Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủy lợi Ea Kao, Krông Búk hạ hay Thủy điện Dray H’linh và nhiều công trình trên đường hành tiến chinh phục năng lượng là dấu ấn sinh động của tinh thần dám nghĩ, dám làm; là niềm tự hào về sự chung sức đồng lòng, sáng tạo; sự vĩ đại, phi thường dùng sức người để trị thủy, thu gió, gom nắng.

Song hành cùng bài toán lương thực là những quyết sách đi tìm chìa khóa giải mã, chinh phục nguồn năng lượng của thiên nhiên. Không phải trong truyền thuyết, những Sơn Tinh, Thủy Tinh đào đất, đập đá, trị thủy, thu gió, gom nắng là có thật để làm nên những công trình, tạo cơ đồ một ngành công nghiệp năng lượng nhiều tiềm năng ở Đắk Lắk.

Thời điểm mới giải phóng, cả thị xã Buôn Ma Thuột không có một công trình thủy lợi và không có một héc ta lúa đông xuân nào (trừ một đập bê tông nhỏ ngăn nước trên thượng nguồn con suối Ea Knir và khoảng dăm héc ta lúa nước tháng 3 dùng cho việc nghiên cứu của Trường Nông lâm súc). Vào mùa khô, nương rẫy gần như đồng khô cỏ cháy.

Trị thủy

Tháng 4/1978, Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm và làm việc tại Đắk Lắk. Trong bài nói chuyện, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: Trong công cuộc phát triển kinh tế ở Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên, quan trọng số một là giải quyết vấn đề nước. Có nước là có định canh, có những vùng dân cư mới; có nước là có lương thực, thực phẩm; có nước là có thâm canh và năng suất cao; phát động phong trào quần chúng làm thủy lợi nhỏ và vừa.

Từ chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, trong hai năm 1978 - 1979, tỉnh đẩy mạnh công tác khai hoang, mở rộng diện tích canh tác đi đôi với làm thủy lợi. Với 60 công trường, tiêu biểu như Buôn Trấp, Ea Chai, Điện Bàn, Ea Yiêng, Ea Kuăng, Hòa Tiến, Ea Kao, tỉnh đã khai hoang, làm thủy lợi, khai phá được trên 50.000 ha…

Có một công trình nằm trong lòng Buôn Ma Thuột hôm nay được ra đời trong giai đoạn ấy, đó là hồ chứa nước Ea Kao. “Sẽ làm một Vônga – Đông ở Buôn Ma Thuột” (Vônga – Đông là công trình kênh đào vĩ đại của Liên Xô trước đây), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn An Vinh hồi tưởng và lúc đó đã ví, đặt tên cho công trình ấy như thế.

Chinh phục, chuyển dòng những con suối Ea Kao, Ea Knir; đắp đập, đào kênh cho nước dâng lên trong cái “bụng” tạo thành một hồ chứa rộng vài ba trăm héc ta; công cụ chính là sức người - cao điểm có đợt tới hơn 6.000 người tham gia lao động, sau khoảng 3 năm (từ năm 1976 - 1978), công trình thủy lợi Ea Kao được hoàn thành. Công trình đã dẫn dòng nước mát tưới cho hàng trăm héc ta lúa nước, cà phê, rau màu và các cây trồng khác của các xã Ea Kao, Hòa Khánh, Hòa Phú, Khánh Xuân.

Đến năm 1990, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hơn 500 công trình thủy lợi lớn nhỏ, tưới tiêu cho 20.000 ha lúa đông xuân và hơn 3 vạn ha cây công nghiệp.

Hồ Ea Kao không chỉ là một công trình thủy lợi quan trọng mà còn là thắng cảnh đẹp trong lòng Buôn Ma Thuột.

Hồ Ea Kao không chỉ là một công trình thủy lợi quan trọng mà còn là thắng cảnh đẹp trong lòng Buôn Ma Thuột.

Cũng những năm sau giải phóng, Đắk Lắk thiếu điện trầm trọng. Điện đóm phập phù, cả thị xã Buôn Ma Thuột chỉ có mấy chiếc máy nổ chạy dầu, công suất chưa tới 4.000 kW, không đủ thắp sáng. Vào những năm 1980, Nhà máy Thủy điện Dray H'linh được Bộ Năng lượng thiết kế 3 tổ máy, tổng công suất 12.000 kW. Nhưng không có đơn vị nào thuộc ngành điện nhận thi công bởi đây là một công trình thi công ở nơi toàn đá; xa dân cư, bốn bề rừng núi, sông nước, đường đi chỉ có thể dùng xe thô sơ; thêm vào đó là sự chống phá của FULRO.

Những người lính Sư đoàn 470 vốn “sở trường” làm cầu, làm đường đã mạnh dạn đảm nhận thi công công trình này với "vũ khí" hiện đại, bền bỉ nhất lúc đó theo cách gọi dí dỏm của Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 là… sức người. Sức người và sự dẻo dai đến mức phi thường khi ăn uống kham khổ, chủ yếu bo bo, hạt bắp, củ sắn, sốt rét thì hoành hành. Ấy vậy mà hơn 2.000 ngày đêm lao động quên mình, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 470 đã chinh phục được một phần năng lượng từ dòng sông Sêrêpốk làm nên công trình thủy điện lớn đầu tiên ở Tây Nguyên.

