Taxi, xe công nghệ sẽ phải đổi màu biển số?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ Công an đề xuất đổi biển số của các loại xe kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách từ màu nền trắng, chữ đen sang biển số có màu nền vàng cam, chữ số màu đỏ.
 
Nhiều quy định chồng chéo sẽ làm khó loại hình taxi công nghệ tại Việt Nam. Ảnh: Phạm Hùng
Đề xuất trên nằm trong Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 15 về Quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến. Nếu được thông qua, với chi phí ước tính khoảng 150 tỉ đồng.
Tốn kém, bất hợp lý
Trong Dự thảo, Ban soạn thảo giải thích rằng mục đích của đề xuất là để phân định rõ đối tượng kinh doanh vận tải nhằm tạo thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước, đồng thời tạo bình đẳng giữa doanh nghiệp taxi và tài xế công nghệ. LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam đánh giá đề xuất này vừa tốn kém, vừa bất hợp lý. Ông Hậu phân tích: Thứ nhất, theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 vừa được Bộ GTVT trình Chính phủ, xe hợp đồng và xe taxi sẽ phải đáp ứng các quy định về việc nhận dạng, phục vụ cho mục đích quản lý nhà nước bằng việc dán phù hiệu, dán cụm từ phản quang ở cả kính trước và kính sau xe. Nay Bộ Công an lại đề xuất thêm một quy định cũng với mục đích tương tự, phương tiện kinh doanh phải chịu "một cổ hai tròng", đi ngược lại với chủ trương tinh giản các thủ tục hành chính của Chính phủ.
Thứ hai, việc phải thay biển số xe đối với các xe đã được cấp phép hoạt động dưới hình thức taxi hoặc xe hợp đồng sẽ tốn nhiều ngân sách. Theo số liệu từ đánh giá tác động của Bộ Công an, sẽ mất khoảng 150 tỉ đồng cho việc tổ chức lại hệ thống cấp và quản lý biển số, cũng như tiến hành chuyển đổi giấy đăng ký, biển số xe đối với khoảng một triệu phương tiện đang kinh doanh vận tải.Chưa kể nhà nước còn sẽ phải đầu tư kinh phí cho việc kết nối liên thông dữ liệu về đăng ký sở hữu phương tiện, cấp giấy phép kinh doanh vận tải.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải tốn kém chi phí về thời gian, nhân lực và tài chính để đáp ứng quy định này. "Tại Việt Nam hiện nay việc chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích từ xe dịch vụ sang xe gia đình rất nhiều. Với mô hình kinh doanh đa dạng hiện nay, các loại hình như Grab, VATO... quy tụ xe nhàn rỗi của người dân. Có thể hôm nay cài app chạy xe nhưng mai không thích lại bỏ app, chuyển về xe sử dụng hằng ngày. Nếu ấn định các phương tiện này phải mang biển số màu khác thì chắc chẳng ai dám chạy xe công nghệ nữa" - ông Hậu nhấn mạnh.
Đồng tình, LS Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO nhận định mục đích của việc nhận diện phương tiện nhằm đáp ứng nhu cầu của 3 đối tượng: khách hàng, đơn vị quản lý thuế và lực lượng thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông. Về phía khách hàng, họ không có nhu cầu nhận diện xe vì mọi thông tin đã được minh bạch qua ứng dụng. Cả taxi truyền thống hiện nay cũng đã sử dụng ứng dụng để đón khách. Việc đổi biển số màu khác hay không cũng không có ý nghĩa gì đối với các đơn vị quản lý thuế vì công tác truy thu thuế phải xử lý tại nguồn là doanh nghiệp. “Đối với thanh tra, kiểm tra, cảnh sát giao thông thì nhận diện xe để làm gì? Không có quốc gia nào lại đi cấm đoán, siết chặt quản lý với các phương tiện vận tải công cộng. Quy định này có thể dẫn đến nghi ngờ về tiêu cực, mãi lộ”, ông Đức đặt vấn đề. 
