Rong ruổi theo cánh ong bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc sống của những người nuôi ong mật ở phía Tây tỉnh Gia Lai quanh năm rong ruổi theo cánh ong bay. Họ di chuyển đàn ong khắp núi rừng theo mùa hoa từ Tây Nguyên ra tận miền Bắc để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ong làm mật.

Sau gần 10 năm sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2021, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát, anh Trần Văn Thế (trú tại tổ 1, phường Thống Nhất) quyết định trở về quê hương Gia Lai để theo đuổi đam mê nuôi ong. Từ 53 thùng ong, đến nay, đàn ong của anh đã tăng lên hơn 100 thùng.

Anh Thế cho hay: “Gia Lai là vùng đất của bạt ngàn cây cà phê, cao su, keo và đa dạng các loài thực vật tạo nguồn phấn, mật hoa phong phú để phát triển nghề nuôi ong. Đặc biệt, tôi ưu tiên dòng mật ong từ hoa cà phê, bởi có mùi thơm riêng, màu đẹp, tỷ lệ kết tinh thấp và rất được khách hàng ưa chuộng”.

Theo anh Thế, con ong có thể đi lấy mật quanh năm, miễn là có hoa nở. Tuy nhiên, thời điểm mật ong dồi dào nhất là từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Vì thời điểm này cây cối ra hoa nhiều, đàn ong chăm chỉ làm mật và cho ra những mẻ mật thơm ngon.

“Tháng 3 hàng năm là quãng thời gian con ong lấy được nhiều mật nhất và mật cũng có chất lượng tốt nhất. Vào mùa này, cây cối ra hoa nhiều, ong chăm chỉ làm mật và cho ra những mẻ mật thơm ngon”-anh Thế chia sẻ.

Nghề nuôi ong phụ thuộc vào thời tiết và mùa vụ. Ong chỉ ra khỏi tổ để lấy mật khi tiết trời khô ráo, không mưa. Do đó, để đạt sản lượng cao, người nuôi ong phải di chuyển đàn ong đến các vùng đất phù hợp và có nhiều hoa nở.

“Từ tháng 4 đến tháng 8, tôi đưa đàn ong ra Đà Nẵng. Đến cuối tháng 8 hoặc tháng 9, tôi lại vận chuyển đàn ong trở về Gia Lai để khai thác mật trong mùa hoa cà phê. Mỗi lần di chuyển đàn ong tốn kém chi phí vận chuyển, phát sinh các rủi ro về sức khỏe đàn ong, thất thoát thùng ong và làm tăng khối lượng công việc cho người nuôi.

Hơn nữa, việc rong ruổi theo đàn ong như vậy vất vả cho người nuôi vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề. Còn nếu không di chuyển thì sẽ không có nguồn hoa cho ong làm mật mà chi phí nuôi ong bằng bột và đường rất tốn kém và chất lượng mật ong sẽ không ngon”-anh Thế bộc bạch.

"Làm bạn với ong" từ năm 16 tuổi, anh Trần Duy Trung-Chủ cơ sở mật ong Duy Trung (thôn Tân An, xã Ia Hrung) khá dày dạn kinh nghiệm trong nghề nuôi ong. Trải qua nhiều thăng trầm với nghề nuôi ong, thậm chí có lúc phải "quay xe" chuyển sang đủ kế sinh nhai, nhưng rốt cuộc anh vẫn quay về gắn bó với đàn ong như tri kỷ.

“Giống ong ngoại (Apis mellifera) tuy khó chăm hơn ong nội, nhưng cho mật nhiều và chất lượng cao. Tôi đã theo đuổi giống ong này suốt hai thập kỷ”-anh Trung nói.

Hiện anh Trung đang sở hữu khoảng 700 thùng ong. Để ong cho mật nhiều, chất lượng tốt, ngoài nuôi tại vườn ở Gia Lai, vào khoảng tháng 4-5, anh bắt đầu di chuyển đàn ong của mình ra các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hải Dương… nơi có mùa hoa vải và nhãn đang nở rộ.

