Bệnh viện Quân y 211: “Lấy người bệnh làm trung tâm”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, những năm qua, Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và trau dồi y đức để từng bước nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh.

Triển khai nhiều kỹ thuật mới

Những năm qua, Bệnh viện Quân y 211 bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế ngày một hiện đại; bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ y-bác sĩ; quán triệt, chấp hành nghiêm quy định của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng về công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân.

Trong 5 năm qua, Bệnh viện đã tổ chức khám, cấp cứu, thu dung điều trị cho gần 58 ngàn lượt bệnh nhân, điều trị cho trên 12.500 lượt bệnh nhân, tỷ lệ sử dụng giường bệnh đạt 176%. Công tác khám-chữa bệnh bảo đảm an toàn, không để xảy ra tai nạn, tai biến do thiếu tinh thần trách nhiệm. Đơn vị cũng cấp cứu, điều trị thành công nhiều bệnh nhân nặng, chấn thương phức tạp, tạo được uy tín, niềm tin đối với bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Bệnh viện bảo đảm đầy đủ thuốc, vật tư y tế đáp ứng với yêu cầu khám, cấp cứu, điều trị, phòng-chống dịch. Thực hiện tốt công tác huấn luyện chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, kết hợp cử cán bộ, nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Bệnh viện Quân y 211 đã triển khai nhiều kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Ảnh: N.Y

Bệnh viện Quân y 211 đã triển khai nhiều kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. Ảnh: N.Y

Thượng tá-bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Anh Tuấn-Chủ nhiệm Khoa B1 (Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình) chia sẻ: Nhằm phục vụ người bệnh một cách tốt nhất, không chỉ duy trì, phát huy các kỹ thuật đã triển khai trước đó, đơn vị còn tiếp tục phát triển và làm chủ nhiều kỹ thuật mới trong điều trị như thay khớp gối, khớp háng. Trong đó, nối chi thể đứt lìa là một trong những mũi nhọn của Khoa B1.

“Trước đây, bệnh nhân đứt lìa bàn tay, bàn chân thường chuyển tuyến hoặc chấp nhận cắt cụt. Thời gian gần đây, Bệnh viện đã làm chủ và thực hiện thành công nhiều ca nối bàn tay, bàn chân đứt lìa không dập nát… Có những ca đưa từ Campuchia qua dù quá thời gian quy định nhưng vẫn được Bệnh viện thực hiện thành công.

Ngoài ra, Khoa còn làm chủ các kỹ thuật thay khớp háng, khớp gối… giúp bệnh nhân được điều trị tại chỗ, giảm chi phí do không phải chuyển lên tuyến trên”-bác sĩ Tuấn cho biết.

Còn Thiếu tá-bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nam Giang-Chủ nhiệm Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực) thì thông tin: “Bệnh nhân hầu hết đều bệnh nặng, nguy kịch, tỷ lệ đe dọa tử vong cao. Cùng với đó, bệnh trạng diễn biến phức tạp, thay đổi theo từng phút, từng giây nên chúng tôi đặt nhiệm vụ ưu tiên chăm sóc, theo dõi sát sao và nỗ lực cứu chữa người bệnh.

Thời gian qua, Khoa đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, từ đó tạo được sự tin yêu của quân và dân trên địa bàn khu vực Tây Nguyên cũng như các nước bạn Lào, Campuchia”.

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Chăm sóc người thân điều trị tại Bệnh viện Quân y 211, ông Đặng Văn Kích (thôn 9, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) kể: Cậu của ông bị tai nạn gãy chân. Trong quá trình điều trị tại đây, các y-bác sĩ rất chu đáo, tận tụy. Đặc biệt, khâu vệ sinh phòng bệnh rất được chú trọng, phòng ốc luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Bệnh nhân và người nhà hết sức hài lòng.

Tương tự, anh Huỳnh Ngọc Thịnh (thôn Kê, thị trấn Chư Sê) cho hay: “Ba tôi bị nhiều bệnh như: phổi, tim mạch, khí quản… Ông được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 211. Lúc mới nhập viện, tình trạng của ba tôi rất nặng. Được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đến nay, ba tôi đã qua cơn nguy kịch, gia đình rất biết ơn”.

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 cứu sống. Ảnh: Như Nguyện

Thời gian qua, nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch đã được các y-bác sĩ Bệnh viện Quân y 211 cứu sống. Ảnh: Như Nguyện

Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm”, Bệnh viện Quân y 211 tiếp tục quán triệt yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh; nâng cao chất lượng đội ngũ y-bác sĩ; làm chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an toàn và cải cách hành chính hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân; không để xảy ra tai biến, tai nạn trong điều trị do chủ quan.

Đại tá-bác sĩ chuyên khoa II Trần Xuân Lợi-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211-nhấn mạnh: Bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: phẫu thuật tái tạo dây chằng khớp gối; thay khớp gối, khớp háng; giảm đau đa mô thức sau mổ; nối chi thể đứt lìa. 5 năm qua, đơn vị đã thực hiện 8 đề tài nghiên cứu khoa học và 56 sáng kiến kỹ thuật. Vừa qua, Bệnh viện tổ chức khám-chữa bệnh vào ngày thứ bảy, khám-chữa bệnh theo yêu cầu.

“Thời gian tới, Bệnh viện tiếp tục nỗ lực thực hiện có hiệu quả công tác khám cấp cứu, thu dung và điều trị bệnh nhân. Cùng với đó, đơn vị tiếp tục nghiên cứu và triển khai các kỹ thuật chuyên môn cao nhằm đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Ưu tiên phát triển các kỹ thuật mang tính chất xử lý các bệnh cấp cứu khẩn cấp như: lọc máu liên tục để điều trị cho các trường hợp bị sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng có chỉ định lọc máu liên tục; triển khai can thiệp mạch; tán sỏi qua da; thay đĩa đệm nhân tạo cho những trường hợp chỉ định điều trị cột sống do thoái hóa, thoát vị đĩa đệm… để nâng cao chất lượng điều trị, giúp bệnh nhân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao, hạn chế tình trạng chuyển tuyến”-bác sĩ Lợi cho biết.

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.