Tìm giải pháp bảo đảm an toàn cho xe công nông - Kỳ 1: Phương tiện chưa thể thay thế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hầu hết xe công nông khi lưu thông trên đường đều không đèn, không đăng ký, không đăng kiểm, người dân cũng không có giấy phép lái xe nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).

Với người dân sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng, hình ảnh những chiếc xe công nông, xe độ chế chất đầy nông sản nối đuôi nhau lưu thông trên đường đã trở nên quen thuộc. Mặc dù loại xe này không đảm bảo điều kiện về an toàn khi không đèn, không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có giấy phép lái xe, tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra nhưng vì chưa có phương tiện thay thế nên người dân vẫn phải sử dụng để phục vụ mưu sinh.

Xe công nông có công năng vô cùng đặc biệt khi vừa là phương tiện vận chuyển nông sản, vừa có thể độ chế thành máy bơm nước, cày bừa, tưới nước, xay xát, phát điện… Quan trọng hơn là giá thành rẻ, phù hợp với địa hình đồi núi nên xe công nông là phương tiện tối ưu trong đời sống sản xuất nông nghiệp của người dân Tây Nguyên.

Xe công nông lưu thông vận chuyển nông sản trên quốc lộ 25. Ảnh: Minh Phương

Xe công nông lưu thông vận chuyển nông sản trên quốc lộ 25. Ảnh: Minh Phương

Xe công nông là “đầu cơ nghiệp”

Ngày 19-12-2004, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 46/CT-TTg về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ, trong đó quy định “Đình chỉ việc sản xuất mới các loại xe công nông (trừ xe máy kéo nhỏ). Đối với số xe đã sản xuất hiện chưa có đăng ký, phải thực hiện kiểm tra nghiêm túc nếu đạt yêu cầu về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn hiện hành quy định cho loại xe này thì mới được đăng ký sử dụng. Đối với các xe đã được cấp đăng ký, thời hạn tối đa được tham gia giao thông đến ngày 31-12-2007” và “Cấm xe công nông hoạt động ở khu vực nội thành các đô thị loại III trở lên, trên các đường cao tốc và trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao”.

Đến ngày 29-6-2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP về một số giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT), ùn tắc giao thông, trong đó quy định từ ngày 1-1-2008 đình chỉ lưu hành xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Tuy nhiên, với một tỉnh miền núi như Gia Lai, xe công nông được xem là phương tiện hữu dụng nhất của người dân để phục vụ sản xuất nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Kể từ khi có xe công nông, cuộc sống của gia đình ông Rơ Châm Kun (xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã khấm khá hơn nhiều. Ông Kun mua xe công nông vào năm 2000 với giá 17 triệu đồng. Ngoài việc sử dụng xe để vận chuyển phân bón, nông sản, ông đã lắp thêm các bộ phận để làm máy bơm nước tưới cà phê. Ngoài ra, ông còn nhận vận chuyển hàng, tưới nước thuê khi người dân trong làng có nhu cầu.

“Khi chưa mua xe công nông, gia đình tôi phải thuê xe của người dân trong làng nên rất bất tiện và tốn kém. Khu vực rẫy của gia đình tôi ở xã Ia Ka, nếu không có xe công nông thì rất khó khăn trong việc vận chuyển phân bón, nông sản. Kể từ khi có chiếc xe này, việc sản xuất của gia đình thuận lợi hơn, các loại chi phí cũng giảm đi nhiều. Với 2 ha cà phê và chở thuê nông sản cho người dân, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm”-ông Kun chia sẻ.

Cũng với mong muốn có phương tiện phục vụ sản xuất nên gia đình ông Y Yun (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã bán 1 con bò và vay mượn thêm để đóng mới chiếc xe công nông với giá 45 triệu đồng. Chiếc xe được độ chế thêm các bộ phận để bơm nước, cày đất. Ông Y Yun cho hay: “Để vào được khu vực rẫy của gia đình, tôi phải đi qua nhiều đồi cao, toàn là đường đất nên rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Khi chưa có xe, mọi việc cày đất để trồng mì, bắp đều phải làm thủ công nên rất vất vả, năng suất lại không cao. Sau khi mua xe, ngoài việc vận chuyển phân bón, nông sản, tôi còn dùng để cày đất, tưới nước. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch, tôi còn chở thuê nông sản hoặc đi cày thuê cho các gia đình khác. Mỗi vụ, chỉ tính việc chở hàng, cày thuê, tôi cũng thu được hơn 30 triệu đồng”.

Cũng theo ông Yun, với người DTTS nơi đây, xe công nông được xem như 1 “lao động chính” trong gia đình. Vì mỗi lần chở bà con đi làm công, phương tiện này cũng được tính công như 1 người làm.

Tương tự, ông Nay Luin (thị trấn Phú Thiện) cho biết: Gia đình ông có rẫy ở xã Ia Sol nên phải mua xe công nông để chở vật tư, phân bón hay nông sản sau khi thu hoạch. Theo ông Luin, chỉ có phương tiện này mới vượt qua đoạn đường đất lầy lội để vào khu vực sản xuất. Không chỉ vậy, xe của ông được độ chế để có thêm các công năng như bơm nước, cày đất nên rất tiện lợi mà không phương tiện nào có thể thay thế được.

