Hồn quê từ những làng nghề - Bài 1: Về Trù Sơn, nghe chuyện làng nồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Được biết đến là làng gốm cổ xưa nhất xứ Nghệ, trải qua bao thăng trầm, hiện làng nồi đất Trù Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) vẫn giữ được hồn cốt quê hương, giản dị mà bền lâu. Trước nguy cơ bị xóa sổ, mai một, thì nay làng nồi đang được tiếp sức, hồi sinh.

Nghề “bán xương, nuôi thịt”

Theo hồi tưởng của những cao niên trong làng, người Trù Sơn trước đây ai sinh ra cũng sớm quen với nghề gốm. Là nghề vất vả, cực khổ nên làm gốm đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai vì mọi công đoạn làm gốm từ nhào, nặn đất đến tạo hình sản phẩm đều làm bằng tay. Ở làng nồi đất Trù Sơn, đàn ông, trai tráng chỉ đóng vai trò phụ việc. Nói là phụ nhưng làm toàn việc nặng. Đó là đi đào đất, kéo đất sét từ mạn Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) hoặc Sơn Thành (huyện Yên Thành) cách làng 8 - 10km. Đây là loại đất sét mịn, khá “trong”, ít cợn... Thông thường, khi đào sâu xuống tầm 1m mới có loại đất cần tìm, đó là đất sét trắng. Lúc ấy, xe cộ còn chưa thịnh hành, phương tiện vận chuyển chưa có, người ta thường phải dùng đôi quang gánh cuốc bộ vượt quãng đường dài hàng chục cây số mới đưa được đất về. Vai những người đàn ông làng nồi hằn vết chai sần của dây thừng kéo đất. Họ cũng là người dùng đôi tay, bàn chân nhào, giẫm đất cho nhuyễn, loại bỏ từng viên sạn nhỏ. Do đó, người dân trong làng vẫn thường xem đấy là nghề “bán xương, nuôi thịt”.

Trù Sơn được coi là làng gốm cổ xưa nhất xứ Nghệ.

Trù Sơn được coi là làng gốm cổ xưa nhất xứ Nghệ.

Một điều thú vị là từ xưa đến nay, nghề nồi đất Trù Sơn vẫn chỉ truyền cho con gái. Lý do đơn giản vì phụ nữ khéo léo, cẩn thận, nhẹ nhàng và tỉ mỉ hơn. Làm nồi đất, muốn nhanh cũng không được, phải từ từ, nhẫn nại, dùng lực không quá nhẹ cũng không quá mạnh, như vậy nồi mới tròn và có độ dày đều. Bà Nguyễn Thị Thái (xóm 12, xã Trù Sơn) lý giải: “Tôi lớn lên tầm 7, 8, tuổi bắt đầu đi khắp làng xem rồi bắt chước các mẹ, các bà làm nồi đất. Khi đó, mọi người cho tôi ngồi bên đống đất đã được nhào nhuyễn, bảo “cứ nặn cho quen tay, ra hình gì cũng được, rồi họ sửa cho. Thế là tôi học được nghề và làm hơn 40 năm đến bây giờ”.

Để tạo nên một sản phẩm của làng gốm Trù Sơn cần nhiều công đoạn. Đất đã

Các công đoạn làm ra 1 sản phẩm nồi đất hoàn toàn bằng tay.

Các công đoạn làm ra 1 sản phẩm nồi đất hoàn toàn bằng tay.

nhồi kỹ sẽ được cho lên bàn xoay để tạo ra những hình dáng thô sơ ban đầu của những chiếc nồi, chiếc niêu. Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật trơn và đem đi phơi nắng, rồi đưa vào lò nung. Để nung gốm, người ta thường đắp những lò nung ngoài trời, không hề có mái che đậy và được đắp rất đơn sơ. Nung gốm là khâu quan trọng nhất quyết định đến thành công và chất lượng của sản phẩm. Một mẻ nung gốm như vậy được khoảng 250 - 300 chiếc nồi, niêu. Sau khi được xếp vào trong lò hình tam giác xây bằng đá ong, gốm được nung bằng lá thông, bên ngoài có một lớp rơm để giữ nhiệt. Một mẻ gốm như vậy được nung liên tục suốt 4-5 tiếng mới hoàn thành. Tuy nhiên để gốm chín đều, người thợ phải biết cách “xem lửa” mới biết thời điểm nào là cần phải dừng nung. Nồi nung lên qua lửa đỏ sẽ cho ra màu đỏ - hồng như màu bình minh rất đẹp. Nhưng nhược điểm chính của những lò nung gốm ngoài trời là gặp trời mưa to, nồi đất hỏng thì người dân làm gốm chỉ “biết khóc”.

Mở ra hướng đi mới

Những đôi tay tài hoa, khéo léo tạo nên những tác phẩm gốm Trù Sơn độc đáo.

