Gia Lai thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Những năm qua, Gia Lai đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt.

Những năm gần đây, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh được người tiêu dùng ưa chuộng và dần khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa.

Chị Trần Thu Hương (phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho rằng: “Có rất nhiều lý do để gia đình tôi tin tưởng sử dụng hàng Việt. Một trong số đó chính là vấn đề sức khỏe. Hàng hóa trong tỉnh, trong nước hiện nay có chất lượng cao, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng được những yêu cầu của người tiêu dùng”.

thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-va-tieu-dung-hang-viet-bg.jpg
Chị Rơmah H’Lim (bìa trái, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) lựa chọn sản phẩm OCOP tại phiên chợ biên giới năm 2024. Ảnh: M.K

Còn với chị Rơmah H’Lim (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) thì các mặt hàng OCOP trong tỉnh đã tạo được độ tin cậy cao. “Người dân vùng xa, vùng biên giới rất tin tưởng vào chất lượng các sản phẩm OCOP do các chủ thể trong tỉnh sản xuất. Chúng tôi mong muốn có nhiều hội chợ hay triển lãm tổ chức ở vùng biên để người dân được trải nghiệm và mua sắm các mặt hàng như: cà phê, trà dược liệu, mật ong… và một số mặt hàng tiêu dùng khác”-chị H’Lim bày tỏ.

Nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, Công ty TNHH Coobee Việt Nam (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã liên kết hợp tác, đầu tư và tiếp cận thị trường theo hướng tạo ra các sản phẩm mật ong hoa cà phê phục vụ nhu cầu sử dụng đa dạng của người tiêu dùng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty xử lý mật ong qua các công đoạn với máy hạ thủy phần, phá kết tinh, khử nấm, diệt nấm bằng dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018.

Ông Đàm Quang Huy-Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Coobee Việt Nam-chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn khai thác lợi thế địa phương, đưa đặc sản vùng miền kết hợp với khoa học công nghệ tiên tiến nhằm phát triển nhãn hàng Mật ong hoa cà phê Gia Lai. Hiện sản phẩm mật ong của Công ty đã có mặt tại nhiều chuỗi siêu thị tại Gia Lai, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Chúng tôi kết hợp giữa phân phối online và phân phối kênh truyền thống; tập trung vào con người, chuyên sâu từng bộ phận riêng như kinh doanh và sản xuất; đầu tư chuyên nghiệp vào hình ảnh sản phẩm trên bao bì để chinh phục khách hàng Việt”.

2td.jpg
Điểm bán hàng OCOP và hàng Việt tại các điểm du lịch tạo sức hút với du khách. Ảnh: Trần Dung

Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có tác động tích cực đến nhận thức của các cấp chính quyền và người dân. Từ đó làm thay đổi nhận thức và hành vi trong sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày theo hướng ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa sản xuất trong nước.

Toàn tỉnh hiện có 8.160 doanh nghiệp và 364 HTX với tổng vốn đăng ký 124.470 tỷ đồng. Hiện nay, Gia Lai có trên 1.500 nhãn hiệu thông thường, 3 chỉ dẫn địa lý, 15 nhãn hiệu chứng nhận, 20 sáng chế và 305 sản phẩm còn trong hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Đến nay, Sở đã triển khai được 7 điểm bán hàng OCOP và hàng Việt tại các điểm du lịch. Thường xuyên hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đăng ký đưa sản phẩm của mình tham gia tại các triển lãm, hội chợ.

Ngoài ra, Sở cũng mở các lớp đào tạo tư vấn kỹ năng trong kinh doanh cho các doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học, công nghệ mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về chất lượng của hàng Việt để thay đổi thói quen tiêu dùng.

Ông Siu Trung-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh-thông tin: Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tăng cường quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hiệu quả và tạo sức lan tỏa.

Cùng với đó, các siêu thị đã đăng ký tăng tỷ lệ hàng Việt trên 90% trong cơ cấu hàng hóa của đơn vị; nhiều doanh nghiệp tổ chức các đợt khuyến mại để thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Nhiều sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, cao su, mắc ca, mật ong... của Gia Lai đã được khẳng định về uy tín, chất lượng, cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trong nước. Đã có nhiều doanh nghiệp trong tỉnh khẳng định được thương hiệu và vươn xa đến nhiều khu vực trên thế giới.

Trong buổi làm việc tại tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương-Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đánh giá: Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai cuộc vận động với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh, hàng Việt ngày càng được người tiêu dùng trong tỉnh ủng hộ và tin dùng.

Đặc biệt là việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.

Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên: Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

(GLO)- Tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tạo ra những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe đang trở thành xu hướng của nhiều cơ sở sản xuất. Việc này không chỉ góp phần thay đổi thói quen của người tiêu dùng mà còn gia tăng giá trị của thảo mộc.

Cẩn thận khi mua bánh Trung thu

Cẩn thận khi mua bánh Trung thu

(GLO)- Bánh Trung thu là thực phẩm không thể thiếu mỗi dịp trăng rằm tháng 8. Với nhiều chủng loại được bày bán trên thị trường, làm thế nào để chọn được bánh Trung thu ngon, giá cả phải chăng, an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng là vấn đề được nhiều người quan tâm.