Công an thị trấn Phú Thiện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho ông Nay Luin (thị trấn Phú Thiện)-Chủ xe công nông. Ảnh: M.P

Công an thị trấn Phú Thiện tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho ông Nay Luin (thị trấn Phú Thiện)-Chủ xe công nông. Ảnh: M.P

Ông Đinh Văn Chinh-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thiện-cho biết: Thị trấn có 13 tổ dân phố (tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm 49%) thì có đến 12 tổ dân phố nằm dọc theo quốc lộ 25. Qua rà soát, toàn thị trấn hiện có 209 xe công nông. Loại phương tiện này được xem là “đầu cơ nghiệp” của người dân khi vừa phục vụ tưới nước, cày bừa và vận chuyển nông sản.

“Các chủ phương tiện đều là người DTTS nên điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Một phần do đặc thù địa hình, tập quán sản xuất của người dân nên hiện xe công nông vẫn là phương tiện khó thay thế ở đây”-ông Chinh nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có hơn 37.700 xe công nông, máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp. Hầu hết các loại phương tiện giao thông này đều không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật nhưng lại phục vụ đắc lực cho sản xuất khi vừa có thể vận chuyển nông sản, vừa có thể độ chế thành máy bơm nước, cày bừa, xay xát…

Quan trọng hơn là giá thành rẻ, phù hợp với địa hình đồi núi nên xe công nông là phương tiện tối ưu trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Do vậy, trên khắp các tuyến đường liên thôn, liên xã, thậm chí trên các tuyến quốc lộ hay tỉnh lộ, những chiếc xe công nông vẫn xuôi ngược lưu thông.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Hầu hết xe công nông khi lưu thông trên đường đều không đèn, không đăng ký, không đăng kiểm, người dân cũng không có giấy phép lái xe nên tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Vì xe tự lắp ráp, các thiết bị không có công bố tiêu chuẩn, không có nguồn gốc xuất xứ nên không thể kiểm định để cấp giấy đăng ký. Cùng với đó, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4 cũng gặp những khó khăn nhất định.

Dù đã gần 10 năm trôi qua nhưng nhiều người chứng kiến vẫn còn chưa hết ám ảnh về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 27-11-2015 trên quốc lộ 14 (thuộc địa phận thôn Đại An 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) giữa xe tải BKS 81M-5781 do tài xế Cao Đại Trọng (SN 1986, trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chở gỗ cao su lưu thông theo hướng từ Gia Lai đi tỉnh Kon Tum đã tông thẳng vào xe công nông do anh Hrung (SN 1986, trú tại làng Brép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) điều khiển chở trên xe 15 người ở làng Tơ Vơng 2 (xã Ia Khươl) đi hái cà phê về. Vụ tai nạn khiến 5 người chết và 9 người bị thương.

Công an huyện Đak Đoa nhắc nhở chủ xe công nông chở hàng cồng kềnh, che khuất tầm nhìn. Ảnh: Lê Anh

Công an huyện Đak Đoa nhắc nhở chủ xe công nông chở hàng cồng kềnh, che khuất tầm nhìn. Ảnh: Lê Anh

Hay mới đây, vào khoảng 21 giờ 20 phút ngày 29-4-2024, tại tuyến đường liên huyện Đak Đoa-Chư Sê (đoạn thuộc thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa), anh Kpa Sinh (SN 2006, trú tại xã Ia Băng) điều khiển xe máy BKS 81B3-256.01 chở theo sau em Kpa Huân (SN 2012, trú tại xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) đã tông vào đuôi xe công nông do anh Jưk (SN 1994, trú tại xã Ia Băng) điều khiển. Vụ tai nạn làm anh Kpa Sinh bị thương nặng rồi tử vong trên đường đi cấp cứu.

Những năm qua, tình hình TNGT liên quan đến xe công nông xảy ra trên địa bàn tỉnh khá phức tạp. Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2023, toàn tỉnh xảy ra 110 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm 89 người chết, 58 người bị thương. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ TNGT liên quan đến xe công nông, làm 13 người chết, 2 người bị thương.

Trao đổi với P.V, ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh-nhận định: Trên thực tế, trong tổng số các vụ TNGT xảy ra hàng năm thì số vụ liên quan đến xe công nông chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn thì hậu quả rất nghiêm trọng. “Một loại phương tiện nhiều “điểm không” lưu thông trên đường giao thông hỗn hợp lại còn chở người thì quá nguy hiểm cho tính mạng người lái xe, người ngồi trên xe và cả người đi đường.

Muốn quản lý loại phương tiện này thì cần có sự quan tâm phối hợp triển khai đồng bộ của các ngành chức năng. Trước hết phải tiếp tục tổ chức đăng ký, cấp biển số theo quy định; phải kiểm tra về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện. Mặt khác, các địa phương có điều kiện cần đẩy nhanh việc xây dựng đường gom, đường dân sinh song song với quốc lộ, tỉnh lộ để tách phương tiện ra khỏi thành phần dòng xe, ngăn ngừa TNGT”-ông Hiếu nêu giải pháp.

Còn ông Trần Đình Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thì cho biết: Thời gian qua, một số cơ quan chức năng chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, kiểm tra, xử lý sai phạm liên quan đến xe công nông, máy kéo nhỏ dẫn đến các phương tiện này vẫn tham gia lưu thông và xảy ra nhiều vụ TNGT. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm theo quy định gặp trở ngại vì mức phạt cao, trong khi phần lớn người điều khiển là đồng bào DTTS có thu nhập thấp, trình độ nhận thức chưa cao. Nếu thực hiện xử phạt phải bắt buộc tạm giữ phương tiện thì người dân không có công cụ phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc xử lý các xe vi phạm rất ít. Thông thường, các lực lượng kiểm tra chỉ nhắc nhở, tuyên truyền và yêu cầu ký cam kết là chủ yếu nên việc chấp hành pháp luật về giao thông còn hạn chế.

Có thể bạn quan tâm

“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời.