Quan tâm trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, công tác bảo trợ xã hội (BTXH) được các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai quan tâm thực hiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như cải thiện đời sống các đối tượng thụ hưởng.
Theo ông Nguyễn Thành Huế-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), để công tác BTXH luôn kịp thời, đảm bảo chính xác, hàng năm, Sở đều triển khai hướng dẫn thực hiện các quy định liên quan của Nhà nước đến cấp cơ sở; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã, huyện; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố kịp thời nắm bắt tình hình đời sống các đối tượng bảo trợ đột xuất để có kế hoạch hỗ trợ. Ngoài thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước, vào các dịp lễ, Tết, Sở đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà; biểu dương người cao tuổi có thành tích nổi bật; tọa đàm, vận động các nhà tài trợ hỗ trợ xe lăn, xe lắc nhằm tạo chỗ dựa vững chắc cho các đối tượng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
 Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (thứ 2 từ trái qua) thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Bích Hạnh có 2 con bị khuyết tật. Ảnh: Đ.Y
Bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (thứ 2 từ trái qua) thăm, tặng quà gia đình bà Trần Thị Bích Hạnh có 2 con bị khuyết tật. Ảnh: Đ.Y
Toàn tỉnh Gia Lai có trên 27.990 người thuộc đối tượng BTXH, được chia thành 5 nhóm: trẻ mồ côi, trẻ em và người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động, người đơn thân nghèo nuôi con nhỏ, người khuyết tật, người cao tuổi đang hưởng trợ cấp BTXH hàng tháng. Đa phần các đối tượng đều có hoàn cảnh đặc biệt, không thể lao động kiếm sống... Nhờ chính sách của Nhà nước về trợ giúp xã hội, nhiều đối tượng đã được quan tâm, giúp đỡ, có điều kiện học tập, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Thành phố Pleiku là địa phương có số đối tượng BTXH nhiều nhất tỉnh với 4.949 người. Ông Võ Quang Nhân-Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP. Pleiku-thông tin: “Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH thành phố thường xuyên phối hợp triển khai các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế tại cộng đồng. Đồng thời, duy trì các hoạt động trợ giúp đột xuất cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật”. Là gia đình được nhận trợ cấp hàng tháng cho 2 con bị khuyết tật, bà Trần Thị Bích Hạnh (tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Vợ chồng tôi sinh được 4 người con thì 2 cháu bị khuyết tật đặc biệt nặng, được Nhà nước hỗ trợ 675 ngàn đồng/người/tháng. Tôi rất mừng vì nhờ có khoản hỗ trợ hàng tháng mà gia đình đỡ phần nào chi phí, có thêm điều kiện chăm sóc 2 cháu”. 
Ông Lương Nam Xuất Thế-Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đak Đoa-cho biết: Toàn huyện có 2.095 đối tượng đang nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Sau khi Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH về xác định mức độ khuyết tật do Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 15-3-2019 có hiệu lực (thay thế Thông tư liên tịch 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28-12-2012), riêng thị trấn Đak Đoa có thêm 20 đối tượng được Hội đồng xét duyệt hoàn chỉnh hồ sơ để ra quyết định hỗ trợ. Theo quy định của Nhà nước, các đối tượng BTXH ngoài trợ cấp hàng tháng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ mai táng phí 5,4 triệu đồng/người khi qua đời.
Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH tỉnh còn quan tâm phối hợp với một số bệnh viện trong và ngoài tỉnh hỗ trợ các đối tượng BTXH thuộc hộ nghèo, cận nghèo bị khuyết tật hệ vận động được khám sàng lọc miễn phí, phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng miễn phí, hỗ trợ viện phí và các dịch vụ y tế, hỗ trợ tiền ăn ở, đi lại khi đi điều trị; được cấp dụng cụ chỉnh hình như chân giả, tay giả, nạng, nẹp hỗ trợ vận động cá nhân... Từ năm 2018 đến nay đã có hơn 200 người khuyết tật được khám sàng lọc, 90 trường hợp được phẫu thuật và 66 người được lắp dụng cụ chỉnh hình.
Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thành Huế cho biết thêm: “Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích của đối tượng BTXH, qua đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân về thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, góp phần nâng cao đời sống của các đối tượng, giúp họ có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng. Triển khai và thực hiện kịp thời Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan; đồng thời thường xuyên rà soát, thống kê, phân loại và quản lý đối tượng để kịp thời hỗ trợ”.
 ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.