Tuy nhiên, câu chuyện không đơn thuần là xuất khẩu với số lượng lớn, mà còn làm cách nào để xuất hiện ngày càng phổ biến trên kệ hàng tại các siêu thị lớn của thị trường nhập khẩu, từ Walmart (Mỹ), Loblaws (Canada) cho đến Tesco (Anh) hay Carrefour (Pháp) với thương hiệu của Việt Nam. Quá trình thâm nhập này chứa đựng nhiều thành tựu đáng kể nhưng cũng không ít thách thức.
Về thành tựu, hiện tại, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã xuất hiện tại các chuỗi siêu thị lớn toàn cầu. Ví dụ, gạo ST25 - loại gạo ngon nhất thế giới đã có mặt tại nhiều siêu thị của Mỹ và EU. Cà phê Trung Nguyên không chỉ xuất hiện ở những cửa hàng cà phê nhỏ mà còn hiện diện tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng đầu. Trái vải, sau khi vượt qua rào cản kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, đã có mặt tại chuỗi siêu thị Loblaws của Canada và Woolworths (Australia). Tương tự, nhãn lồng Hưng Yên cũng được nhập khẩu vào Mỹ thông qua hệ thống phân phối của Amazon Fresh và một số chuỗi bán lẻ khác...
Tuy nhiên, việc hàng Việt thâm nhập vào các chuỗi siêu thị quốc tế không phải là một hành trình dễ dàng. Những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như các quy định về bao bì, nhãn mác và xuất xứ sản phẩm đang tạo ra rào cản lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ, nhiều lô hàng thanh long và xoài của Việt Nam đã gặp khó khăn khi vào thị trường EU vì vi phạm các quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tại thị trường Nhật Bản, dưa hấu Việt Nam chưa thể thâm nhập sâu do yêu cầu về độ tươi và quy trình kiểm dịch nghiêm ngặt.
Theo các chuyên gia, việc đưa nông sản Việt Nam vào các chuỗi siêu thị quốc tế đòi hỏi một chiến lược dài hạn và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Một trong vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý là phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu riêng, nên doanh nghiệp phải hiểu rõ để lọt qua vòng kiểm dịch.
Tiếp theo là thiếu sự hiểu biết về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường đích. Việc nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam bị trả lại không chỉ vì lý do chất lượng, mà còn bởi bao bì không phù hợp hoặc thông tin sản phẩm không đủ hấp dẫn người mua. Chẳng hạn, trái xoài Việt Nam dù rất ngon nhưng bao bì chưa đạt chuẩn của thị trường EU và chưa thể hiện được độ “tươi”, “sạch” ra ngoài, dẫn đến khó cạnh tranh với các sản phẩm từ quốc gia khác.
Việt Nam nhập siêu hàng hóa từ Đài Loan, chủ yếu sản phẩm điện tử
Truy tố Giám đốc vận chuyển trái phép hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam
Điều quan trọng hơn, để hàng hóa Việt Nam hiện diện nhiều hơn tại siêu thị của các nước với thương hiệu của Việt Nam, trước tiên, các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư vào công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, để đảm bảo sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng quốc tế vẫn giữ được chất lượng tốt nhất. Một trong những ví dụ thành công là việc sử dụng công nghệ chiếu xạ và xử lý nhiệt để bảo quản trái cây tươi, giúp kéo dài thời gian lưu trữ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là công nghệ mà Mỹ và Australia yêu cầu đối với nhãn và vải Việt Nam, đã giúp các sản phẩm này thâm nhập vào thị trường một cách ổn định hơn.
Việc liên kết giữa nhà xuất khẩu và chuỗi siêu thị quốc tế cũng rất quan trọng. Nhiều chuỗi siêu thị lớn sẵn sàng hợp tác nếu doanh nghiệp có cam kết chất lượng dài hạn. Một ví dụ thành công là sự hợp tác giữa doanh nghiệp Vinamit và chuỗi siêu thị Whole Foods của Mỹ, nhờ vậy các sản phẩm mít sấy và xoài sấy của Việt Nam được bày bán và nhận được những phản hồi tích cực từ khách hàng của nước này. Với những thị trường mà người tiêu dùng luôn khắt khe và khó tính, nếu các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu và thúc đẩy liên kết quốc tế, nông sản Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiến xa hơn trong tương lai.
Theo VĂN PHÚC (SGGPO)