Hồn quê từ những làng nghề - Bài 2: Làng hến 300 năm tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nằm bên bờ sông La thơ mộng, ngôi làng Bến Hến, thuộc xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã gắn liền với nghề đãi hến hơn 300 năm qua. Từ cái nghề giản dị ấy đã mang đến cuộc sống an lành, nâng niu ước mơ con chữ cho biết bao gia đình.

Làng nghề

Chiều cuối tháng 6, khi cơn mưa hiếm hoi ngày hè vừa dứt, ánh nắng đã nhuộm vàng trên con đường dẫn vào làng Bến Hến, xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Trong những túp lều xếp dài dọc bên bờ sông, lò bếp đỏ lửa, sợi khói trắng theo gió cuộn ra dòng La nơi con thuyền “đi hến” nối đuôi đang trở về. Neo thuyền vào bờ, những người đàn ông thân hình vạm vỡ, rám nắng bước xuống với nắm cơm ăn dở, kết thúc ngày vất vả cào hến trên sông.

“Hến về rồi, bắt đầu làm việc thôi”, bà Nguyễn Thị Thi (65 tuổi, trú tại thôn Bến Hến) gọi con gái rồi khoác chiếc áo phong phanh, đội thêm chiếc nón lá, nhanh chân hướng về phía mũi thuyền. “Nghề đãi hến là nghề được xếp vào hàng “tứ bần”. Cứ mở mắt ra đã thấy cực, ấy mà hết đời cụ kị, qua đời ông cha nay lại đến đời tôi vẫn cứ trôi dạt nơi bến sông. Cào hến, nhiệm vụ của đàn ông, còn phụ nữ chúng tôi là đãi sạch, loại bỏ đá, bùn để bỏ vào bếp luộc”, bà Thi mở đầu câu chuyện.

Một góc nhỏ tại làng Bến Hến vào lúc thuyền cập bờ

Một góc nhỏ tại làng Bến Hến vào lúc thuyền cập bờ

Lội nước sông ngang đầu gối, người đàn bà khom lưng mang từng xô cát, bùn trộn lẫn hến vừa lấy từ khoang thuyền ra. Tay trái cầm rổ, tay phải khuấy đều trong nước, nhịp nhàng đưa lên, rồi lại đưa xuống, những con hến bằng ngón áp út đen bóng cứ thế nổi lên. Theo gia đình đãi hến từ năm 10 tuổi, đến nay bà Thi có thâm niên hơn 50 năm trong nghề. Ở cái tuổi lục tuần, nhưng đãi hến thuần thục, nhanh nhẹn chẳng kém người trẻ ở làng. Cả người ướt đẫm, bà Thi cầm mảnh áo khô nơi tận cổ, quẹt ngang mặt rồi kể: “Sinh ra từ làng sông nước, tôi đã có hơn nửa đời gắn bó với nghề đãi hến. Theo nghề của bố mẹ, lấy chồng cũng gắn bó với nghề, từ lâu tôi đã xem công việc này là nồi cơm, là một phần máu thịt của cuộc đời”. Thường ngày, lúc 2h sáng, khi trời còn chưa tỏ, con thuyền của gia đình bà Thi bắt đầu dong đèn, chuẩn bị cho một ngày cào hến mới. Hôm nay, điểm cào hến ở cuối sông La, nơi góp nước với sông Lam trước khi chảy về Biển Đông. Bà Thi nói, hến chỉ sống từ đây ngược về mạn thượng nguồn, còn qua xuống đến biển chỉ có con giắt - một loài nhuyễn thể có họ hàng với hến nhưng vỏ mỏng hơn, thân lép hơn.

Bà Thi tiếp câu chuyện, ngày trước người dân nghề hến còn vất vả hơn nhiều. Lấy được hến phải chèo thuyền, ngụp xuống nước dù ngày nắng hay đêm mưa giá rét. Nay có thuyền máy nhưng công việc cào hến vẫn chưa hết gian truân. Trước đây, nghề làm hến không đủ để sống, nhất là thời kỳ “gạo châu, củi quế”, nhưng không vì thế mà người dân bỏ nghề. Họ cùng cố gắng, mót từng con hến chia nhau vượt qua cơn bĩ cực. “Nghề này vất vả lắm. Lặn, ngâm mình dưới sông, không ít lần bị thương do dẫm trúng mảnh thủy tinh. Nhiều người nói bỏ nghề, nhưng rồi bỏ làm sao được. Vì nhờ nghề mà chúng tôi có cái ăn, cái mặc, con cái tìm đến cái chữ, có công việc để cả đời gắn bó. Giờ làng cũng khá lên cũng nhờ con hến”, bà Thi chia sẻ.

Cơ cực nghề đãi hến

Bà Nguyễn Thị Thi, người theo nghề đãi hến 50 năm qua

Bà Nguyễn Thị Thi, người theo nghề đãi hến 50 năm qua

Trong căn lều dựng tạm, bà Nguyễn Thị Thủy (51 tuổi), khom người, đảo tay liên tục trên chảo đang sôi sùng sục, bọt nổi trắng xoá. Người phụ nữ làm việc như một cỗ máy di động, không thừa một động tác nào, vừa thổi lửa, bỏ muối, rồi tay đảo đều….