“Nghề nuôi ong đòi hỏi di chuyển nhiều nơi, sống cuộc đời "du mục", thích nghi với điều kiện sinh hoạt như: dựng trại, thiếu cơ sở vật chất, ăn uống tạm bợ… Đặc biệt, con ong rất nhạy cảm với môi trường sống, vì thế người nuôi phải liên tục theo dõi, chăm sóc, phòng ngừa các rủi ro có thể ảnh hưởng đến đàn ong”-anh Trung chia sẻ.

Ngoài việc khai thác mật, mỗi năm, anh Trung còn thu mua hơn 50 tấn mật ong từ các hộ nuôi ong khác trong khu vực. Với giá bán trung bình từ 60.000 đến 120.000 đồng/lít, sau khi trừ chi phí, anh Trung thu về khoảng 350-490 triệu đồng/năm.

Mặc dù nghề nuôi ong mang lại thu nhập ổn định, người làm nghề vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn như: chi phí vận chuyển cao, điều kiện thời tiết bất lợi, sâu bệnh ảnh hưởng đến đàn ong và giá mật ong xuất khẩu thấp, không ổn định (hiện chỉ khoảng 20.000 đồng/kg).

Dù vậy, anh Trung vẫn hào hứng cho biết: “Năm nay, tôi sẽ cho ra mắt sản phẩm mật ong đa hoa đặc biệt, kết hợp tinh túy từ nhiều loài hoa đặc trưng của Tây Nguyên như dã quỳ, cà phê, hoa rừng… Tôi hy vọng, sản phẩm này sẽ được mọi người đón nhận và xây dựng thương hiệu mật ong Tây Nguyên đến với nhiều người tiêu dùng hơn nữa”-anh Trung chia sẻ.

Clip: Những chia sẻ của người rong ruổi theo đàn ong mật. Thực hiện: Đồng Lai

Tỉnh Gia Lai có khoảng 96.000 đàn ong, chủ yếu khai thác từ hoa cà phê, do hơn 290 hộ dân và doanh nghiệp tham gia nuôi. Sản lượng mật ong toàn tỉnh đạt khoảng 3.360 tấn/năm, chiếm 10% tổng sản lượng mật ong cả nước.

Có thể bạn quan tâm

Cú hích cho nông sản Gia Lai

Cú hích cho nông sản Gia Lai

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP, 5 sản phẩm đến từ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai) đều đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây có thể coi là thành tích chưa từng có tiền lệ.

Tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk

Tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk

(GLO)- Ngày 27-6, Chi cục Lâm nghiệp- Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai) tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản iDesk sau sáp nhập tỉnh. Tham dự có lãnh đạo Chi cục cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, Hạt Kiểm lâm và 3 Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng.

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD. Ảnh: Nguồn internet

Xuất khẩu gạo đạt 2,34 tỷ USD

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 5-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 573 triệu USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo, trị giá 2,34 tỷ USD.

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

Thu nhập hơn 450 triệu đồng từ trồng dứa

(GLO)- Chị Phan Thị Bích Bình-Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) là người tiên phong đưa cây dứa mật về trồng ở vùng đất Ia Nhin mang lại thu nhập cao và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Giấc mơ của những người tha hương

Giấc mơ của những người tha hương

(GLO)- Khu vực gần Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (thuộc làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) từng được ví như vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” bởi sự hoang vắng và cằn cỗi. Ấy thế mà với những người dân miền Tây Nam Bộ tha hương, nơi đây trở thành miền đất hứa và cùng xây dựng quê hương thứ hai.

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

Trồng rau má mang lại thu nhập ổn định

(GLO)- Bắt đầu với một vài bụi rau má, bà Nguyễn Thị Ánh (thôn Tân Tụ, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) đã mở rộng quy mô trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

null