(GLO)- Đề cập vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không có lý luận chính trị thì chí khí kém cương quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”. Trong điều kiện hiện nay, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên càng có vai trò hết sức quan trọng.
Cán bộ, đảng viên quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ảnh: T.N |
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ ra một trong số 9 biểu hiện để nhận diện sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là “Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Trên thực tế, việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức. Nếu nhận thức sai lệch về tầm quan trọng của lý luận và việc học tập lý luận chính trị dễ dẫn đến lười học, ngại học, học đối phó. Hậu quả trước mắt là chẳng những không nắm được, không thể vận dụng được học thuyết, nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn không thể hình thành và vận dụng tư duy khoa học khách quan. Đây là nguyên nhân làm suy thoái đạo đức, lối sống, cách thức làm việc của cán bộ, đảng viên.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng học tập và vận dụng lý luận chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức và cập nhật thường xuyên các kiến thức mới về lý luận chính trị. Bên cạnh đó, cần mở rộng cách thức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, học tập lý luận chính trị, từ đó cán bộ, đảng viên tự nguyện, tự giác học tập, nghiên cứu. Trong điều kiện hiện nay, chỉ có học tập lý luận chính trị thì cán bộ, đảng viên mới có đủ vũ khí sắc bén, hình thành tư duy khoa học, khắc phục sự nhận thức lệch lạc, mơ hồ, hoài nghi. Gắn với yêu cầu trên, việc giảng dạy lý luận chính trị cần giới thiệu những vấn đề cơ bản, phải có các chủ đề nghiên cứu, suy nghĩ, tranh luận, thảo luận và xử lý tình huống, tránh học chay, nói suông. Thông qua đó thay đổi cách học, cách nhận thức của học viên và cũng nhờ việc phải độc lập suy nghĩ hay làm việc nhóm, đánh giá tình huống và rèn luyện kỹ năng mà bản thân học viên sẽ phát huy tính tích cực tự giác, sự tích cực, hứng khởi và cũng là phù hợp với chính đối tượng mà chúng ta đào tạo, bồi dưỡng.
Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của địa phương cần gắn với khảo sát nhu cầu vị trí công việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Khuyến khích và sử dụng cơ chế gắn đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị với việc thực hiện các nội dung về quản lý cán bộ, đảng viên. Cần sớm rà soát và có phương hướng cụ thể xây dựng được đội ngũ giảng viên và báo cáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, tâm huyết với công tác giáo dục lý luận chính trị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sắc bén về lý luận, am hiểu thực tế, kịp thời đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ mới.
Để tăng tính thực tiễn trong hoạt động giảng dạy và học tập lý luận chính trị, việc tổ chức tốt hoạt động nghiên cứu cho học viên, thực hiện công tác nghiên cứu thực tế của giảng viên phải trở thành yêu cầu bắt buộc. Việc tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế cần được tổ chức chặt chẽ có địa chỉ, mục đích, nội dung nghiên cứu cụ thể, để sau khi đi nghiên cứu mỗi người phải rút ra được kết luận về nguyên nhân thành công, chưa thành công và đề xuất phương án giải quyết của mình đối với những vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn.
ThS. Lê Thị Tình