Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Mới 5 giờ sáng, ông Pyik đã có mặt tại rẫy cà phê để bón phân cho vườn cây. Ông Pyik bảo rằng, theo kinh nghiệm của mình, đây là giai đoạn cần bón phân NPK để vườn cà phê cho năng suất cao hơn.

2ong-pyik-thu-2-ben-trai-giao-luu-tai-hoi-nghi-bieu-duong-nong-dan-san-xuat-kinh-doanh-gioi-giai-doan-2022-2024-anh-do-nhan-vat-cung-cap-2588-9417.jpg
Ông Pyik (thứ 2 bên trái) giao lưu tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2024. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông Pyik có thâm niên trồng cà phê gần 20 năm. Ông kể: Năm 1995, sau khi lập gia đình, ông được bố mẹ cho 5 sào đất trống. Không có vốn, vợ chồng ông đi làm thuê đủ thứ việc để có tiền mua phân, cây giống cà phê về trồng.

Trong quá trình đi làm thuê, ông cũng học hỏi kinh nghiệm trồng cà phê của người dân về áp dụng cho vườn cây của mình. Sau mỗi lần thu hoạch, ông bán và tích góp rồi mua thêm đất trồng cà phê. Đến năm 2007, ông có tổng cộng 2,5 ha cà phê. Năm 2014, nhận thấy vườn cây đã già cỗi, ông tái canh dần để cây cho năng suất cao hơn.

Những năm gần đây, ông tích cực tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố và phường Chi Lăng tổ chức để học hỏi thêm kỹ thuật. “Hàng năm, tôi mua phân gà ủ với vỏ cà phê để bón cho cây trồng. Mỗi năm, tôi bón 1 lần vào mùa mưa, mỗi gốc bón khoảng 25 kg phân gà với 50 kg vỏ cà phê. Sau đó, mỗi đợt tưới nước, tôi bổ sung thêm một ít phân đạm để tăng thêm dinh dưỡng cho cây.

Đến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10, khi cây ra trái thì tôi bón thêm một ít phân NPK. Nhờ vậy, cây phát triển tốt và năng suất tăng dần. Nếu như những năm trước, vườn cà phê chỉ cho thu 3 tấn nhân/ha thì vài năm gần đây đạt gần 4 tấn nhân/ha”-ông Pyik phấn khởi nói.

Ngoài trồng cà phê, với sự nhanh nhẹn trong nắm bắt thị trường, từ năm 2022 đến nay, ông Pyik còn thu mua cà phê bán để có thêm thu nhập.

“Nhờ kinh doanh thêm cà phê, tôi có thêm lợi nhuận và còn tận dụng được vỏ cà phê để ủ làm phân bón nên giảm đáng kể chi phí đầu tư về phân bón. Riêng năm 2023, tôi thu gần 10 tấn cà phê nhân, bán được hơn 800 triệu đồng. Cộng với thu nhập từ kinh doanh cà phê, gia đình tích lũy hơn 900 triệu đồng”-ông Pyik phấn khởi nói.

ro-cham-pyik-dien-hinh-san-xuat-kinh-doanh-gioi-9578-2968.jpg
Nhờ chăm sóc tốt, năng suất cà phê của gia đình ông Rơ Châm Pyik đạt gần 4 tấn nhân/ha. Ảnh: N.H

Không chỉ chăm sóc vườn cây của mình, ông Pyik cũng tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân trong làng. Anh Phen (làng Châm Aneh) cho hay: “Nhà tôi có hơn 5 sào cà phê. Tôi thường xuyên được ông Pyik chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn cây. Bên cạnh đó, ông Pyik thuê tôi làm cỏ, bón phân, cắt cành và thu hoạch cà phê nên có thêm thu nhập”.

Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Djuk-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Châm Aneh-cho hay: Ngoài sản xuất kinh doanh giỏi, ông Pyik còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cà phê cho người dân trong làng và tạo nhiều việc làm thời vụ cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên ủng hộ kinh phí cho làng để tặng quà cho người nghèo, hộ khó khăn trong các dịp lễ, Tết.

“Ông Pyik là Tổ trưởng tổ bảo vệ của làng. Với vị trí của mình, ông tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường, xây dựng các công trình công cộng, góp phần giúp làng thêm khởi sắc.

Từ năm 2021 đến nay, ông Pyik đã góp sức cùng làng vận động người dân đóng góp gần 280 triệu đồng để xây dựng hội trường thôn, bê tông hóa 3 tuyến đường; vận động 46 hộ hiến đất mở rộng kênh mương tại cánh đồng Ia Dung, tham gia hàng trăm ngày công lao động sửa chữa giọt nước, nạo vét kênh mương.

Mới đây, ông Pyik được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2022-2024”-Trưởng thôn Châm Aneh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

Chư Prông siết chặt quản lý vật tư nông nghiệp

(GLO)- Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật trong kinh doanh vật tư nông nghiệp, những năm qua, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã siết chặt quản lý kết hợp với tăng cường thanh-kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 6.387,3 ha sầu riêng. Ảnh: Lê Nam

Gia Lai phát triển được 33.250 ha cây ăn quả các loại

(GLO)- Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, đến nay, toàn tỉnh có khoảng 33.250 ha cây ăn quả các loại (tăng 17.314 ha so với năm 2019).

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.