Câu lạc bộ là mô hình của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cô Nguyễn Thị Giang-Tổng phụ trách Đội trường THCS Nguyễn Huệ, đồng thời là dẫn trình viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”-cho biết: Toàn trường có gần 90% học sinh DTTS, chủ yếu là người Jrai có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cộng đồng Jrai hiện vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, một số hủ tục trong cưới hỏi vẫn còn nặng nề. Vì thế, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” hy vọng mang đến cho các em những cơ hội để mở mang kiến thức, thay đổi bản thân và góp phần thay đổi gia đình, cộng đồng.
Cô Giang cho biết, CLB có 30 thành viên, trong đó có 24 em là người Jrai. Đây là những học sinh lễ phép, năng động, có khả năng tham gia các hoạt động tập thể. “Câu lạc bộ là diễn đàn để học sinh bộc lộ quan điểm, suy nghĩ về tình trạng bất bình đẳng giới, những hủ tục vẫn còn tồn tại trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện không chỉ của nhà trường mà của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương. Khó khăn lớn nhất hiện nay là nhiều học sinh phải lên nương rẫy giúp bố mẹ. Các em một buổi đi học, một buổi đi làm nên không có thời gian tham gia các sân chơi, hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường còn thiếu thốn, kinh phí hạn chế, do đó tổ chức và đa dạng hoạt động như mục tiêu CLB đề ra cũng gặp không ít khó khăn”-cô Giang chia sẻ.
Krông Pa ra mắt Câu lạc bộ điểm “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Ảnh: Minh Châu |
Là mô hình điểm cấp tỉnh, bản thân dẫn trình viên cũng chưa có nhiều kỹ năng để tổ chức, điều hành. Với nhiệt huyết của một Tổng phụ trách Đội hơn 10 năm gắn bó với học sinh vùng khó, cô Giang cho rằng: “So với lứa tuổi THCS, những vấn đề về bình đẳng giới, giải quyết vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào DTTS nếu nói suông sẽ rất khó hiểu và tiếp nhận. Do đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao phù hợp với lứa tuổi hay các tiểu phẩm lấy chất liệu từ cuộc sống của các em là hình thức sinh hoạt hiệu quả. Hy vọng, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” như tên gọi sẽ có tác dụng làm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người DTTS ngay từ trên ghế nhà trường”.
Bà Vũ Thị Bích Ngọc-Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-cho biết: “Mục tiêu của dự án trong giai đoạn 1 (2021-2025) là thành lập được 75 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trong toàn tỉnh nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS; đồng thời, giúp trẻ trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ tại địa phương”.