“Nấu hến không cần đổ nước, tự nước con hến tiết ra là đủ. Để lấy ruột con hến ra cho tròn, săn đều lò phải đủ nhiệt, lửa đun sôi, trào bọt 3 lần, ruột hến sẽ tự tách ra. Nấu xong, đưa ra sông đãi lần cuối để lấy ruột”, bà Thủy nói. Cứ thế, qua đôi tay của người làm nghề gần 40 năm, từng thúng hến được tách vỏ, để lấy chút tinh tuý của đời con hến. Đổ mẻ hến vừa nấu xong ra rổ, bà Thủy chia sẻ, để tạo ra thành phẩm hến ngọt bùi, việc đứng bếp rất quan trọng. Không phải ai cũng làm được.

Hến khi làm sạch các lớp bùn, loại bỏ đá, cát sẽ được đưa vào bếp để nấu. Mỗi lần nấu 15 phút chỉ được khoảng 3kg. Bước qua bờ sông trải đầy vỏ hến, chứng tích của những cuộc mưu sinh nhọc nhằn dầm mình trên nắng, dưới nước, bà Thủy cười tươi nói: “Nhìn thế thôi, cứ 10kg hến mới được 1kg ruột. Ngày đãi cả tạ hến, tối đến đau hết phần sống lưng. Minh chứng cho sự vất vả là nhìn người có tuổi ở đây, ai cũng lưng còng sớm vì quanh năm khom mình đãi hến”.

“Bến Hến, địa danh hình thành trên 300 năm tuổi ở xã Trường Sơn, nơi có 100 hộ dân đang theo nghề. Đặc biệt hơn, ở đây còn có đền thờ ông tổ của nghề làm hến - đền Làng Cào. Nghề hến không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống, mà còn là giá trị văn hóa, lịch sử đi cùng năm tháng. Sau thời gian “giữ lửa”, phát triển nghề đãi hến, nay làng Bến Hến đã vươn lên khá giả”

Lãnh đạo xã Trường Sơn cho hay

Nghề làm hến được người dân Trường Sơn làm quanh năm, nhưng chính vụ là 3 tháng Hè. Vào mùa cao điểm, mỗi thuyền có thể cào được 6 -7 tạ hến/ngày. Hến sông La cứ như theo chu kỳ, năm nay được mùa, năm sau lại ít đi. Như năm nay, hến chắc, ngọt thịt, người dân cũng ấm lòng vì có thêm thu nhập. Nghề làm hến cũng lênh đênh như con thuyền trên sông, chỉ đến độ tháng 8 âm lịch, lũ lên, người phu hến mới được nghỉ ngơi bên gia đình. Rồi qua Tết, những con thuyền lại tiếp tục ngược xuôi để bắt đầu mùa hến mới.

Người làm nghề chia sẻ, cào hến, đi bắt hến không dễ dàng gì vì phải phụ thuộc vào con nước. Làm hến cũng không phân biệt, không tính mùa, đi ngày hay đêm. Nhưng yêu cầu đầu tiên là phải thạo bơi lội và giỏi chịu lạnh. Hến, được ví như một thứ “lộc trời” đặc biệt mà dòng La mở lòng ban phát cho bao phận người làng quê này. Người làm hến chẳng thể lý giải nổi vì sao dòng sông này nhiều hến đến thế, đến mùa cứ sinh sôi nảy nở. Nhưng điều mà ai ở quê này cũng khẳng định là hến ngọt bởi được phú từ dòng sông La bình yên, sự kết tinh từ trung du núi rừng Trường Sơn, phù sa miền đồng bằng Đức Thọ.

Vừa đãi hến bên sông, bà Phạm Hồng Thơm (40 tuổi) vui mừng khi vừa bán được mẻ hến nóng hổi cho khách xa, thu về hơn 1 triệu đồng. Bà Thơm nói, ngày may mắn thì kiếm được tiền triệu, cũng có ngày chẳng đủ bù lỗ tiền dầu. “Về đãi mà thấy hến nhiều là vui vì còn có tiền. Nhưng cũng có nhiều hôm hến ít đi, càng đãi càng buồn vì không đủ bù lỗ. Cái nghề gian nan, bấp bênh lắm. Hến tách ruột khi làm xong được bán giá từ 70-90 ngàn đồng/kg”, bà Thơm nói.

Chiều muộn, mặt trời dần khuất bóng sau dãy Trường Sơn, trên cầu Thọ Tường nhìn xuống, những phận người đang khom mình với rổ hến bên dòng La xanh mát. Từ những bếp lửa nhỏ ở làng, hến đi đến muôn nơi, theo chân thương lái ra Hà Nội, ngược vào miền Nam, tỏa đi các chợ gần xa. Văng vẳng đâu đây vọng lên tiếng rao của các mẹ, các chị “Hến ngọt, rọt nậy, đong đầy, bán rẻ ai mua …”.

(Còn nữa)

Theo Hoài Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.