Theo chân tổ phản ứng nhanh đến tận nhà F0 - Bài cuối: Thầm lặng những bước chân tuyến đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lo lắng cho người thân nhưng không thể ở bên chăm sóc, nhớ thương con nhưng không thể về thăm…, đó là nỗi niềm chung của những nhân viên y tế tại các trạm y tế đang căng mình chống dịch.

Tiêm vaccine tại nhà cho người già yếu ở phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức. Ảnh: BSCC
Tiêm vaccine tại nhà cho người già yếu ở phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức. Ảnh: BSCC
Gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ con
Với những người là y tế tuyến cơ sở, công việc của họ trong mùa dịch cũng vất vả, áp lực không khác gì tuyến trên. Tại các trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, tài xế lái xe cấp cứu… đang căng mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 để giành lấy từng sự sống cho bệnh nhân hoặc thức trắng đêm để đưa người đi cách ly.
Nhìn bữa cơm mỗi người ngồi một góc, anh Lê Quốc Bình, Trạm trưởng trạm y tế xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhớ nhà da diết, bởi lẽ từ nhiều tháng nay, anh bám trụ ở trạm chưa về nhà. Không chỉ riêng anh Bình, các nhân viên khác của trạm cũng "3 tại chỗ" giống anh. Tối nào không đi lấy mẫu xét nghiệm hoặc không phải chạy cấp cứu khẩn cấp, anh em trong trạm lại tranh thủ gọi về nhà. 
"Mọi người chỉ biết an ủi nhau cố gắng chống dịch cho tốt để sớm được về nhà. Công việc chúng tôi rất bận rộn, đi lấy mẫu rồi chăm sóc F0. Có những gia đình có con nhỏ hay cụ già trên 80 tuổi phải đi cách ly tập trung, họ di chuyển chậm, nhân viên y tế phải bế lên xe, chứng kiến cảnh đó thấy thương lắm", anh Bình tâm sự.
Anh Trúc, cùng trạm y tế với anh Bình đã không về nhà từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay. Mọi việc chăm lo nhà cửa, con cái, cha mẹ già, vợ anh phải một mình gồng gánh. Anh: "Dù sao tôi cũng là điều dưỡng, nếu bị bệnh cũng biết cách chăm sóc sức khỏe hơn là về nhà rồi lây cho người thân. Ngày nào, tôi cũng gọi điện thoại về nhà để hỏi thăm ba mẹ nhưng sao làm hoài mà công việc vẫn đằng đẵng chưa xong".
Vừa tranh thủ xuống kiểm tra sức khỏe F0 tại nhà, vừa mang theo giấy tờ để chuẩn bị nhập liệu, chị Nguyễn Thị Tĩnh, trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức cho biết: "Nhân viên y tế cơ sở rất cực vì quá nhiều việc. Tôi vừa phải lo cho F0, vừa thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, đi tiêm vaccine nếu được điều động, kiểm luôn việc nhập liệu bệnh nhân. Những lúc thế này, mỗi người phải làm việc bằng 5, bằng 10 bình thường mà vẫn không hết việc".
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết, phường hiện có 700 ca F0, đã được đưa đi theo phân tầng điều trị. Ngoài các F0 cách ly tại nhà, phường cũng có 2 khu thu dung F0 có thể tiếp nhận cùng lúc 300 người, vì vậy hiện nay không còn tình trạng quá tải F0. Tuy nhiên, trạm y tế chỉ có 8 người nên phải huy động thêm nhiều tình nguyện viên cùng tham gia góp sức, nếu không sẽ rất quá tải cho nhân viên y tế.
Trạm y tế lưu động hoạt động 24/7
Tại trạm y tế lưu động số 7 (đặt tại Trường tiểu học Phong Phú, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) từ sáng sớm, người dân đã hối hả đến để được tư vấn Covid-19 đồng thời test nhanh để nắm bắt tình trạng sức khỏe của mình.
Điện thoại đường dây nóng của nhân viên y tế túc trực tại trạm y tế lưu động số 7 cũng liên tục đổ chuông, người dân gọi đến nhờ tư vấn từ xa hoặc thông báo tình hình diễn biến sức khỏe. Tất cả các nút thắt, các thắc mắc đều được giải quyết thấu đáo.

Tổ phản ứng nhanh mang thuốc xuống tận nhà F0. Ảnh: B.D
Tổ phản ứng nhanh mang thuốc xuống tận nhà F0. Ảnh: B.D
Biết thông tin có trạm y tế lưu động Bình Hưng cạnh nhà mình, bà Nguyễn Hoa ở xã Bình Hưng cũng chủ động đưa cả nhà đến xét nghiệm bằng test nhanh. Bà Hoa cho biết: "Người dân chúng tôi rất vui mừng khi có các Trạm Y tế lưu động mà lại ở gần nhà, đây là điều rất thuận tiện khi cần thiết cần được tư vấn hay khám bệnh. Để khỏi mất công nhân viên y tế, chúng tôi khi đi đã dặn nhau thực hiện nghiêm quy định khoảng cách, đến khai báo đầy đủ các triệu chứng".
Chị Lê Thị Kiều Ngân, phụ trách trạm y tế lưu động xã Bình Hưng cho biết: "Bình Hưng là "điểm nóng" của Bình Chánh nên có lúc chúng tôi hoạt động xuyên đêm. Các tình nguyện hỗ trợ kết nối với chúng tôi chặt chẽ và đến nhà dân chăm sóc từ chiều nay đến sáng mai mới về. Chúng tôi còn liên tục điện thoại hướng dẫn, nắm bắt sức khỏe các ca bệnh ở nhà. Về vấn đề ăn uống, hỗ trợ dinh dưỡng cho đội ngũ y bác sĩ tại các trạm y tế lưu động thì có xã lo. Hiện riêng tại xã này có gần 50 F0 đang điều trị tại nhà đều do chúng tôi chăm sóc là chính".

Kiểm tra sức khỏe F0 tại nhà ở quận 11. Ảnh: B.D
Kiểm tra sức khỏe F0 tại nhà ở quận 11. Ảnh: B.D
Theo BS Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Chánh, huyện có 15 trạm y tế lưu động. Mỗi trạm tập trung nhân lực từ các nguồn như y bác sĩ tình nguyện, nhân viên y tế tại chỗ, các cán bộ hỗ trợ… Đây là "cánh tay nối dài" cho các cơ sơ y tế để chăm sóc tốt nhất cho F0 đang điều trị tại nhà. Nhân viên các trạm y tế lưu động thường xuyên đến tận nhà dân để đo SpO2, hỗ trợ oxy, tiến hành các bước sàng lọc, liên hệ chuyển tuyến.
Không bị áp lực về cứu chữa bệnh nhân như các bác sĩ tuyến đầu nhưng với các nhân viên y tế cơ sở tại các trạm y tế lưu động, tổ phản ứng nhanh, áp lực đối với họ cũng không hề thua kém. Tuy nhiên, tất cả đều sát cánh bên nhau vì một mục tiêu duy nhất: Để cho thành phố được "mạnh khỏe" hơn.
(Hết)
Theo Bạch Dương (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.