón phân... Mới đây, sản phẩm măng tây của gia đình tôi đã tham gia Ngày hội “Kết nối-giao lưu sản phẩm khởi nghiệp” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với UBND huyện Chư Prông tổ chức và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao nhờ độ giòn, ngọt và thân to”.
Theo bà Na, trồng măng tây ngoài cung cấp đủ lượng nước tưới mỗi ngày còn phải tuân thủ đúng quy trình thu hoạch mới đảm bảo năng suất, chất lượng. Việc thu hái phải hoàn thành trước 7 giờ sáng vì khi mặt trời lên cao, thân măng sẽ bị mềm, không còn tươi xanh, thậm chí bị bung búp, nở hoa, ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng. Do đó, khoảng 4 giờ sáng, 3 nhân công đã có mặt tại vườn để thu hoạch.
|
Bà Phạm Thị Na trao đổi về kinh nghiệm chăm sóc cà phê với cán bộ Hội Nông dân thị trấn. Ảnh: Anh Huy |
Rời vườn măng tây, bà Na tiếp tục dẫn chúng tôi qua khu vực chăn nuôi cách đó khoảng 3 km. Trước đây, gia đình bà nuôi gần 20 con bò và riêng lượng phân bò thải ra cũng đủ để bón cho vườn cà phê, hồ tiêu. Năm ngoái, bà đã bán hết đàn bò. Hiện tại, bà nuôi 3 con nai.
Bà Na thông tin: “Nuôi nhốt chuồng, thức ăn cũng dễ tìm, hiệu quả kinh tế lại cao. Bình quân mỗi năm, nai cái sinh sản 1 lần, còn nai đực cho cắt nhung 2 lần được khoảng 1,8 kg. Hiện nhung nai có giá 1,5 triệu đồng/lạng”.
Ngoài măng tây và nuôi nai, gia đình bà Na còn sở hữu 600 trụ hồ tiêu, 8 ha cao su, 3,5 ha cà phê cùng vài trăm cây ăn quả. Bà Na cho biết, mỗi năm, tổng thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp này là hơn 1 tỷ đồng. Nhiều năm qua, bà tạo việc làm thường xuyên cho 9-10 lao động với thu nhập ổn định.
Chị Kpuih H’Miu (làng La, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) cho biết: “Mình thường xuyên làm việc cho bà Na. Lúc trước là trồng đậu, bắp, cà phê, hồ tiêu, còn giờ thì chăm sóc và thu hoạch măng tây. Mỗi tháng, mình làm cho bà Na khoảng 20 ngày với tiền công 180 ngàn đồng/ngày, thời gian còn lại mình làm việc nhà. Nhờ làm cho bà Na nên mình có thêm thu nhập và học hỏi được kỹ thuật chăm sóc cây trồng”.
Đề cập đến mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà Na, ông Vũ Trần Trung-Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chư Prông-nhận xét: “Khi hồ tiêu bị bệnh chết, nhiều hộ đã chuyển sang trồng xen cây ăn quả. Riêng gia đình bà Na lựa chọn trồng măng tây và nuôi nai nên thu nhập khá cao. Chúng tôi đã tổ chức cho hội viên đến tham quan, học hỏi mô hình kinh tế này”.
ANH HUY