Định hướng phát triển đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 100 ngàn ha cà phê. Ảnh: Lê Nam |
Theo đó, đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt khoảng 195 - 200 ngàn ha; sản lượng cà phê nhân đạt 300 - 310 ngàn tấn, mủ cao su thô 100 - 105 ngàn tấn, chè búp tươi 5,5 - 6 ngàn tấn, hạt điều 35 - 36 ngàn tấn, hồ tiêu 31 - 32 ngàn tấn; tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực của tỉnh đạt trên 550 triệu USD. Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 100 ngàn ha cà phê, 8,5-10 ngàn ha hồ tiêu, 30 ngàn ha điều, khoảng 60 ngàn ha cao su, 500-700 ha chè.
Người dân huyện Ia Grai sơ chế hạt điều. Ảnh: Lê Nam |
Ngoài ra, UBND tỉnh định hướng tổ chức lại sản xuất các cây công nghiệp chủ lực theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng. Phát triển và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất trên cơ sở hợp đồng tạo điều kiện thuận lợi để cấp chứng nhận chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Liên kết các khâu sản xuất, phân phối theo chuỗi các sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra thị trường. Đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản phẩm các cây công nghiệp chủ lực của tỉnh được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 60%; hình thành trên 10 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến. Đồng thời, tăng tỷ trọng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, theo hướng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic), nông nghiệp sinh thái kết hợp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước và phục vụ du lịch.
Định hướng phát triển đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 8,5-10 ngàn ha hồ tiêu. Ảnh: Lê Nam |
Bên cạnh đó, phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực theo hướng tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường; sử dụng tối đa các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất, chế biến các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực. Sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, không gây mất rừng, suy thoái rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, phòng-chống có hiệu quả thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu tăng khoảng 10-15%/năm; trên 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm cây công nghiệp chủ lực của tỉnh là qua chế biến và chế biến sâu; có trên 70% diện tích cây công nghiệp chủ lực của tỉnh ứng dụng IPHM; giảm ít nhất 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học.