Thể thao Việt Nam khi nào hết trắng tay ở Olympic: Loay hoay tìm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thể thao VN thiếu rất nhiều yếu tố để thực sự đột phá ở Olympic. Nếu chỉ định hướng và đầu tư như hiện nay, ngày thoát khỏi 'cái bóng' SEA Games vẫn còn rất xa…

THẤT BẠI VÌ "ĐANG ĐI… BẰNG MỘT CHÂN"

Bộ VH-TT-DL đã hoàn thiện dự thảo chiến lược phát triển TDTT VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Chính phủ phê duyệt. Trong đó, một trong những điểm nhấn là phát triển thể thao bền vững từ phong trào đến đỉnh cao. Ông Mai Bá Hùng, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, khẳng định: "Chủ trương, đường lối, chính sách và chiến lược cũng đã có, nhưng nhiều vấn đề chưa triển khai được nếu chỉ có ngành thể thao, mà cần có sự chung tay của các bộ, ban, ngành từ T.Ư đến địa phương. Theo tôi, VN phải tiến hành đồng bộ, tất cả cùng hành động mới mong thể thao nước nhà phát triển bền vững, từ đó mới tính được chuyện vươn ra thế giới".

Những môn thiên về sự chính xác, khéo léo như cầu lông, bắn cung được đánh giá là phù hợp để tiến ra Olympic.

Những môn thiên về sự chính xác, khéo léo như cầu lông, bắn cung được đánh giá là phù hợp để tiến ra Olympic.

Nền tảng cực kỳ quan trọng để phát triển thể thao của một quốc gia là không chỉ tập trung vào thể thao đỉnh cao, và không được phép lãng quên vai trò của thể thao quần chúng, trong đó có thể thao học đường. Tại Olympic 2024, VĐV Julien Alfred (người mang về tấm HCV lịch sử cho quốc đảo nhỏ bé Saint Lucia, ở nội dung 100 m nữ) thực chất trưởng thành ở các giải chạy trong hệ thống ĐH của Mỹ. Giải chạy sinh viên toàn nước Mỹ là cái nôi của rất nhiều chân chạy lừng danh, mà Alfred chỉ là "hạt cát giữa sa mạc". Hay môn bắn cung từ lâu đã được đưa vào hệ thống thể thao học đường ở Hàn Quốc. Với phong trào bắn cung rất mạnh, nước này chưa bao giờ thiếu nhân tài. Vì thế không hề ngạc nhiên khi Hàn Quốc giành trọn vẹn 5 HCV tại Olympic 2024. Một ví dụ nữa là trường hợp của Nhật Bản ở môn skateboarding (trượt ván). Những nhà vô địch Olympic ở tuổi thiếu niên của Nhật Bản tại 2 kỳ Thế vận hội gần nhất đều được mài giũa ở những hệ thống công viên sở hữu đường trượt hiện đại phủ khắp.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương khẳng định: "Muốn tiến xa, nền thể thao phải bước đều ở đồng thời hai chân: thể thao quần chúng và thể thao đỉnh cao. Trong đó, thể thao quần chúng là tấm lưới để phát hiện, sàng lọc và thu hút nhân tài. Thể thao học đường cũng thúc đẩy phong trào, đồng thời giúp VĐV phát triển toàn diện ở cả chuyên môn thể thao lẫn kiến thức. Tuy nhiên ở VN hiện nay, chúng ta chỉ huấn luyện kiểu gà nòi". Ông Xương, hiện là chuyên gia bóng đá học đường của Liên đoàn Bóng đá TP.HCM, chia sẻ thêm: "Con người muốn phát triển cần rèn luyện từ nhỏ, trong đó giai đoạn quan trọng nhất là từ năm 6 - 12 tuổi. Các nước phát triển đầu tư rất mạnh thể thao học đường trước hết để người dân cao hơn, khỏe hơn, cải thiện giống nòi. Từ nền tảng này, họ mới phát hiện ra các VĐV có năng khiếu, sau đó chọn lọc để đầu tư khoa học và chuyên nghiệp. Muốn có VĐV giỏi thì phải tuyển chọn, đào tạo từ sớm, không thể đi tắt đón đầu. Để phát triển thể thao quần chúng, bên cạnh xây dựng phong trào, cần có hệ thống tập luyện và tổ chức thi đấu cho toàn dân. Dù vậy, cơ sở vật chất cho thể thao ở VN hiện nay còn yếu. Sân bãi, trang thiết bị thể thao phục vụ cộng đồng còn hạn chế thì rất khó đẩy mạnh thể thao quần chúng. Như vậy đồng nghĩa thể thao đỉnh cao ở VN cũng sẽ yếu. Thể thao VN hiện tại chưa thể tìm được thành công ở đấu trường danh giá như Olympic, bởi chúng ta mới chỉ đang đi… bằng một chân".

KHÓ KHĂN TRĂM BỀ

Theo Cục TDTT, diện tích đất trên toàn quốc dành cho đào tạo, tập huấn, thi đấu thể thao thành tích cao là 205,863 ha, đạt tỷ lệ 98,02%, cơ bản đáp ứng một phần nhu cầu phát triển thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, trong gần 2 thập niên qua, diện tích đất cho TDTT ngày càng bị thu hẹp, lại chưa đạt mục tiêu đề ra. Quyết định số 1752/QĐ-TTg ngày 30.9.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, nêu rõ: "Nền tảng hạ tầng phục vụ thể thao thành tích cao lẫn thể thao cộng đồng đều rất hạn chế, chỉ đáp ứng từ 30 - 50% nhu cầu tập luyện. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thể thao là yêu cầu bắt buộc để thể thao VN tìm lối thoát, nhưng thực tế rất khó khăn".