Những đôi tay tài hoa, khéo léo tạo nên những tác phẩm gốm Trù Sơn độc đáo.

“Ai vô Trù Ú mà coi/Cái nghề nồi đất truyền bao nhiêu đời...” câu ca dao xưa phần nào nói lên truyền thống lâu đời của nghề gốm cổ ở Trù Sơn. Qua bao thăng trầm, người dân Trù Sơn vẫn miệt mài bám trụ với nghề như một sự tri ân tổ tiên. Thực tế đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân từ bao đời, trẻ em trong làng được nuôi ăn học cũng từ tiền bán nồi đất. Điều đặc biệt của nồi đất làng Trù Sơn không cầu kỳ nhiều hình dáng, chỉ đơn giản gồm: Nồi nấu cơm, đồ xôi, ngâm giá đỗ, kho cá, sắc thuốc… với kích cỡ to nhỏ khác nhau. Nay có thêm chậu hoa, ống đựng tiền tiết kiệm nhưng số lượng ít. Cũng vì làm thủ công, không pha trộn nguyên liệu nên nồi đất làng Trù Sơn vẫn mộc mạc với màu vàng đỏ, mỏng nhẹ, độ bền cao, giữ nguyên hương vị thức ăn khi nấu. Có lẽ, tính thông dụng đã làm nên sức sống bền bỉ của nồi đất xứ Nghệ.

Ông Nguyễn Thụy Chính – Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, sắp tới làng nghề sẽ được UBND huyện Đô Lương quy hoạch, đầu tư theo hướng vừa sản xuất vừa phục vụ tham quan, du lịch, trải nghiệm. Kế hoạch đã được duyệt, phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn tất và đưa vào phục vụ du lịch. Đây sẽ là “bệ đỡ” lớn đối với làng nồi đất Trù Sơn.

Tuy nhiên, nghề làm nồi đất chỉ còn dành cho người từ tuổi trung niên tại xã Trù Sơn, bởi lớp trẻ hầu hết đã không còn đam mê với cái nghề vất vả, lam lũ này. Chị Nguyễn Thị Xuân, một hộ làm nồi đất truyền thống ở Trù Sơn chia sẻ: “Nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, tuy được duy trì nhưng mang lại thu nhập không cao do vậy lớp trẻ không mặn mà với nghề. Con cái đi làm ăn xa cả, lúc nông nhàn gia đình tôi làm thêm các sản phẩm nồi đất bán để góp phần trang trải cuộc sống”. Trước đây, do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm nên mỗi tháng gia đình chị Xuân chỉ nung được từ 1-2 lò, bình quân mỗi lò làm ra 300 sản phẩm nồi đất rồi dùng xe thồ chở đi rao bán khắp nơi, rất vất vả mà thu nhập đem lại thấp. Nhưng nay, sản phẩm nồi đất làm ra được khách hàng nhiều tỉnh đến tận nhà thu mua rất thuận lợi. Nhờ đó, mỗi tháng gia đình chị Xuân nung 4-5 lò, đem lại thu nhập gần 30 triệu đồng/tháng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động.

Để tìm hướng đi cho việc bảo tồn nghề nồi đất truyền thống của xứ Lường - Đô Lương, năm 2024, có 5 người dân ở Trù Sơn được mời ra biểu diễn cách thức làm gốm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Cũng tại đây, đã có một cuộc hội thảo về phục hồi, duy trì và phát triển nghề làm gốm Trù Sơn được tổ chức. Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề huyện Đô Lương phối hợp với Phòng Công Thương huyện cũng có đề án khôi phục các làng nghề, trong đó có làng gốm cổ Trù Sơn. Nhờ vậy, nghề nồi đất của Trù Sơn dần được khôi phục với hàng trăm lao động theo nghề. Không chỉ vậy, những năm gần đây, đến dịp Giáng sinh, người dân Trù Sơn đã dựng một cây thông khổng lồ được xếp bằng hàng ngàn chiếc nồi đất. Ngay sau khi được dựng lên, hình ảnh cây thông bằng nồi đất của làng nghề đã tràn ngập các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông. Chính bằng hình thức này, hình ảnh về làng nghề đã lan tỏa khắp nơi xa gần đều biết đến làng nồi đất Trù Sơn.

Bà Phạm Thị Sự, người có thâm niên 50 năm làm nồi đất ở Trù Sơn chia sẻ: “Nghề này gắn bó với tôi từ thuở lên 6 tuổi đến nay. Tuy nhọc nhằn, vất vả nhưng nó đã trở thành cái nghề kiếm sống và giúp gia đình tôi có thu nhập ổn định, nuôi được 4 người con ăn học nên người”.

(còn nữa)

Theo Cảnh Huệ (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.