Cây công nghiệp dài ngày khô héo vì thiếu nước tưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài làm hàng trăm ha cây công nghiệp dài ngày, nhất là cây cà phê tại Gia Lai đang héo úa vì nắng hạn, không có nước tưới; thậm chí có vườn cà phê của người dân đã bắt đầu chết khô.

Tình trạng nắng nóng khắc nghiệt kéo dài đã khiến cho hàng trăm héc ta cây trồng trên địa bàn huyện Đức Cơ bị khô hạn; đặc biệt, một số diện tích cà phê đã bắt đầu khô cháy. Anh Tuất (làng Kluh Yeh, xã Ia Lang) buồn bã cho hay: "Nắng hạn khốc liệt làm hơn 0,5 ha cà phê của gia đình bắt đầu cháy lá và chết mòn theo từng ngày. Nếu trong vài ngày tới trời không mưa, cả vườn cà phê của gia đình có nguy cơ phải phá bỏ. “Các hồ, suối ở đây đã cạn trơ đáy rồi. Gia đình tôi không tìm đâu ra nguồn nước tưới nữa, giờ chỉ còn biết “cầu trời” mưa xuống nhanh để cứu vườn cà phê”.

Để có nước tưới cho cây trồng người dân phải thuê máy múc đào hố sâu trong lòng hồ. Ảnh: Lê Nam

Để có nước tưới cho cây trồng người dân phải thuê máy múc đào hố sâu trong lòng hồ. Ảnh: Lê Nam

Gần đó, vườn cà phê của anh Glil cũng đã bị khô cháy lá. “Hiện nay, gần 1 ha cà phê của gia đình tôi đã cháy khô vì thiếu nước tưới. Gia đình đã cố gắng đi tìm nguồn nước nhưng đành bất lực. Thực sự hết cách rồi, giờ chỉ còn biết mong trời mưa sớm để cứu cây cà phê”-anh Glil lo lắng.

Ông Nguyễn Quốc Tư-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ-cho biết: Theo thống kê sơ bộ đến ngày 23-4, trên địa bàn huyện đã có hơn 417 ha cây trồng và 4.800 cây lâm nghiệp (tương đương 4,7 ha) bị ảnh hưởng.

Cụ thể: tại xã Ia Lang có 24,8 ha lúa/108 hộ bị thiệt hại; xã Ia Krêl có 364,5 ha cà phê, 1,3 ha hồ tiêu và 1,2 ha sầu riêng; xã Ia Dom có 5,9 ha lúa/18 hộ bị thiệt hại và 4.700 cây các loại (cây sao đen, gáo vàng, keo lai) bị héo, chết khô; xã Ia Kriêng có 19,65 ha cà phê/54 hộ bị hạn hán và 1.000 cây lâm nghiệp các loại (cây gáo vàng, bạch đàn) bị chết. Nếu thời tiết nắng nóng còn kéo dài thì diện tích cây trồng bị thiệt hại sẽ tiếp tục tăng lên.

“Hiện tại nguồn nước ở các ao, hồ, giếng đều cạn nên rất khó khăn về nguồn nước tưới lúc này là rất khó khăn. Trước tình hình trên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiến cứu nạn huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục theo dõi tình hình hạn hán tại các cánh đồng, chủ động nạo vét các ao, hồ, giếng nước để phục vụ sử dụng sinh hoạt; đồng thời thống kê các diện tích cây trồng bị thiếu nước, thiệt hại báo cáo về Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện để tổng hợp báo cáo cấp trên, có biện pháp chỉ đạo kịp thời và đề nghị hỗ trợ theo quy định của Nhà nước”-ông Tư thông tin thêm.

Tương tự, nhiều diện tích cà phê của người dân trên địa bàn các xã Hải Yang, Hnol (huyện Đak Đoa) đã bắt đầu khô, héo. Cách đây hơn 1 tháng, hồ thủy lợi Đak Neun (xã Hải Yang) đã cạn nước khiến nhiều hộ dân trồng cà phê không có nước tưới. Để cứu lấy cây cà phê người dân đã phải thuê máy múc sâu lòng hồ, chắt chiu từng giọt nước và chờ mưa.

