Cục Thuế tỉnh Gia Lai:

Rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cục Thuế tỉnh Gia Lai đang tiến hành rà soát, xử lý các trường hợp người nộp thuế có sử dụng hóa đơn không hợp pháp của 637 công ty liên quan đến vụ án mua bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành khác.

Vừa qua, Tổng cục Thuế đã công bố danh sách 113 công ty liên quan đến vụ án mua bán trái phép hơn 1 triệu hóa đơn do Nguyễn Minh Tú (SN 1992, trú tại phường Tam Phú, thành phố Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh liên quan đường dây phạm tội “Mua, bán trái phép hóa đơn” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”) và đồng phạm thực hiện tại tại tỉnh Phú Thọ và các tỉnh thành khác.

z5924610005537-da59bb013b2143d84ec6edbcb811cc69-3940.jpg
Cục Thuế tỉnh Gia Lai chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị Chi cục Thuế rà soát, xử lý các trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Ảnh: Sơn Ca

Tại địa bàn Gia Lai, Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát các trường hợp người nộp thuế sử dụng hoá đơn không hợp pháp của 113 công ty theo danh sách Tổng cục Thuế cung cấp. Đây cũng là đợt rà soát lần thứ 2, tiếp theo đợt rà soát, xử lý các trường hợp sử dụng hóa đơn bán ra của 524 công ty liên quan đến vụ án nêu trên.

Ông Nguyễn Văn Thuần-Trưởng phòng Thanh tra kiểm tra 2, Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho biết: “Chúng tôi đang tập trung khai thác dữ liệu hóa đơn của 113 công ty. Đồng thời, tiến hành rà soát lại các trường hợp người nộp thuế có sử dụng hóa đơn mua của 524 công ty trong danh sách ban đầu Tổng cục Thuế cung cấp để áp dụng các biện pháp quản lý thuế theo quy định. Toàn bộ hóa đơn các công ty này bán ra đã được Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ kết luận là hành vi mua bán hóa đơn trái pháp luật”.

z5924613174626-6e8fc74931488788d6011f676aebfc05-4470.jpg
Thông qua việc rà soát, cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp xử lý như truy thu, xử phạt, kê khai điều chỉnh số tiền thuế phải nộp đúng quy định pháp luật. Ảnh: Sơn Ca

Theo đó, vào năm 2023, Cục Thuế tỉnh Gia Lai đã rà soát 350 người nộp thuế trên địa bàn sử dụng 1.955 hóa đơn liên quan đến 524 công ty theo danh sách Tổng cục Thuế cung cấp. Trong đó, có 192 doanh nghiệp với 1.498 hóa đơn, 89 hộ kinh doanh với 349 hóa đơn, 69 cơ quan đơn vị với 108 hóa đơn. Thông qua việc rà soát các trường hợp sử dụng hóa đơn, người nộp thuế đã thực hiện cung cấp thông tin, kê khai điều chỉnh lại hoặc cam kết không sử dụng hóa đơn để kê khai, khấu trừ, tính vào chi phí… Cơ quan thuế đã truy thu, xử phạt với số tiền hơn 209 triệu đồng; kê khai điều chỉnh số tiền thuế phải nộp/giảm khấu trừ gần 925 triệu đồng.

Không chỉ tập trung rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp liên quan đến vụ án, cơ quan thuế chủ động tăng hiệu lực, hiệu quả công tác hậu kiểm nhằm phòng ngừa rủi ro gian lận về thuế, trốn thuế… Ông Nguyễn Công Thạch-Chi cục Trưởng Chi cục Thuế huyện Đức Cơ thông tin thêm: “Chúng tôi cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thường xuyên rà soát, tra cứu hóa đơn của người nộp thuế trên hệ thống hóa đơn điện tử, thực hiện đối chiếu với tờ khai thuế”.

z5924683624231-bed3003df3b208c942d9735c20680422-9064.jpg
Thông qua công tác kiểm tra, cán bộ thuế tuyên truyền vận động người nộp thuế nêu cao tinh thần tuân thủ pháp luật nghĩa vụ về thuế. Ảnh: Công Nguyễn

Thông tin từ Cục Thuế tỉnh Gia Lai cho biết, thông qua công tác rà soát, đối chiếu dữ liệu hóa đơn điện tử với tờ khai thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế, cơ quan thuế trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều trường hợp người nộp thuế có doanh thu lớn, tăng đột biến nhưng không có kho hàng bến bãi, không có tài sản cố định, không có giấy phép hoạt động khai thác khoáng sản nhưng xuất hóa đơn tài nguyên khoáng sản, không có hóa đơn mua vào nhưng trên tờ khai hàng tháng vẫn kê khai khống thuế giá trị gia tăng đầu vào để được khấu trừ, hợp thức hóa cho việc xuất hóa đơn bán ra…

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai nêu rõ: “Trong trường hợp phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp xử lý về thuế, về hoá đơn hoặc củng cố hồ sơ, chuyển tin báo vụ việc sang cơ quan chức năng để kịp thời xử lý ngăn chặn hành vi mua bán, sử dụng hoá đơn không hợp pháp theo quy định”.

Box: Liên quan đến vụ án mua bán trái phép hơn 1 triệu hoá đơn xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, trong phiên xử ngày 29-12-2023, của Toà án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án Nguyễn Minh Tú và các đồng phạm trong đường dây mua bán hoá đơn trị giá gần 64.000 tỷ đồng. Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ cũng đã xác định trong thời gian từ tháng 12-2020 đến tháng 10-2022, Nguyễn Minh Tú đã trực tiếp hoặc thông qua đối tượng trung gian sử dụng 637 công ty để bán trái phép 1.025.712 hoá đơn giá trị gia tăng cho 88.053 đơn vị. Tổ chức và thành lập 6 công ty tài chính để hợp thức hoá việc thanh toán qua ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.