Tại các sự kiện quốc tế lớn diễn ra trong tuần qua ở Hà Nội, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư đã chia sẻ nhận định và bày tỏ tin tưởng về tiềm năng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.
Một doanh nghiệp FDI ở Ninh Bình. Ảnh: Hải Nguyễn |
Điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong ASEAN
Tại hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”, đại diện Tập đoàn Credit Suisse dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 8% năm 2022, thuộc nhóm cao nhất tại Châu Á và ASEAN. Credit Suisse đánh giá cao Việt Nam duy trì tốt động lực xuất khẩu nhờ hệ thống các Hiệp định Thương mại tự do đang có hiệu lực, duy trì được tính ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ trong nước trước các thách thức từ bên ngoài, không phải chịu áp lực nợ công và là một trong những điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong ASEAN.
Trong khi đó, Quỹ đầu tư Warburg Pincus nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những địa bàn đầu tư hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á và quỹ đến nay đã đầu tư 2 tỉ USD vào Việt Nam. Warburg Pincus cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm đến ba yếu tố để thu hút hơn nữa nguồn vốn của các quỹ đầu tư, đó là: Duy trì môi trường đầu tư ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng mềm của nền kinh tế về năng lực tài chính, hệ thống y tế, chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lực thực thi chính sách hiệu quả... và chú trọng tính bền vững của các dự án đầu tư nước ngoài.
Trưởng đại diện World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk và nhiều đại biểu các nước, tổ chức quốc tế nhận định, trong bối cảnh thế giới nhiều rủi ro, bất định, Việt Nam đối diện với các thách thức gia tăng từ biến đổi khí hậu; đánh giá cao các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về giảm phát thải và sẵn sàng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình phát triển bền vững.
Để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cần lượng vốn tài chính lớn, với mức đầu tư thêm tương đương 7% GDP mỗi năm, Trưởng đại diện World Bank và Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam về giải pháp huy động tài chính gồm gắn kết các cam kết khí hậu với các dự án xanh và khả thi, thúc đẩy hợp tác công - tư, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tài chính xanh và có khuôn khổ pháp lý phù hợp cho giải ngân nguồn vốn ODA, thúc đẩy các công cụ tài chính xanh và bền vững, có giải pháp sáng tạo nhằm chuyển đổi nguồn vốn tập trung cho các dự án xanh, thiết kế và thực thi các ưu đãi khuyến khích tín dụng xanh.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, huy động hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài kết hợp với các nguồn lực trong nước cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững là mục tiêu, yêu cầu nhất quán và cấp thiết của Việt Nam.
Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nguồn tài chính xanh và nguồn vốn từ các quỹ đầu tư nhằm phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, với trọng tâm là cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước và tận dụng các động lực tăng trưởng mới về chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Đại biểu quốc tế đánh giá cao thành tựu và sự phát triển của Việt Nam
Cũng trong tuần qua đã diễn ra Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình Thế giới tại Hà Nội. Các đại biểu dự hội nghị đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
TTXVN dẫn lời ông Carlos Ron, Chủ tịch Viện Nghiên cứu về Hòa bình và Đoàn kết Venezuela (ISB) nhận xét, từ một quốc gia trải qua chiến tranh, Việt Nam không những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn là một quốc gia với một con đường phát triển mới, hướng tới sự thịnh vượng, tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn.
Tổng Thư ký Hội đồng Hòa bình Bangladesh Hasan Tarique Chowdhury đề cao những tiến bộ của Việt Nam nhờ tiến hành công cuộc đổi mới và áp dụng nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa...
Đặc biệt, tiến sĩ Monisha Rios của Hội Đoàn kết Puerto Rico nhận xét, sự gia tăng tỉ lệ biết chữ, những thay đổi trong xã hội liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, cũng như nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam mang đến rất nhiều hy vọng và là một tấm gương tuyệt vời để noi theo.
Lần thứ hai trở lại Việt Nam, ông Milan Krajca, Chủ tịch Phong trào hòa bình của Cộng hòa Czech cho biết, ông quan tâm tới khía cạnh hòa bình trong quá trình phát triển đất nước của Việt Nam. Ông nhận xét, Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu phát triển, đồng thời đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Liên Hợp Quốc và các diễn đàn, tổ chức quốc tế khác.
Theo Song Minh (LĐO)