Thái Lan siết chặt biên giới với Myanmar vì bệnh tả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bộ Y tế Thái Lan ngày 23/12 cho biết nước này ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tả và thành lập trung tâm khẩn cấp (EOC) tại tỉnh Tak để theo dõi và kiểm soát tác động từ biên giới Myanmar.

nguoi-myanmar-qua-song-moei-den-tinh-tak-thai-lan-nam-2016-anh-bangkokpost.jpg
Người Myanmar qua sông Moei đến tỉnh Tak- Thái Lan năm 2016. Ảnh: Bangkokpost

Theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, dịch tả đang lây lan tại thành phố Shwe Kokko ở Myanmar – gần với biên giới Thái Lan. Hiện Thái Lan đã ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh tả và đều ở tại huyện Mae Sot, tỉnh biên giới Tak.

2 trường hợp mắc bệnh tả được đưa vào Bệnh viện Mae Sot gồm: một phụ nữ mang thai từ Myanmar bị bệnh tả đã sinh con ở phía biên giới Thái Lan, và người họ hàng Myanmar của người này sống ở Tak đã đến thăm cô và cũng bị mắc bệnh.

Tiến sĩ Opas Karnkawinpong, Thư ký thường trực Bộ Y tế công cộng thông báo rằng Văn phòng y tế công cộng tỉnh Tak và Tiến sĩ Supachok Wechaphanphesat, quyền Tổng thanh tra y tế chỉ huy trực tiếp hoạt động ngăn chặn dịch tả tại nước này.

Ông Opas cho biết ngành chức năng đang theo dõi các trường hợp mắc bệnh tả có thể xảy ra ở các cộng đồng tại biên giới, trong đó có các nhà máy và trại tị nạn.

Trung tâm cũng giám sát nguồn nước uống, đưa ra các tư vấn cho người dân và người di cư về vấn đề vệ sinh, giám sát các hội chợ thực phẩm và người bán hàng, đồng thời chuẩn bị vật tư y tế bao gồm bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh để ứng phó với bệnh tả.

“Các huyện Mae Ramat và Mae Sot của tỉnh Tak có nguy cơ cao vì nơi đây nằm đối diện với khu vực Shwe Kokko (Myanmar) và có nhiều nhà máy và cộng đồng người di cư. Trong kỳ nghỉ năm mới, mọi người sẽ tiệc tùng và chia sẻ bữa ăn”, Tiến sĩ Opas cho biết.

Theo Thư ký thường trực Bộ Y tế công cộng Thái Lan, Myanmar đã có khoảng 200 ca bệnh tả ở khu vực Shwe Kokko, trong đó có 2 ca tử vong.

Quân đội Thái Lan đang tăng cường tuần tra biên giới tại các huyện Mae Ramat và Mae Sot để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp qua các cửa khẩu biên giới tự nhiên trong thời điểm hiện tại. Chính quyền tỉnh Tak (Thái Lan) đã hỗ trợ cho phía Shwe Kokko của Myanmar các vật tư y tế theo yêu cầu để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tả là bệnh truyền nhiễm do ăn thực phẩm hoặc uống nước bị nhiễm vi khuẩn tả. Với triệu chứng tiêu chảy nặng, nôn mửa và chuột rút cơ, bệnh dễ lây lan trong điều kiện mất vệ sinh.

Các nhà nghiên cứu ước tính mỗi năm trên thế giới có từ 1,3 triệu - 4 triệu ca mắc bệnh tả, với 143.000 người tử vong.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Gia Lai tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.