Ông Trần Văn Thanh (áo trắng, thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) đang loay hoay đấu nối máy bơm để lấy những giọt nước cuối cùng trong hồ tưới cho vườn cà phê. Ảnh: Lê Nam

Ông Trần Văn Thanh (áo trắng, thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) đang loay hoay đấu nối máy bơm để lấy những giọt nước cuối cùng trong hồ tưới cho vườn cà phê. Ảnh: Lê Nam

Ông Trần Văn Thanh (thôn 1, xã Hải Yang) đang loay hoay đấu nối máy bơm nước để lấy những giọt nước cuối cùng trong hồ tưới cà phê, cho hay: Gia đình có 3 ha cà phê nhưng do thiếu nước nên đến giờ vẫn chưa tưới xong đợt 3. Những vụ trước, nguồn nước đầy đủ thì tưới khoảng 4 ngày/ha nhưng giờ nước cạn hết rồi, cứ tưới 2 tiếng lại phải nghỉ chờ nước; các hộ luân phiên tưới nên hơn 10 ngày mới tưới xong 1 ha.

“Tôi làm cà phê từ năm 1997 đến nay, chưa bao giờ thấy hạn nặng thế này. Khi hồ cạn chúng tôi phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng để thuê máy múc sâu xuống lòng hồ tìm nguồn nước rỉ ra. Để có nước tưới cà phê chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên và thường xuyên túc trực ngoài hồ chờ nước. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng thì cây cà phê sẽ héo khô và cháy lá. Về lâu dài chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm sửa chữa và đầu tư nâng cấp thủy lợi để người dân sản xuất an toàn”-ông Thanh lo lắng cho biết.

Gần đó, anh Lương Văn Đức (cùng thôn 1, xã Hải Yang) buồn rầu nói: “Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài nhiều tháng mà không có mưa. Nhà tôi có 0,6 ha cà phê trồng năm 2023 nhưng hơn tháng nay rồi không có nước tưới nên giờ vườn cây đang héo quắt và chết dần. Với tình trạng này chắc gia đình phải phá bỏ để trồng lại”.

Anh Lương Văn Đức (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) bất lực nhìn hơn 0,6 ha cà phê trồng mới đang chết dần vì thiếu nước. Ảnh: Lê Nam

Anh Lương Văn Đức (thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) bất lực nhìn hơn 0,6 ha cà phê trồng mới đang chết dần vì thiếu nước. Ảnh: Lê Nam

Tại khu vực trồng cà phê làng Thung, Sơi Trang (xã Hnol, huyện Đak Đoa) người dân cũng đang loay hoay tìm nguồn nước tưới. Ông Nguyễn Duy Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Hnol-cho hay: Qua kiểm tra thực tế tại một số diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã, đã xuất hiện thiếu nước tưới cục bộ đối với khoảng 6,8 ha cà phê của 13 hộ dân làng Thung, Sơi Trang. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng kéo dài, các nguồn nước tưới gần đó đã cạn kiệt, do vậy đã có một số cây bị héo, khô cành, mức độ thiệt hại 30-70%.

“Hiện tại, UBND xã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể xã, Ban Nhân dân các thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân phân chia nguồn nước tưới từ kênh mương, ao hồ cho cây công nghiệp dài ngày và cây lúa.

Đồng thời, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, tránh để thất thoát, lãng phí nguồn nước. Nạo vét các ao, hồ để tận dụng nguồn nước tưới, và vận động các hộ dân canh tác cà phê ở khu vực gần đó chia sẻ nguồn nước tưới để duy trì sinh trưởng cho cây cà phê.

