Tăng cường ngăn chặn thực phẩm "bẩn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm” năm nay diễn ra trên phạm vi toàn quốc từ ngày 15-4 đến 15-5 với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Tại tỉnh ta, những năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương và sự cộng đồng trách nhiệm của người dân.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Ngay sau lễ phát động “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm” diễn ra vào ngày 16-4, công tác thanh tra liên ngành về VSATTP đã được ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh bắt tay triển khai. Người dân mong chờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành sẽ chặn đứng những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Trong đó, cần áp dụng chế tài nặng, thậm chí xử lý hình sự đối với những hành vi vi phạm có tính chất nghiêm trọng.

 

Tăng cường thanh tra đảm bảo VSATTP.                                            Ảnh: N.N
Tăng cường thanh tra đảm bảo VSATTP. Ảnh: N.N

Chị Nguyễn Thị Hoa (tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku) chia sẻ: Mới đây, tôi đã rất hoảng hốt trước thông tin ngành chức năng phát hiện một cơ sở chế biến cà phê bột tại tỉnh Đak Nông dùng bã cà phê, cà phê thải loại, vỏ cà phê, pin, bột đá… làm nguyên liệu sản xuất. Sản phẩm của cơ sở này được đem đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên toàn quốc. Đây là hành động mất nhân tính, họ đang đầu độc, làm  tổn hại nghiêm trọng sức khỏe của không ít người tiêu dùng. Hành vi này theo tôi phải xử lý hình sự, không thể chỉ phạt vi phạm hành chính là xong, vì như thế không có tính răn đe…

Đồng quan điểm trên, ông Bùi Trung Tiến (tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) lo lắng: Người tiêu dùng bây giờ hàng ngày phải đối diện với thực phẩm “bẩn” mà bằng mắt thường khó nhận biết được. Vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật; dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong thực phẩm như rau quả, thịt gia súc gia cầm, hải sản; chế biến thực phẩm chưa bảo đảm điều kiện VSATTP; nhiều loại thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông buôn bán trên thị trường... đang gây nhức nhối xã hội. Ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Trên thực tế, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã tuân thủ các điều kiện, quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động; có lương tâm và trách nhiệm với việc làm của mình. Nhưng cũng còn nhiều cơ sở chưa tuân thủ, chưa chấp hành nghiêm các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Thậm chí, nhiều cơ sở chạy theo lợi nhuận đã sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo VSATTP, sử dụng nguyên liệu, phụ gia, hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, tình hình ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và bệnh truyền qua thực phẩm vẫn tiếp diễn phức tạp.

Chỉ trong ngày 17-4, qua thanh tra 3 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 2 cơ sở vi phạm. Các cơ sở vi phạm gồm: hộ sản xuất giò chả Trần Thị Mộng Vinh (207/21/18 đường Phan Đình Giót, phường Hội Thương) với lỗi không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe; hộ kinh doanh Trần Phan Thiên Trang (274/11/60/10 Lê Duẩn) với lỗi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng. Đoàn thanh tra liên ngành đã tiến hành niêm phong số lượng hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm 43 kg pa tê, 6,5 kg xúc xích, 150 viên thịt xá xíu, 4,1 kg chân giò heo và 20 kg thịt xay chưa thành phẩm giao lại cơ sở bảo quản; sau khi hoàn tất hồ sơ xử lý vi phạm sẽ tiến hành tiêu hủy theo quy định.

Không chỉ đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh mà cả 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đồng loạt ra quân thanh-kiểm tra VSATTP trên địa bàn. Các hành vi vi phạm chắc chắn sẽ bị xử lý, nhưng làm sao thay đổi nhận thức, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh để họ không tiếp diễn vi phạm mới là điều cần hướng đến.

Theo ông Nguyễn Văn Đang-Chi Cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, bên cạnh công tác thanh-kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đoàn cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về VSATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. “Những cơ sở vi phạm sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người cùng biết và cảnh giác. Bên cạnh đó, sẽ biểu dương đối với những cơ sở làm tốt trong công tác này, giúp người dân có thêm địa chỉ tin cậy trong việc lựa chọn, mua sắm thực phẩm”-ông Đang cho biết.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ: Tiếp nhận 267 đơn vị máu tình nguyện

Đức Cơ: Tiếp nhận 267 đơn vị máu tình nguyện

(GLO)- Chiều 24-7, tại Bệnh xá Công ty TNHH một thành viên 72 (Binh đoàn 15), Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Khoa Huyết học-Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tổ chức hiến máu tình nguyện đợt 2 năm 2024.

Bố mẹ đứng ngồi không yên vì con dậy thì sớm

Bố mẹ đứng ngồi không yên vì con dậy thì sớm

Dậy thì sớm là hiện tượng trẻ xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi trung bình. Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra bất lực, hoang mang khi phát hiện con dậy thì sớm, vì điều này đồng nghĩa với việc trẻ có thể phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về mặt tâm lý và sức khỏe.