Quản lý bảo vệ rừng ở cấp xã: Nhiều khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, các xã trong tỉnh Gia Lai quản lý gần 930 ngàn ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên hơn 106 ngàn ha, rừng trồng hơn 62 ngàn ha và đất khác hơn 760 ngàn ha. Do diện tích rừng quá lớn, trong khi lực lượng chuyên trách gần như không có dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở cấp xã gặp rất nhiều khó khăn.

Xã Sró (huyện Kông Chro) có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 17,1 ngàn ha. Trong đó, UBND xã quản lý hơn 5 ngàn ha; diện tích đất chưa có rừng gần 4 ngàn ha (rừng đã trồng nhưng chưa thành rừng là 411,86 ha); Công ty TNHH một thành viên MDF Gia Lai quản lý 153,15 ha; Công ty Lâm nghiệp Kông Chro quản lý hơn 551 ha; Công ty Lâm nghiệp Kon Hdé quản lý hơn 9,8 ngàn ha; Quân khu 5 quản lý hơn 1,6 ngàn ha.

Ông Đinh Thế Song-Phó Chủ tịch UBND xã Sró-cho biết: “Ủy ban nhân dân xã đã chỉ đạo nhân viên kiểm lâm địa bàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị chủ rừng và trưởng thôn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; kê khai đất lâm nghiệp để trồng rừng; giao rừng, cho thuê rừng và giao đất lâm nghiệp, cho thuê đất lâm nghiệp. Từ năm 2015, UBND xã đã thành lập tổ liên ngành để quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn do lãnh đạo UBND xã làm tổ trưởng, kiểm lâm địa bàn làm tổ phó, các thành viên gồm Trưởng Công an xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã”.

 Diện tích rừng rộng lại thiếu cán bộ chuyên trách nên việc quản lý, bảo vệ rừng ở cấp xã còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Hà Phương
Diện tích rừng rộng lại thiếu cán bộ chuyên trách nên việc quản lý, bảo vệ rừng ở cấp xã còn gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Hà Phương


Từ khi thành lập đến nay, tổ liên ngành thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 lực lượng ở địa phương (Kiểm lâm, Công an, Dân quân xã và nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Kông Chro, Kông Hdé) trên lâm phần được giao quản lý. Mặc dù đã thành lập tổ liên ngành nhưng lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng còn mỏng, chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn xã chuyên trách, các lực lượng khác chỉ kiêm nhiệm nên công tác tuần tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Sró nêu bất cập: “Do địa bàn rộng, diện tích đất lâm nghiệp nhiều, trong khi đó, diện tích rừng tự nhiên lớn, phân bố xa khu dân cư, chủ yếu giáp ranh với các huyện lân cận, địa hình đồi núi hiểm trở. Mặt khác, trình độ dân trí thấp, đa số người dân tộc thiểu số địa phương vẫn giữ tập quán canh tác nương rẫy, đời sống còn nhiều thiếu thốn. Tất cả đều là áp lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng”.

Tương tự, xã Hà Tây (huyện Chư Păh) hiện được giao quản lý, bảo vệ 2.400 ha rừng. Diện tích này được UBND xã giao khoán lại cho cộng đồng thôn, làng tham gia quản lý, bảo vệ thông qua Quỹ Dịch vụ môi trường rừng. Ông Trương Văn Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Mặc dù có các cộng đồng thôn, làng quản lý nhưng quá trình tuần tra bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn do diện tích rừng rất rộng. Ngoài ra, khi để xảy ra các vụ phá rừng thì xã cũng không có biện pháp chế tài đối với các nhóm cộng đồng và phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Hiện xã không có lực lượng chuyên trách nên rất khó khăn trong công tác này. Từ khâu giao khoán rừng cho đến việc quản lý, bảo vệ rừng đều vượt quá khả năng của cán bộ cấp xã”.

Mới đây, trên địa bàn xã Hà Tây xảy ra vụ phá rừng phòng hộ ở tiểu khu 185. Theo đó, diện tích rừng bị phá hơn 2,2 ha. “Chính vì việc quản lý rừng gặp khó khăn nên năm nào xã cũng bị kiểm điểm và chúng tôi phải chấp nhận chuyện đó. Mong muốn của xã là giao lại rừng cho các ban quản lý để có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng tốt hơn”-ông Toàn chia sẻ.

Đề cập đến những khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ rừng ở cấp xã, ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Ủy ban nhân dân tỉnh đã có chủ trương đến năm 2030, số diện tích rừng do các xã quản lý phải được giao lại cho các ban quản lý, công ty lâm nghiệp và nhóm hộ cộng đồng quản lý, bảo vệ. Quá trình hiện thực hóa chủ trương này cần phải có thời gian, kinh phí để thực hiện đo đạc, cắm mốc, phân chia lại diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, các địa phương phải làm công việc đó thông qua giao đất, giao rừng cho các chủ rừng trên diện tích do xã quản lý”.

 

 HÀ PHƯƠNG

 

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trần Minh Sơn (bìa phải) tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung. Ảnh: Hoàng Hoài

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang

(GLO)- Sáng 10-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Trần Minh Sơn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Trại giam Gia Trung và các gia đình có công tiêu biểu ở huyện Mang Yang.

UBND tỉnh ban hành 7 thủ tục mới thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

Gia Lai công bố 14 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND công bố danh mục gồm 7 thủ tục hành chính mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ; 7 thủ tục mới, 9 thủ tục bị bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực quản lý nhà nước về quỹ.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Về miền lá đỏ

Về miền lá đỏ

(GLO)- Tôi thường có thói quen tìm đến những cánh rừng bạt ngàn trong cơn gió xuân dịu nhẹ. Mùa xuân, nhiều cung đường rừng ở tuyến Trường Sơn Đông uyển chuyển khoác lên tấm lụa tràn đầy sắc màu, đỏ rực một vùng trời.