(GLO)- Cách đây 20 năm, gia đình ông Wưi (làng Groi 1, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã đem hạt măng cụt về trồng thử trong vườn nhà với ý định tạo bóng mát cho cây cà phê. Tuy nhiên, 7 năm sau, nhiều người bất ngờ vì loại cây ăn quả này phù hợp với thổ nhưỡng địa phương và cho thu nhập khá.
Trồng thử… ăn thật
Ông Wưi kể: “Năm 2000, tôi được người quen mời ăn măng cụt. Đây là loại quả lần đầu tiên trong đời tôi được thưởng thức. Ở thời điểm đó, giá măng cụt khoảng 60.000 đồng/kg, đắt gấp đôi sầu riêng và gấp 4 lần giá xoài. Thấy ăn ngon nên tôi đem hạt của nó về trồng thử trong vườn nhà. Trong 1-2 năm đầu, nhiều cây phát triển rất nhanh, nhưng cũng có nhiều cây bị chết. Tôi nghĩ, thôi thì coi như trồng cây lấy bóng mát cho vườn cà phê. Mãi đến năm thứ 7 thì 12 cây măng cụt còn lại bắt đầu ra quả và cho thu bói với chất lượng quả khá ngon”.
Cán bộ xã Glar khảo sát vườn măng cụt xen canh cà phê của ông Wưi (làng Groi 1). Ảnh: Vũ Thảo |
Từ đó đến nay, những cây măng cụt trong vườn nhà ông Wưi đã qua 13 vụ thu hoạch với năng suất và chất lượng khá ổn định. “Khoảng 5 năm trở lại đây, măng cụt vẫn ra quả đều. Tuy vậy, do trồng đã 20 năm, phần vì giống cũ, phần thì không được chăm sóc đúng kỹ thuật, nên mỗi cây măng cụt chỉ thu được khoảng 100 kg quả/năm. Với giá bán bình quân 50 ngàn đồng/kg tại vườn, 12 cây măng cụt cho nguồn thu khoảng 60 triệu đồng/năm”-ông Wưi nói.
Cũng theo ông Wưi, măng cụt tại vườn của gia đình ông thường ra quả muộn hơn so với thời vụ của nó. Hàng năm, cứ đến tháng 5, cây bắt đầu ra hoa, đến tháng 9-10 là cho thu hoạch. Do đó, khi măng cụt trồng ở các tỉnh miền Tây hết thời vụ thì vườn măng cụt của ông lại cho thu hoạch nên giá cả luôn đạt cao.
Ông Nguyễn Quang Thoại-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Glar-cho biết: “Mặc dù ông Wưi chỉ có 12 cây măng cụt nhưng nguồn thu mang lại từ cây trồng này cao hơn nhiều so với các loại khác trên cùng đơn vị diện tích. Cứ tới mùa là người dân đến đặt mua, quả chín tới đâu ông Wưi gom bán hết tới đó với giá khá cao. Ở xã hiện cũng đã có một số hộ trồng xen măng cụt”.
Từ chỗ chỉ trồng thử ban đầu, năm 2016, ông Wưi tiếp tục trồng xen thêm 150 cây măng cụt trong vườn cà phê rộng 1 ha.
Nhiều triển vọng
Theo ông Wưi, măng cụt là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, trong khi đó thời gian cho thu hoạch quả có thể lên đến 50 năm. “Hiện diện tích trồng mới đã được 5 năm, chuẩn bị bước vào thời kỳ kinh doanh. Nếu 150 cây măng cụt này đạt tổng sản lượng theo dự kiến khoảng 10-15 tấn/năm, với giá hiện tại 30-40.000 đồng/kg sẽ mang lại nguồn lợi nhuận khoảng 200-250 triệu đồng/năm”-ông Wưi nhẩm tính.
Ông Nguyễn Văn Tâm-chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Đây là loại cây trồng mới ở địa phương nên khi thấy hộ ông Wưi trồng hiệu quả, một số hộ lân cận cũng đã tìm mua giống về xen canh trong vườn cà phê. Nếu xét về hiệu quả kinh tế mang lại trên cùng đơn vị diện tích thì cây măng cụt cho nguồn thu khá cao. Tuy nhiên, măng cụt là cây trồng dài ngày, nên ngành chức năng đã tuyên truyền, vận động người dân cần nghiên cứu kỹ về nguồn giống và kỹ thuật trồng để đảm bảo năng suất, chất lượng.
“Hiện nay, giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường, để tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích canh tác, việc đa canh cây trồng sẽ hỗ trợ lẫn nhau, tạo nguồn thu nhập ổn định hơn. Trước mắt, cây măng cụt cũng rất tiềm năng để phát triển tại địa phương”-ông Tâm nhận định.
VŨ THẢO