Thành tích thể thao VN thiếu ổn định, còn vì nhiều lý do khách quan khác nữa. Một cựu lãnh đạo Tổng cục TDTT (nay là Cục TDTT) chua chát cho biết cứ sau mỗi kỳ đại hội thể thao lớn như ASIAD, Olympic, mà thành tích thể thao VN không tốt, ngành thể thao gần như là "địa chỉ" duy nhất phải hứng chịu mọi chỉ trích, nhưng mấy ai hiểu hết cái khó của ngành khi ở thế "thấp cổ bé họng", vướng đủ thứ cơ chế, nên chưa thể phát huy được hết các nguồn lực và cũng chưa được chung tay để phát triển bền vững.

Ông Đinh Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước VN, cho biết quá trình tuyển chọn, đào tạo VĐV cho các môn đỉnh cao cũng cần được làm bài bản từ trên xuống dưới, phối hợp chặt chẽ giữa T.Ư và địa phương, hay giữa các bộ, ban, ngành. Ngoài tuyển chọn VĐV từ các giải đấu, chúng ta có thể tuyển chọn tài năng sớm hơn thông qua việc BHL đội tuyển rà soát ở các địa phương, khi phát hiện được nhân tố trẻ tiềm năng, chúng ta thống nhất ngay phương pháp huấn luyện để các em có sự tiến bộ vững chắc. Không chỉ ở môn bơi mà môn khác cũng có tình trạng VĐV tài năng do không được đào tạo theo quy chuẩn, địa phương nôn nóng gặt hái thành tích, từ đó các em dễ bị chấn thương, phải sớm giã từ sự nghiệp. Vì thế công tác phối hợp tuyển chọn, đào tạo cho VĐV ngay từ tuyến cơ sở là rất quan trọng, tránh được cảnh VĐV "sớm nở tối tàn", lãng phí tài năng, công sức.

PHẢI TỰ CỨU MÌNH

Trong khi chờ đợi một số cơ chế, chính sách về thể thao được gỡ nút thắt, ngành thể thao cũng phải chủ động tính toán lại chiến lược, tập trung đầu tư cho những môn thế mạnh. "Chúng ta cần nghiên cứu bài bản về thể chất, sức mạnh, sức bền của VĐV VN để tìm ra môn nào phù hợp với khí chất và thể trạng con người, rồi tập trung đầu tư mũi nhọn cho những môn ấy. Cách đầu tư dàn trải cho quá nhiều môn như hiện nay không phù hợp để VN mơ thành tích tốt ở ASIAD hay Olympic", ông Đoàn Minh Xương bày tỏ. Những môn thiên về sự chính xác, khéo léo, đòi hỏi sức bền tâm lý như bắn súng, bắn cung được đánh giá là phù hợp để tiến ra Olympic. Thành công bước đầu của Trịnh Thu Vinh với hai lần dự vòng chung kết nội dung súng ngắn (10 m và 25 m) là gợi ý để thể thao VN đầu tư trọng điểm, có kế hoạch phát triển thể thao đỉnh cao lẫn thể thao quần chúng rõ ràng, thay vì dàn trải như hiện nay.

Ông Trần Đức Phấn, nguyên Trưởng đoàn thể thao VN, chia sẻ: "Olympic là sân chơi lớn, tập trung những VĐV xuất sắc nhất thế giới. Đến với Olympic, không phải VĐV VN nào cũng có thể tranh chấp huy chương. Mà có mặt ở đây với họ đã là thành công lớn, là cú hích để các VĐV tiếp tục phấn đấu, nỗ lực. Để đạt thành tích không phải chuyện đơn giản, bởi chỉ có rất ít VĐV có huy chương ở mỗi nội dung thi. Đừng dùng từ thất bại, bởi hơn ai hết, VĐV luôn rất khát khao có thành tích. Cái gì chưa được thì điều chỉnh. Làm thể thao cần rất nhiều thời gian. Bên cạnh đầu tư cho khâu huấn luyện, chúng ta cần chờ đợi VĐV VN có thể thích ứng dần dần với trình độ Olympic". (còn tiếp)

Cần định hướng tập trung cho các môn

"Để nhắm tới mục tiêu huy chương, thể thao VN cần tính toán số lượng môn và số lượng VĐV phù hợp để đầu tư. Cần định hướng tập trung cho các môn chúng ta có thể tiệm cận đẳng cấp Olympic, trong đó có bắn cung, bắn súng, cầu lông hay cử tạ, vốn gần gũi với các VĐV VN nói riêng hay Đông Nam Á nói chung. Vấn đề đầu tư thế nào, kế hoạch bài bản ra sao để phù hợp với chu kỳ phát triển của VĐV. Chúng ta cần sàng lọc các VĐV trẻ, có các giải pháp về khoa học, y học, dinh dưỡng để đáp ứng yêu cầu huấn luyện. Chỉ tiếc rằng điều kiện tập luyện của VĐV ở trong nước còn hạn chế, mong sẽ có thêm bước đột phá", ông Trần Đức Phấn cho biết.

Theo Hồng Nam - Hoàng Quỳnh (TNO)

Có thể bạn quan tâm