Sâm khỏe Kbang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới đây, một bạn từ Kbang gửi cho ít sâm khỏe đã được sơ chế. Bạn còn nhắn tin nhắc nếu ngâm rượu thì hãy ngâm sớm, còn nếu để dành nấu nước uống dần thì hãy phơi lại dưới nắng nhẹ.

Thực ra, cái tên cây sâm khỏe với tôi thì không lạ, nhưng bạn dặn thì phải nghe, bởi sơ chế và đóng gói của “nhà sản xuất” khá sơ sài, để lâu bị ẩm mốc là chuyện dễ hiểu. Nhưng tôi vẫn tự hỏi, cây sâm khỏe Kbang là một trong những loại dược liệu quý hiếm của địa phương, sao lại không kế hoạch phát triển, bảo vệ và khai thác, chế biến, kinh doanh một cách hiệu quả?

1sam-khoe.jpg
Món lẩu sâm khỏe được nhiều thực khách ưa thích. Ảnh: Hà Duy

Khi còn trong căn cứ Krong (Kbang), tôi đã từng nghe về loại sâm khỏe này. Khi đó, một số anh chị em khi nhổ loại cây này về thì băm nhỏ và rửa sạch, phơi dưới bóng râm cho héo, đem sao vàng dưới lửa nhỏ hạ thổ rồi nấu nước uống hàng ngày. Những người có điều kiện còn cẩn thận cho thêm vào vào ít đường phèn, loại nước này khi đi công tác, lao động sản xuất thì cho vào bình tông mang theo. Quả là khỏe thật khi dùng loại nước sâm khỏe này. Không những chỉ có sâm khỏe, mà rừng Kbang còn có nhiều loại dược liệu “khỏe” khác như: sâm cau, sâm đá, sâm đất... Các anh chị em trong căn cứ khi đó cũng chế biến thành loại nước uống tương tự cách chế biến sâm khỏe dùng thay nước trà.

Không rõ các nhà khoa học đã chính thức nghiên cứu và công bố giá trị dinh dưỡng của cây sâm khỏe hay chưa, nhưng trên thực tế thì có vài ba bài báo đề cập vấn đề này. Do nguồn dẫn không rõ ràng nên chúng tôi cũng dè dặt khi nói đến, đây là một ví dụ: “Khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt của vùng đất Kbang đã làm nên cái quý của sâm khỏe Kbang với lượng saponin lên đến 38. Saponin là một dưỡng chất đặc trưng của nhân sâm; saponin càng nhiều, hàm lượng càng cao thì nhân sâm càng quý, càng chất lượng. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, saponin trong sâm mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe con người, như giảm lượng cholesterol trong máu, chống ung thư, giúp xương thêm chắc khỏe và tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể” (Báo Gia Lai ngày 3-5-2025). Nếu đúng như thông tin do Báo Gia Lai đưa ra thì sâm khỏe Kbang rất quý. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần lập kế hoạch bảo tồn, nhân rộng diện tích, khai thác, chế biến và cung cấp thị trường sao cho có hiệu quả cao nhất!

Chữ “sâm khỏe” theo nhiều người vốn là gọi theo cách của đồng bào Bahnar. Từ lâu, họ đã nhổ (đào) loại cây này về rửa sạch, phơi khô dưới bóng râm, sao vàng hạ thổ, nấu nước uống thấy người khỏe hơn sau một ngày vất vả trên nương rẫy. Theo cách đó, sau này, các cán bộ, nhân viên trong căn cứ khu vực có cây sâm khỏe cũng làm như cách bà con Bahnar làm và thấy đúng là có hiệu quả thật sự cho việc bồi bổ, lấy lại sức trong những chuyến công tác, lao động sản xuất. Ngày nay, một số nhà hàng ở huyện Kbang (cũ) hay Pleiku còn nghĩ ra nhiều cách chế biến ghi trong thực đơn, trong đó có món lẩu sâm khỏe được thực khách rất ưa chuộng.

Năm 2010, đoàn cán bộ Hội Nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc với Hiệp hội báo chí Hàn Quốc. Trong chuyến đi này, chúng tôi được bạn đưa đến thăm vùng trồng sâm Hàn Quốc nổi tiếng ở tỉnh Chung Cheong, được biết đến dưới cái tên "thủ phủ nhân sâm". Tại Hàn Quốc, sâm được thu hoạch và chế biến ở mọi vùng đều được quy tụ và buôn bán tại chợ sâm Geumsan - trung tâm phân phối và sản xuất sâm lớn nhất Hàn Quốc. Chợ sâm Geumsan có hơn 1.300 cửa hàng buôn bán sâm và thảo dược, nắm giữ 80% thị trường sâm ở nước này. Đặc biệt, giá sâm ở đây cũng rẻ hơn các nơi khác từ 20% trở lên. Tại đây, chúng tôi được giới thiệu rất nhiều sản phẩm chế biến từ sâm. Trong đó có món sâm hầm với gà con (ở ta gọi là gà nhú đuôi tôm) mà chúng tôi được bạn chiêu đãi, nó là món món đặc biệt, với giá cũng đặc biệt được ghi trong menu của nhà hàng.

Sâm khỏe Kbang tuy chưa được quy hoạch và trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, kinh doanh và quảng bá bài bản, nhưng tiềm năng và thế mạnh của vùng đất sâm nói riêng, cây dược liệu dưới tán rừng nói chung đã được khẳng định. Sâm khỏe ở đây dù chỉ mới ở công đoạn sơ chế để nấu nước uống và ngâm rượu, nhưng đã dần hiện hữu trên thị trường Gia Lai (cũ) và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Và, việc nghiên cứu chế biến sâu để sâm khỏe Kbang trở thành đặc sản không chỉ bồi bổ sức khỏe qua mỗi con đường... từ rượu.

Được biết, các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã từng có kế hoạch kêu gọi các nhà đầu tư về Kbang nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen và trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ loại cây dược liệu đặc biệt này. Chúng tôi cũng được biết: Ngoài xã Kon Pne thì ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (Mang Yang cũ) trên độ cao cả ngàn mét so với mực nước biển cũng có sâm khỏe. Và cho đến nay, người dân ở khu vực này cũng chỉ mới khai thác và sơ chế, bán sản phẩm thô. Hy vọng sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định, những loại dược liệu như sâm khỏe sẽ được chú ý quy hoạch lại, bảo tồn và khai thác, tiêu thụ có hiệu quả hơn nữa!

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

(GLO)- Chị Phan Thị Bích Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người tiên phong đưa cây dứa mật về trồng ở vùng đất Ia Nhin mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đòn bẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(GLO)- Sau hơn 4 năm triển khai (2021-2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã góp phần giảm nghèo bền vững và tạo động lực để các địa phương phát triển. Chương trình là đòn bẩy cho sự phát triển vùng đồng bào DTTS.

Giấc mơ của những người tha hương

Giấc mơ của những người tha hương

(GLO)- Khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (thuộc làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) từng được ví như vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” bởi sự hoang vắng và cằn cỗi. Ấy thế mà với những người dân miền Tây Nam Bộ tha hương, nơi đây trở thành miền đất hứa và cùng xây dựng quê hương thứ hai.

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

(GLO)- Bắt đầu với một vài bụi rau má, bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã mở rộng quy mô trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

(GLO)- Từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, những năm gần đây, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh đã triển khai giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng đệm; qua đó, tạo sinh kế, giúp người dân cải thiện thu nhập và bảo vệ tài nguyên rừng tốt hơn.

null