Bệnh viện Quân y 211: Triển khai các kỹ thuật mới để tạo đột phá về chuyên môn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Bệnh viện Quân y 211 (số 410 đường Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chú trọng nâng cao năng lực quản lý, có nhiều đột phá về kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.

Nơi đây thực sự là địa chỉ tin cậy của quân và dân trong và ngoài tỉnh, ngang tầm bệnh viện hạng I khu vực Tây Nguyên.

Với chức năng, nhiệm vụ chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung cũng như các tỉnh giáp biên giới của nước bạn Lào, Campuchia là tôn chỉ, mục đích, là hành động và nhiệm vụ của người thầy thuốc.

Thời gian qua, Bệnh viện Quân y 211 chủ động phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Học viện Quân y đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bác sĩ, nhân viên chuyên môn.

Bệnh viện chủ động tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư của cấp trên, sử dụng hiệu quả trang-thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác chẩn đoán, điều trị như: máy cộng hưởng từ 1,5T Magnetom Essenza; hệ thống nội soi chẩn đoán và điều trị dạ dày, đại tràng video Nhật; máy truyền dịch điện MJ210 Nhật; hệ thống chụp CT Scanner 64 lát cắt.

1-benh-vien.jpg
Đại tá Hoàng Tiến Dũng-Giám đốc Bệnh viện Quân y 211. Ảnh: L.Q.A

Cùng với đó, đơn vị đã phát huy thế mạnh về ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật chấn thương sọ não, các chuyên khoa tai-mũi-họng, phẫu thuật mổ phaco đặt thủy tinh thể, gây mê hồi sức, mổ nội soi tán sỏi ngược dòng bằng tia laser, điều trị viêm não mô cầu, điều trị ung thư, thẩm mỹ bằng công nghệ laser, tái tạo dây chằng chéo, cấy ghép răng hàm mặt với những bước phát triển vượt bậc.

Đặc biệt, Bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật mới như: phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo khớp gối; thay khớp gối, khớp háng; giảm đau đa mô thức sau mổ… đem lại sự sống cho nhiều ca bệnh hiểm nghèo, thập tử nhất sinh.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh là dâu út của bệnh nhân Nguyễn Thị Mận (81 tuổi, huyện Krông Pa). Chị Lan Anh chia sẻ: “Chỉ 24 giờ sau phẫu thuật thay khớp háng do tai nạn, mẹ tôi đã tự đi lại được. Đây có thể nói là hạnh phúc nhất của gia đình.

Khi mẹ bị tai nạn, đau đớn, gia đình rất lo lắng, vì bà tuổi cao, sức khỏe yếu lại bị bệnh nền nặng. Nhiều người khuyên nên đưa mẹ vào các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh để chữa trị. Nhưng do đường xa, tiền phẫu thuật, điều trị, chăm nuôi lớn, vượt quá khả năng của gia đình nên chúng tôi quyết định đưa mẹ đến Bệnh viện Quân y 211 để khám, cấp cứu và phẫu thuật.

Hiện nay, nhìn mẹ vui vẻ đi lại, chúng tôi càng tự tin khẳng định việc đưa mẹ đến Bệnh viện Quân y 211 phẫu thuật, điều trị là quyết định đúng đắn”.

Tương tự, anh Huỳnh Ngọc Thịnh (thôn Kê, thị trấn Chư Sê) cho hay: “Ba tôi bị nhiều bệnh như: phổi, tim mạch, khí quản… Ba tôi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 211. Lúc mới nhập viện, tình trạng của ba tôi rất nặng. Được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đến nay, ba tôi đã qua cơn nguy kịch, gia đình rất biết ơn”.

phau-thuat-phaco-2.jpg
Phẫu thuật phaco. Ảnh: L.Q.A

Đại tá Hoàng Tiến Dũng-Giám đốc Bệnh viện Quân y 211-cho biết: Thời gian tới, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật y khoa nói chung, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân nói riêng, để giữ vững niềm tin yêu của quân và dân trên địa bàn Tây Nguyên, tô thắm truyền thống bệnh viện “Đoàn kết, Dũng cảm, Tận tụy, Thủy chung, Sáng tạo, Tự lực, Khoa học, Thực tiễn”, Đảng ủy, Ban Giám đốc xác định con người và khoa học công nghệ là yếu tố then chốt giữ vững thương hiệu của Bệnh viện, cùng với phương châm “Cứu người không chỉ là mệnh lệnh”, khẩu hiệu “Chăm sóc tận tụy-Điều trị hiệu quả”.

Theo đó, Bệnh viện tập trung đổi mới phong cách phục vụ; nâng cao trách nhiệm y đức, tâm lý tiếp xúc, thái độ phục vụ, chăm sóc “lấy người bệnh làm trung tâm, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.

Đồng thời, đơn vị phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 175, Học viện Quân y đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y-bác sĩ, điều dưỡng; xây dựng đội ngũ này có tâm có tầm, tri thức, y đức, đạo đức tốt, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ.

Mặt khác, tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa các kỹ thuật đã thành công trong năm 2024; tiếp nhận, triển khai hiệu quả các kỹ thuật mới như: tiếp nhận, xử trí đột quỵ não cấp; cập nhật, điều trị bệnh Parkinson; điều trị u lành tuyến giáp bằng đốt sóng cao tần RFA; can thiệp, điều trị suy tĩnh mạch và kỹ thuật tiêm mô mềm, tiêm khớp.

Bên cạnh đó, tuyển dụng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt đảm bảo đủ nguồn nhân lực chăm sóc điều trị bệnh nhân.

Có thể bạn quan tâm

Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm tại Việt Nam. Ảnh nguồn moh.gov.vn

Mỗi năm, Việt Nam có hơn 103.000 người tử vong liên quan đến thuốc lá

(GLO)- Mới đây, tại tọa đàm “Ảnh hưởng của ngành thuốc lá tới môi trường và biến đổi khí hậu tại Việt Nam-Thực trạng và giải pháp” do Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó biến đổi khí hậu tổ chức ở Hà Nội, các chuyên gia thông tin:

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

TP. HCM: Bắt đầu công bố hết dịch sởi

Sáng 27-3, Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện có 22 phường, xã thuộc Quận 1, 4 và huyện Củ Chi đủ điều kiện công bố hết dịch sởi, Sở Y tế đã có báo cáo và đề nghị UBND TPHCM ban hành quyết định công bố hết dịch sởi tại các phường xã này theo quy định.

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

Phú Thiện triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi

(GLO)- Từ ngày 26-3 đến 31-3-2025, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi với mục tiêu chung tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng nhằm chủ động phòng-chống dịch sởi, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi trên địa bàn huyện.

Bác sĩ khám bệnh cho chị Ksor Hlai (làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ). Ảnh: N.N

Bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng

(GLO)- Mỗi năm, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện khoảng 700 bệnh nhân lao. Hiện vẫn còn khoảng 40% bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng, là nguồn lây lan bệnh nếu không kịp thời điều trị. Ngoài ra, số bệnh nhân lao kháng thuốc gia tăng đang là gánh nặng trong công tác phòng-chống lao tại tỉnh.