Tăng tốc xây dựng làng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đến thời điểm này, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) có 6 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện nay, huyện đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các thôn, làng: Phun Thanh (xã Ia Băng), Xom Pôt (xã Ia Pia) và Hợp Hòa (xã Ia Drăng) về đích NTM vào cuối năm nay.
Dẫn chúng tôi dạo quanh một số tuyến đường của thôn Hợp Hòa (xã Ia Drăng), ông Trần Hữu Minh chia sẻ: “Nhờ có chương trình xây dựng NTM mà đường sá được bê tông hóa sạch sẽ và lắp đèn điện thắp sáng. Đặc biệt, người dân còn trồng hoa và thu gom rác thải nên cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”.
Ông Đồng Mạnh Hùng-Bí thư Chi bộ thôn-cho biết: Thôn nằm ngay trung tâm xã và có một số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nên tạo điều kiện việc làm cho nhiều lao động. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân được nâng lên, mỗi lần triển khai các chủ trương, phần việc đều nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng. “Từ khi triển khai xây dựng làng NTM, người dân cùng với một số doanh nghiệp đã đóng góp hơn 1,7 tỷ đồng để làm đường giao thông, cổng chào, hội trường, đường điện thắp sáng và trồng hoa. Đến nay, hầu hết các tuyến đường đều được bê tông hóa, hệ thống điện-đường-trường-trạm cơ bản đảm bảo, rác thải được thu gom sạch sẽ”-ông Hùng cho hay.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh-Chủ tịch UBND xã Ia Drăng thì thông tin: Hiện tại, thôn Hợp Hòa còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa. Vì vậy, xã đang tiếp tục tranh thủ các nguồn hỗ trợ và vận động người dân tham gia xây dựng thư viện, nhà đọc sách; vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, tạo thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp; tiếp cận các nguồn vốn để kinh doanh buôn bán và làm công nhân cho các doanh nghiệp.
Người dân thôn Hợp Hòa (xã Ia Drăng) đã đóng tiền để lắp đường điện chiếu sáng nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Nhật Hào
Người dân thôn Hợp Hòa (xã Ia Drăng) đã đóng tiền để lắp đường điện chiếu sáng nhằm đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Nhật Hào
Tương tự, làng Phun Thanh (xã Ia Băng) cũng đã có nhiều khởi sắc kể từ ngày được chọn xây dựng làng NTM. Trưởng thôn Kpă Dan nói: “Từ khi triển khai các phần việc, người dân đã đóng góp 264 triệu đồng cùng Nhà nước làm đường giao thông; tổ chức dọn vệ sinh tại các khu vực công cộng, trồng con đường hoa. Bên cạnh đó, thôn đã thành lập 3 tổ tự quản an ninh trật tự để bảo vệ nông sản mỗi khi vào vụ thu hoạch; thường xuyên nhắc nhở con em khi tham gia giao thông không được lạng lách đánh võng, gây rối trật tự”.
Bà Nguyễn Thị Vân-cán bộ Nông nghiệp xã Ia Băng-cho hay: Để làng Phun Thanh về đích NTM trong năm nay, xã ưu tiên các nguồn lực đầu tư làm 3 con đường bê tông với kinh phí 885 triệu đồng. Cùng với đó, xã cấp 6 con bò giống, hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật, liên hệ các đầu mối bao tiêu sản phẩm cho người dân. “Hiện tại, làng Phun Thanh còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm. Tới đây, xã sẽ sử dụng nguồn ngân sách xây dựng 640 m đường giao thông nông thôn nhằm nâng tỷ lệ đường được kiên cố hóa lên 73,8%; tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình”-bà Vân cho biết.
Trong khi đó, làng Xom Pôt (xã Ia Pia) cũng đang nỗ lực thực hiện 6 tiêu chí để đạt chuẩn NTM vào cuối năm nay. Theo đó, xã tranh thủ các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để làm đường giao thông nông thôn, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa và xây mới nhà ở cho hộ nghèo. “Trước mắt, xã huy động nội lực trong dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, cải tạo cảnh quan môi trường và đảm bảo an ninh trật tự”-bà Nguyễn Thị Diễm Hằng-cán bộ Nông nghiệp xã Ia Pia-chia sẻ.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-thông tin: “Tới đây, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã ưu tiên nguồn vốn để xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, phát triển kinh tế; huy động và lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các dự án nhằm từng bước hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, phấn đấu cuối năm, 3 thôn, làng trên đạt chuẩn NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.