Cách nay hơn 1 tháng, hồ thủy lợi Đak Neun (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) bắt đầu cạn nước khiến nhiều hộ dân trồng cà phê không có nước tưới. Ảnh: Lê Nam

Cách nay hơn 1 tháng, hồ thủy lợi Đak Neun (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) bắt đầu cạn nước khiến nhiều hộ dân trồng cà phê không có nước tưới. Ảnh: Lê Nam

Trong cái nóng như đổ lửa, chúng tôi có mặt tại làng Óp (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) ghi nhận có hàng chục héc ta cà phê ở đây đang thiếu nước, cây bắt đầu khô lá. Đang loay hoay bên miệng giếng khoan mới hoàn thành, bà Siu Paih (làng Óp, xã Ia Phí) cho biết: Gia đình bà có gần 2 ha cà phê đang ra trái non nhưng có nguy cơ bị mất trắng vì nắng hạn kéo dài. Gần 4 tháng qua, trên địa bàn không có mưa. Ao hồ, suối đều cạn khô nước. Vườn cà phê của gia đình bà giờ đều phụ thuộc vào nguồn nước giếng khoan.

Thời gian qua, gia đình đã bỏ khá nhiều tiền để khoan đến miệng giếng thứ 3 mới có nước, chi phí hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, giếng khoan rất ít nước, mỗi lần bơm tưới chỉ được 1 giờ đồng hồ rồi phải đợi. “Năm nay nắng hạn kéo dài hơn mọi năm. Nước không đủ tưới cho cây trồng nên tôi cũng đành liều khoan giếng để hy vọng có nước tưới. Chi phí cho vụ sản xuất này tăng lên gấp 3 lần so với bình thường”-bà Paih chia sẻ.

Theo ông Trần Đắc Thắng-Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh: “Trên địa bàn huyện có 12 công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến nay, một số công trình đã cạn nước như: làng Yăh (thị trấn Ya Ly); Ia Bơr, Ia Tiêng (xã Chư Đang Ya); Ia Naih (xã Ia Mơ Nông). Ngoài ra, nhiều ao, hồ trữ nước tưới cho cây trồng đã cạn kiệt.

Đến thời điểm hiện tại một số diện tích cà phê của người dân đã bị khô héo do thiếu nước tưới. Hiện các xã đang tiến hành rà soát, thống kê thiệt hại. Nếu thời gian tới không có mưa, nhiều diện tích cây trồng sẽ bị khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất”.

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân sử dụng phân viên dúi sâu trước khi gieo sạ lúa. Ảnh: V.C

Bón phân viên dúi sâu cho cây lúa: Hiệu quả kép

(GLO)- Mặc dù mới được triển khai thí điểm song mô hình bón phân viên dúi sâu trên cây lúa tại huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã mang lại hiệu quả kép, giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024-2025, mô hình được nhân rộng ra tất cả 9 xã trong toàn huyện.

Trứng vịt thả đồng của gia đình ông Lê Văn Bé có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Trứng vịt thả đồng trở thành sản phẩm OCOP

(GLO)- Tận dụng diện tích mặt nước và đất trồng lúa ở địa phương, ông Lê Văn Bé (thôn Đoàn Kết, xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa) đã đầu tư nuôi vịt đẻ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn, sản phẩm trứng vịt Văn Bé đã đạt chứng nhận OCOP năm 2024.

Sản phẩm bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: N.D

Chương trình OCOP: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(GLO)- Sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều loại nông-lâm-thủy sản đặc trưng của tỉnh được đầu tư khai thác, chế biến thành sản phẩm OCOP, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều hội viên nông hội mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.D

Tăng khả năng tiếp cận vốn cho nông hội

(GLO)- Mô hình nông hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần giúp nông dân chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng giá trị các sản phẩm.

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

Những triệu phú trồng mắc ca ở Sơn Lang

(GLO)- Mắc ca là loại cây “kén” khí hậu nhưng khi trồng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) lại cho năng suất và chất lượng hạt vượt trội so với vùng đất khác và mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân địa phương trở thành triệu phú.