Tạp bút: Mùa quả dại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa này trời đã sang hè. Nắng như rải mật xuống cánh đồng đẫm hương lúa chín. Sau những tháng ngày ủ mình dưới lòng đất mẹ, ve sữa bắt đầu hành trình lột xác thành ve sầu, cất lên tiếng râm ran tấu khúc đồng ca. Chim chào mào lửa véo von trên nhành cây trứng cá, chim dồng dộc làm tổ lủng lẳng dưới nhánh tre già.
Quê tôi một bên là đồng ruộng, một bên là dốc đồi thoai thoải, dương liễu rợp bóng xanh rì. Nhận ra trời chớm hè mà lòng tôi rạo rực, xôn xao vì nhớ, vì thương một thời chân phèn giẫm nắng, đầu trần đội mưa. Hè về rồi, sao mà tôi không nhớ được những trái dủ dẻ ngọt lịm, hạt to chiếm hết phần quả, những quả ổi rừng chan chát, đượm vị cỏ cây. Làm sao mà tôi không thương con dốc tuổi thơ rụng đầy quả dương liễu khô, giờ đã ở lại trong miền hoài niệm…
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngày ấy, thời chúng tôi còn là những cô cậu nhỏ vô ưu vô lo, mùa hè là mùa chúng tôi chờ đợi nhất. Chớm hè, quả dại bắt đầu chín vàng theo màu nắng, từng chùm lúc lỉu gọi mời những đôi mắt trẻ thơ trong veo. Chúng tôi sẽ được len lỏi dưới vô vàn bụi cây sum suê quả dại mà thỏa thuê tận hưởng mùi vị núi rừng vẹn nguyên, chất phác. Nhớ nhất phải là những chùm dủ dẻ vàng ươm, tròn đầy. Ở ngọn đồi quê tôi, có lẽ dủ dẻ mọc nhiều nhất trong số những loại quả dại chân phương. Nhưng muốn hái được dủ dẻ vừa to vừa ngọt thì phải đi sâu vào rừng, men theo con đường nhỏ dài hun hút mà chúng tôi từng đoán rằng nó sẽ dẫn đến một xóm làng nào đó phía bên kia rừng.
Hoa dủ dẻ cũng có màu vàng xếp thành hai lớp, ba cánh bung phía ngoài, ba cánh còn lại chúm chím bên trong. Hương dủ dẻ nồng đượm, ngất ngây, đám con gái thường hái hoa khẽ cài lên tóc làm duyên, rồi giấu vào túi áo để đêm về đặt hoa lên đầu giường, cho hương thơm ướp vào giấc ngủ. Quả dủ dẻ căng trĩu, vàng đượm, to bằng ngón tay cái người lớn, níu cành lá cong xuống, phủ lòa xòa chỉ ngang đầu, ngang ngực chúng tôi. Tìm được bụi dủ dẻ nào lớn, tán cao tỏa bóng mát, chúng tôi thường tụ lại, đứa ngồi quanh gốc, đứa ngồi trên chạc cây, vừa ăn dủ dẻ vừa chuyện trò xôn xao, vang một góc rừng. Nghĩ lại mà thấy thương quá những mái đầu tóc khét loe hoe nắng, gấu quần, vạt áo lem lấm nhựa cây.
Ăn ngán dủ dẻ chúng tôi lại kéo nhau đi tìm nhãn núi, sim, mua, ổi rừng. Nhãn núi mọc gần những bụi gai ra quả chín đỏ rực, muốn hái được nhiều nhãn núi, chúng tôi phải khéo léo tránh những chiếc gai đâm. Chúng có vị lạ lắm, vừa chan chát vừa ngòn ngọt, bề ngoài giống quả trâm nhưng nhỏ và chát hơn. Ấy vậy mà không hiểu sao bọn tôi vẫn mê mẩn vị chát của nhãn núi. Có hôm tôi mang theo cuốn tập chép nhạc, sau một hồi quanh quẩn dưới những tán cây rừng, chúng tôi ngồi lại nghêu ngao hát, rồi chia nhau từng chùm nhãn núi, trái ổi rừng hái được. Ăn nhiều nhãn núi nên khi cả bọn thè lưỡi ra, đứa nào cũng ôm bụng cười vì những cái lưỡi tím rịm.
Sẽ không thể kể hết bao kỷ niệm trong trẻo của những ngày hè. Chỉ là đôi lúc thấy lòng mình nhớ đến quắt quay khung trời xưa cũ nay đã không còn. Đó là những buổi trưa vào rừng, tinh nghịch chọc phá tổ ong vò vẽ, để rồi cả bọn cùng nhau chạy tán loạn, có đứa về nhà phát hiện bị sưng trán vì ong chích. Đó là những chiều chúng tôi ngồi ở đỉnh đồi, chân đong đưa theo gió, mắt nhìn xuống cánh đồng lúa vàng xuộm, rồi nhìn lên trời mây bay lãng đãng mà mơ mộng bao chuyện thần tiên. Những kỷ niệm ấy là một phần ký ức biếc xanh với những mùa quả dại dân dã, nuôi dưỡng tâm hồn tôi bằng bao niềm vui lấp lánh…
Một mùa hè nữa lại về rồi, tìm đâu ra trái dủ dẻ ngọt lịm, chùm nhãn núi chan chát giữa phố thị đua chen?
THIÊN TRẦN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