Tài xế phản đối, khách hàng chịu thiệt
Cũng giống như đề xuất gắn mào cho xe công nghệ trước đó của Bộ GTVT, đề xuất đổi màu biển số phương tiện kinh doanh vận tải cũng ngay lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo giới tài xế chạy xe công nghệ.
Đón chúng tôi tại đường Hoàng Diệu, quận 4 (TP.HCM), anh Võ Duy Lưng tận tình gọi điện hỏi điểm đón, thông báo màu và biển số xe dù các thông tin này đã được ghi rõ ràng tại ứng dụng (app) Grab khi chúng tôi đặt xe. Trên đường di chuyển, anh Lưng vui vẻ trò chuyện và cho biết anh đã chạy Grab được 3 năm. Khi được hỏi ý kiến về việc sẽ phải đổi màu biển số nếu vẫn muốn tiếp tục vận chuyển hành khách, anh Lưng tỏ ra vô cùng bình thản: "Tôi đoán đề xuất này sẽ không thực hiện được đâu, cũng giống như vụ bắt đeo mào lần trước. Biển số, loại xe, màu xe, thông tin của tôi khách hàng có hết, trước khi đến đón chúng tôi cũng đã gọi điện trao đổi vị trí rồi. Để cơ quan quản lý dễ nhận ra, chũng tôi cũng đã dán logo 2 bên cửa xe và có bảng xe hợp đồng bên trong. Ai mà chả biết. Tiền gắn biển chúng tôi phải trả hay Grab hoặc nhà nước hỗ trợ? Nếu giờ hỗ trợ, đến khi tôi không chạy xe nữa, chuyển đổi hay chuyển nhượng thì tiền thay biển ai chịu? Tuy tôi chạy Grab lâu rồi nhưng vẫn là xe nhà, thỉnh thoảng còn đưa con cái mượn đi chơi, giờ bắt gắn biển số xe khách, kỳ lắm!" - tài xế Võ Duy Lưng đặt vấn đề.
Thực tế, điểm ưu việt của mô hình gọi xe công nghệ chính là giá cả. Kết nối tài xế và hành khách có nhu cầu thông qua ứng dụng, các doanh nghiệp này không phải chịu nhiều chi phí như mô hình của taxi truyền thống và phần chi phí tiết kiệm này được giảm trực tiếp vào giá thành, khiến người tiêu dùng có được mức giá tốt nhất. Không chỉ vậy, điểm đặc biệt của Grab chính là phương thức tính giá cước hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường thông qua phần mềm điện tử. Điều này thể hiện rất rõ khi vào giờ cao điểm, cầu vượt quá cao so với cung, giá cước Grab đẩy lên cao. Việc "ép" tài xế vào quá nhiều những quy định mang tính hình thức giống với taxi truyền thống có thể dẫn tới việc số lượng tài xế giảm, tăng giá thành di chuyển, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.
Quy định về biển số xe tại một số nơi:
Singapore:
● P1 (phổ biến hơn): Nền đen, chữ trắng
● P2: Nền trắng, chữ đen (biển phía trước); Nền vàng, chữ đen (biển phía sau)
● Xe hợp đồng có thể được nhận diện bằng việc dán đề-can có chữ “PRIVATE HIRE” (xe thuê riêng) lên góc trên bên phải kính trước và góc trên bên trái của kính sau xe
Hồng Kông:
● Biển phía trước: nền trắng, chữ đen
● Biển phía sau: nền vàng, chữ đen
● Xe hợp đồng cần phải dán giấy phép cho thuê xe (“HIRE CAR PERMIT”) lên mặt trong phía bên trái của kính trước xe
Anh:
● Biển phía trước: Nền trắng, chữ đen, có dải cờ EU xanh dương phía bên trái biển ký hiệu GB
● Biển phía sau: Nền vàng, chữ đen, có dải cờ EU xanh dương phía bên trái biển ký hiệu GB

● Tất cả các xe hợp đồng vận chuyển hành khách đều phải dán giấy phép (“license disc”) lên kính trước và kính sau xe

Hà Mai (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.