Từ chỗ không có công trình thủy lợi nào, đến năm 1990, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hơn 500 công trình thủy lợi lớn nhỏ và đến nay, con số đó đã nâng lên 856 công trình. Tính đến tháng 4/2024, Đắk Lắk có 19 dự án nhà máy điện gió và thủy điện, với tổng công suất 880,6 MW được đưa vào vận hành đến năm 2030.

Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá nay đã bước sang tuổi 90 nhưng ông vẫn nhớ rành rọt từng dấu mốc của công trình này: Tổ máy số 1 vận hành phát điện vào tháng 10/1989; tổ máy số 2 phát điện ngày 19/5/1990; sau đó 5 tháng vào ngày 15/10/1990 tổ máy số 3, tổ máy cuối cùng của Nhà máy Thủy điện Dray H’linh chính thức vận hành. Mồ hôi như sông như bể và cũng có cả những mất mát khi 13 cán bộ, chiến sĩ, rất nhiều trong số họ chỉ độ tuổi 18, 20 đã mãi mãi nằm lại nơi ấy, góp tuổi xanh đem dòng điện sáng đến buôn làng.

Thu gió, gom nắng

Những công trình mang ý nghĩa lịch sử đã mở đường, tạo động lực để Đắk Lắk tiến công mạnh mẽ hơn trên mặt trận công nghiệp năng lượng. Đắk Lắk có tiềm năng phát triển điện gió đạt quy mô công suất khoảng 10.000 MW; tập trung ở các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ với vận tốc gió trung bình hằng năm từ 6m/s trở lên để phát triển dự án. Tiềm năng phát triển điện mặt trời đạt quy mô công suất khoảng 16.000 MWp, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’leo với bức xạ nhiệt trung bình khoảng 4,7 – 5 kWh/m2/ngày…

Nắm bắt những tiềm năng này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 15/7/2020 về “Phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của tỉnh về phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh, với mục tiêu giai đoạn 2020 – 2030 tổng công suất điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt khoảng 5.000 – 7.000 MW, chiếm khoảng 26,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo quốc gia, đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng vùng Tây Nguyên.

Chinh phục nắng gió, những năm gần đây, trên địa bàn huyện biên giới Buôn Đôn đã có nhiều công trình, dự án điện năng lượng mặt trời. Nổi bật như các dự án Sêrêpôk1 - 50 MW; Quang Minh - 50 MW, Jang Pông - 10 MW... Đặc biệt, theo chương trình khuyến khích kêu gọi đầu tư của ngành điện, đến nay toàn huyện có hàng trăm hộ gia đình, trang trại đã đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái nhà với công suất khoảng 20 MW, bước đầu đáp ứng được nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, phần còn dư phát lên lưới bán lại cho ngành điện, giúp tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Dự kiến, phát triển năng lượng tái tạo của huyện giai đoạn 2021 - 2030 sẽ đạt khoảng 3.000 MW.

Huyện Buôn Đôn có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời.

Huyện Buôn Đôn có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời.

Nằm ở thôn 15, xã Ea Bar, Trang trại chăn nuôi công nghệ cao Thiện An có quy mô khoảng 8.000 m2. Ông chủ trang trại Nguyễn Duy Hoài cho hay, nơi đây từng là khu vực thiếu điện, nhưng kể từ khi trang trại ra đời, bài toán năng lượng và cả sinh kế đã được giải quyết. Nắm bắt chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, ông Hoài thực hiện dự án chăn nuôi gà công nghệ cao, kết hợp xây dựng hệ thống điện áp mái với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Không chỉ “thu nắng”, tiết kiệm tiền điện, hệ thống điện áp mái còn chống nóng cho hệ thống trang trại. Trung bình mỗi năm, trang trại đạt tổng doanh thu khoảng 1,8 – 2 tỷ đồng tiền bán điện và 1,8 tỷ đồng từ nuôi gà.

Đầu tư điện áp mái, kết hợp chăn nuôi vườn – ao – chuồng là hướng đi mà gia đình anh Nguyễn Đình Khanh (buôn Ea Mtha 1A, xã Ea Nuôl) thực hiện từ năm 2020. Theo anh Khanh, nguồn điện sẵn có sau khi đầu tư diện tích 600 m2 tấm pin năng lượng mặt trời đã giúp quá trình chăm sóc, cải tạo vườn – ao – chuồng thuận tiện hơn rất nhiều. Không chỉ tiết kiệm tối đa chi phí tiền điện, mà gia đình còn có thêm nguồn thu từ tiền bán điện 30 – 36 triệu đồng/tháng.

Những quyết định mang tính chiến lược đã khai sinh nhiều công trình có ý nghĩa dân sinh ngay từ thời kỳ sau giải phóng còn ngổn ngang, chồng chất gian khó. Thủy lợi Ea Kao, Krông Búk hạ hay Thủy điện Dray H’linh và nhiều công trình trên đường hành tiến chinh phục năng lượng là dấu ấn sinh động của tinh thần dám nghĩ, dám làm; là niềm tự hào về sự chung sức đồng lòng, sáng tạo; sự vĩ đại, phi thường dùng sức người để trị thủy, thu gió, gom nắng.

(Còn nữa)

Theo Đàm Thuần – Đỗ Lan - Quỳnh Anh (Báo Đắk Lắk)

----

Kỳ cuối: “Tìm ngọc trong hạt vàng nâu”

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.