Thêm 229 tỷ đồng vốn ưu đãi cho vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây cũng là một trong số chính sách tín dụng ưu đãi mà Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) được giao thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Xung quanh nội dung này, P.V Báo Gia Lai điện tử có cuộc phỏng vấn ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh.

* P.V: Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ có những điểm gì nổi bật, thưa ông?

- Ông LÊ VĂN CHÍ: Những năm qua, Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách tín dụng đặc thù cho vùng đồng bào DTTS và miền núi theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ là sự tiếp nối các chính sách hỗ trợ đặc thù trong giai đoạn mới, quy mô tín dụng, các chương trình cho vay được mở rộng có trọng tâm, đối tượng vay vốn được bổ sung thêm doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) hoạt động tại các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi, sử dụng lao động là người DTTS gắn với chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, trong giai đoạn 1 (2022-2025), triển khai các chính sách cho vay hỗ trợ đất ở; cho vay hỗ trợ nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ngân hàng Chính sách Xã hội đã chuẩn bị nguồn vốn để cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Ảnh: Sơn Ca
Ngân hàng CSXH tỉnh đã chuẩn bị nguồn vốn để cho vay phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1. Ảnh: Sơn Ca


* P.V: Theo ông, để được thụ hưởng các chính sách tín dụng ưu đãi nêu trên, đối tượng vay vốn cần đáp ứng những điều kiện gì?

- Ông LÊ VĂN CHÍ: Khách hàng vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/NĐ-CP bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS hoặc người Kinh cư trú hợp pháp ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi; doanh nghiệp, HTX, liên hiệp HTX, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người DTTS.

Đối với từng chương trình cho vay, các đối tượng vay vốn cần đáp ứng các quy định về điều kiện vay vốn như: cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong danh sách hộ gia đình được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn, doanh nghiệp, HTX có phương án đầu tư và sử dụng vốn vay để tham gia các dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, được Ngân hàng CSXH tham gia thẩm định phương án vay vốn trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các quy định về đối tượng, điều kiện vay vốn, mức cho vay, lãi suất áp dụng đều được Ngân hàng CSXH hội thực hiện với tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

* P.V: Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai những công việc gì để chính sách hỗ trợ này sớm đạt mục tiêu đề ra, thưa ông?

- Ông LÊ VĂN CHÍ: Ngay sau khi Nghị định số 28/NĐ-CP được ban hành, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện, giao Ngân hàng CSXH tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Ngân hàng CSXH Việt Nam, chúng tôi yêu cầu các phòng giao dịch chủ động phối hợp với các ban ngành chức năng, chính quyền địa phương rà soát danh sách các đối tượng được thụ hưởng chính sách, đăng ký nhu cầu vốn. Đồng thời, thông tin rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp, HTX về các chính sách cho vay theo Nghị định số 28/NĐ-CP để thực hiện. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cũng đã được Ngân hàng CSXH Việt Nam giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đối với giai đoạn 1 gần 229 tỷ đồng. Sau khi có hướng dẫn cụ thể của Ủy ban Dân tộc và Ngân hàng CSXH Việt Nam, chúng tôi sẽ hướng dẫn các đối tượng vay vốn có nhu cầu và đủ điều kiện lập hồ sơ để triển khai cho vay trong thời gian nhanh nhất.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

 

 SƠN CA (thực hiện)

 

 

Có thể bạn quan tâm

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

“Khu chợ không dùng tiền mặt”: Hiệu quả, tiện ích

(GLO)- Sau 1 năm đi vào hoạt động, mô hình “Khu chợ không dùng tiền mặt” tại Trung tâm Thương mại thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế số của địa phương.