Thơ Đào An Duyên: Ngàn sau

(GLO)- Không chỉ là một lời nói về tình yêu, "Ngàn sau" của tác giả Đào An Duyên còn là một tác phẩm thơ triết lý, khẳng định sự bất tử, trường tồn của những xúc cảm chân thật qua biến động của thiên nhiên và cuộc sống.

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

Thơ Lê Vi Thủy: Tinh khôi mùa xuân

(GLO)- "Tinh khôi mùa xuân" của Lê Vi Thủy thể hiện cảm xúc tươi mới, ngọt ngào của mùa xuân và tình yêu trong sáng, thuần khiết. Từ hình ảnh thiên nhiên gần gũi như "cánh hoa trắng", "giọt sương ban mai" đến những ẩn dụ về tình yêu, tất cả đều mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, đầy hy vọng.

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

Thơ Vân Phi: Ngõ xanh

(GLO)- Bài thơ Ngõ xanh của tác giả Vân Phi khắc họa một không gian thiên nhiên thanh bình của làng quê, nơi có mẹ cha và những điều thân thuộc nhất. Mỗi hình ảnh trong thơ như một lời nhắc nhở về sự quan trọng của gia đình, quê hương và những ký ức đẹp mà ta luôn cất giữ trong trái tim mình.

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

Khúc ca mùa xuân đoàn tụ

(GLO)- Mỗi lần nghe lại ca khúc “Sông Đakrong mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải, lòng tôi lại dạt dào xúc cảm và không thôi nghĩ về dòng chảy của những đoàn quân hào hùng ra trận để đem về mùa xuân đoàn tụ của một dân tộc anh hùng.

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

Thơ Phạm Đức Long: Tản mạn Pleiku

(GLO)- Pleiku hiện lên trong bài thơ của tác giả Phạm Đức Long như một vùng đất đầy bí ẩn, vừa thực vừa ảo, vừa hùng vĩ vừa mộng mơ. Những câu từ mang đến cho người đọc cảm giác như đang lạc vào không gian trữ tình, đầy sức sống, thôi thúc họ khám phá và trải nghiệm.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy “về nhà”

(GLO)- Khi tôi và nhà thơ Hương Đình “mở tiệc” chia tay Đỗ Tiến Thụy ra Hà Nội học Trường Viết văn Nguyễn Du thì anh là Thượng úy, công tác tại Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3). Ấy là năm 2002. Tháng 11 năm nay, khi trở “về nhà”, anh đã mang hàm Đại tá, Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

Nhóm tác giả thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư và Xây dựng AVIEW giành giải nhất, nhì cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu”

(GLO)- Ngày 16-12, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định Phê duyệt kết quả cuộc thi “Sáng tác mẫu phác thảo Tượng đài Tây Sơn Tam Kiệt và Phù điêu” thuộc dự án Phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tiết lộ cách viết '3 trong 1' ở 'Tiệm sách của nàng'

Trong số các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đã có nhiều tựa sách đề cập đến nhân vật nữ cá tính như: Nữ sinh, Những cô em gái, Út Quyên và tôi… nhưng đây là lần đầu tiên từ khóa “sách” và “nàng” cùng xuất hiện trên bìa tác phẩm mới, tạo cho bạn đọc sự tò mò thú vị.

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Phương án sắp xếp cơ quan báo chí thuộc Chính phủ và bộ, ngành

Quán triệt nội dung định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, trong đó có các cơ quan báo chí thuộc Chính phủ.