Tái canh để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng, đồng thời hỗ trợ giống cà phê chất lượng cao cho bà con nông dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cà phê được nâng cao.
Vườn cà phê tái canh của gia đình bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal). Ảnh: Q.T

Vườn cà phê tái canh của gia đình bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal). Ảnh: Q.T

Qua khảo sát, huyện Chư Sê có hơn 11.000 ha cà phê, phần lớn được trồng từ những năm cuối thế kỷ trước nên đã già cỗi, phát triển kém, sâu bệnh gây hại nặng, năng suất bình quân đạt thấp, chất lượng không cao. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền huyện Chư Sê đã chú trọng đến việc tái canh cà phê.

Theo đó, huyện đã dành hàng tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương kết hợp với vốn xã hội hóa để hỗ trợ, cấp giống miễn phí cho hàng ngàn hộ dân thực hiện tái canh hàng ngàn ha cà phê. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, huyện đã tái canh hơn 1.100 ha.

Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân tăng cường sử dụng các biện pháp xử lý đất, bón phân hữu cơ, sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm cải thiện môi trường. Nhờ thực hiện theo đúng quy trình tái canh, đưa giống chất lượng cao vào sản xuất mà vườn cây sinh trưởng tốt, năng suất, chất lượng cũng như giá trị sản phẩm cà phê tăng lên đáng kể.

Từ năm 2021 đến nay, bà Nguyễn Thị Hưởng (thôn 5, xã Ia Pal) đã tái canh được 1,4 ha cà phê trồng từ trước năm 2000. Theo bà Hưởng, diện tích cà phê này do đã khai thác nhiều năm và sử dụng giống cũ nên năng suất đạt thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân/ha, không đủ bù đắp chi phí. Được sự hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây giống cà phê vối lai TRS1, bà Hưởng đã tiến hành tái canh diện tích cà phê già cỗi của gia đình.

Bà Hưởng cho biết: “Giống cà phê vối lai TRS1 sinh trưởng và phát triển rất tốt, kháng được nhiều loại bệnh, nhất là bệnh gỉ sắt, lại cho hạt nhân tương đối to. Bên cạnh đó, tôi cũng chú trọng chăm sóc vườn cà phê theo hướng bền vững, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ.

Do đó, dù mới tái canh được 2 năm nhưng vụ vừa rồi, 700 cây cà phê đã cho thu bói hơn 7 tấn quả tươi; còn 700 cây mới tái canh năm 2023 cũng đang phát triển rất tốt. Sắp tới, khi 1,4 ha cà phê mới trồng đi vào kinh doanh thì gia đình tiếp tục tái canh khoảng 1 ha còn lại”.

Dự kiến năm nay, vườn cà phê tái canh từ năm 2020 của bà Mão sẽ đạt năng suất cao khi bước vào kinh doanh. Ảnh: Q.T

Dự kiến năm nay, vườn cà phê tái canh từ năm 2020 của bà Mão sẽ đạt năng suất cao khi bước vào kinh doanh. Ảnh: Q.T

Tương tự, dù chỉ mới cho thu bói nhưng niên vụ vừa rồi, 1,6 ha cà phê của bà Nguyễn Thị Mão (cùng thôn) tái canh từ năm 2020 đạt sản lượng gần 4 tấn nhân. Bà Mão phấn khởi nói: “Thời điểm tôi tiến hành tái canh, giá cà phê trên thị trường tương đối thấp, chỉ hơn 30 ngàn đồng/kg cà phê nhân.

Còn bây giờ, giá tăng gấp mấy lần, hiện ở mức 120 ngàn đồng/kg. Việc đưa giống cà phê mới vào tái canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng bền vững đã mang lại hiệu quả cao cho người dân”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: Hàng năm, huyện đều dành một phần ngân sách kết hợp nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ người dân thực hiện tái canh nhằm cải thiện vườn cây già cỗi, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cà phê địa phương.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, bền vững. Nhờ đó, những diện tích cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh cho năng suất khá cao, đạt 5-6 tấn nhân/ha, tăng 10-20% so với trước đây.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về chính sách tái canh cà phê; vận động người dân tập trung tái canh diện tích già cỗi, năng suất thấp. Đồng thời, khuyến cáo bà con sử dụng các giống cho năng suất cao và chất lượng tốt như: TRS1, TR4, xanh lùn… cũng như sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, góp phần từng bước nâng cao giá trị, thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn”-ông Quý thông tin.

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Ngành Nông nghiệp và PTNT phải tăng tốc và bứt phá trong năm 2025

(GLO)- Chiều 27-12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự và chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cùng các bộ, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.