Vợ Ukraine hơn 20 năm đến Việt Nam chăm chồng đột quỵ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Kiev, Ukraine, nhưng hơn 20 năm qua, bà Svetlana đã chọn rời quê hương để đến Việt Nam sinh sống.

Vì chữ tình, chữ nghĩa và trên hết là tình yêu của người vợ dành cho người chồng không may bị đột quỵ, vượt qua nhiều khó khăn, bà Svetlana chưa bao giờ ngừng nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp, mang hy vọng cả gia đình cùng quay trở lại thăm Kiev.

Ngần ấy năm ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà

Hơn 4 năm nay, dù là ngày nắng, hay ngày mưa, bà Svetlana, 59 tuổi, quốc tịch Ukraine đều mang đồ ăn đến cho chồng mình là ông Nguyễn Văn Thắng, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội.

Hơn 20 năm bà Svetlana ở Việt Nam cũng là hơn 20 năm ông Thắng ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, vài lần thập tử nhất sinh, 4 lần bị đột quỵ, 2 lần liệt toàn thân. Lần gần đây nhất vào tháng 2/2021, ông bị suy tim, tụ máu não, chuẩn bị phẫu thuật lại bị tai biến ngay tại bệnh viện. Ông hôn mê sâu, bác sĩ định trả về nhà để gia đình lo hậu sự nhưng bà Svetlana đã không bỏ cuộc. Bà tìm mọi cách để chạy chữa cho chồng. Bằng sự kiên trì, chăm chút của vợ, đến nay sức khỏe ông Thắng đã ổn định hơn trước.

Bà Svetlana kể lại cuộc hôn nhân định mệnh của mình.

Bà Svetlana kể lại cuộc hôn nhân định mệnh của mình.

Có lẽ, nhiều bác sĩ, bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội đã quen với hình ảnh người phụ nữ ngoại quốc hằng ngày chăm sóc người chồng bị đột quỵ, đẩy chiếc xe lăn giúp chồng dạo quanh khuôn viên bệnh viện, trò chuyện cùng chồng, cho chồng uống sinh tố...

“Tôi thường đến bệnh viện vào khoảng 2 giờ chiều, đây là khoảng thời gian chồng tôi vừa ngủ dậy. Tôi cho chồng uống sinh tố. Vào những ngày thời tiết đẹp, chúng tôi sẽ đi dạo quanh khuôn viên bệnh viện. Tôi luôn có chuyện để kể cho chồng nghe, rồi cùng tập những bài thể dục vận động tay chân để chồng tôi thấy khỏe khoắn hơn mỗi ngày. Tôi không hề cảm thấy vất vả, anh Thắng là người thân của tôi, việc chăm sóc anh là trách nhiệm của tôi, tôi không muốn anh ấy cảm thấy bị bỏ rơi...” - bà Svetlana chia sẻ.

Cách bà Svetlana chăm sóc ông Thắng cũng rất đặc biệt. Không thể tự ăn, hay nhai, mọi đồ ăn của ông Thắng đều phải xay nhuyễn, sau đó, bà Svetlana dùng ống tiêm hút đồ ăn cho vào miệng ông. Dù vất vả, nhưng bà đã quá quen với việc chăm sóc chồng mỗi ngày, luôn kiên trì, nhẹ nhàng để chồng có thể tiếp nhận đồ ăn. Mỗi bữa ăn của ông Thắng đều là do tự tay bà nấu, vì ông Thắng bị tiểu đường nên phải có chế độ ăn đặc biệt.

Cứ như vậy, mỗi ngày, sau khi mang đồ ăn vào bệnh viện cho chồng, cùng chồng tập phục hồi chức năng, bà Svetlana lại trở về nhà, còn ông Thắng ở lại bệnh viện sẽ có người chăm sóc riêng. Việc thuê người chăm sóc và viện phí từ năm này qua năm khác, cũng là một khoản tiền lớn khiến bà Svetlana không khỏi lo lắng.

Ảnh chụp lễ kết hôn của hai ông bà tại Kiev, năm 1990.

Ảnh chụp lễ kết hôn của hai ông bà tại Kiev, năm 1990.

Tình yêu xuyên lục địa

Tình yêu của ông Nguyễn Văn Thắng và bà Svetlana Nguyen bắt đầu từ năm 1988, lúc đó ông Thắng là một du học sinh năm cuối, còn bà Svetlana là cô nhân viên bán hàng cà phê tại canteen Cục Hải quan thành phố Kiev. Trong một lần đến canteen để gửi đồ về nhà, ông Thắng đã say mê người con gái Ukraine ngay từ lần đầu gặp mặt bởi nụ cười ấm áp. Nhiều lần, ông lấy cớ tới nơi bà Svetlana làm việc để tặng bà thanh chocolate và quả táo cùng với nỗi nhớ nhung của mình.

Tình yêu xuyên lục địa của họ đã trải qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự ngăn cản của mẹ bà Svetlana, bởi khoảng cách địa lý giữa Kiev đến Hà Nội là hàng nghìn cây số.

Vượt mọi cấm cản, sự quyết tâm với tình yêu của họ đã được đền đáp bằng một đám cưới sau 2 năm quen biết. Vào năm 1990, hôn lễ của họ được tổ chức trang trọng, đủ đầy so với thời điểm đó.

Sau 10 năm sinh sống tại Ukraine, cặp đôi đã có 3 người con, 2 trai và 1 gái.

Bà Svetlana chăm sóc chồng tại bệnh viện.

Bà Svetlana chăm sóc chồng tại bệnh viện.

Biến cố cuộc đời

“Chúng tôi chung sống cùng nhau ở thành phố Kiev, sau đó chồng tôi chuyển qua học thạc sĩ tại Moscow, Nga. Vào mỗi cuối tuần, tôi và các con lại đến thăm anh. Những tưởng cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, nhưng đến năm 2000, công việc của anh Thắng không còn thuận lợi như trước, sau nhiều lần bàn bạc, anh và con gái đầu (9 tuổi) đã về Việt Nam để anh tìm cơ hội làm ăn, hứa rằng công việc ổn định sẽ đón tôi và 2 con trai sang đoàn tụ. Thế nhưng, chỉ một năm sau, anh Thắng bị đột quỵ, liệt toàn thân. Nhận được tin, tôi như “sét đánh ngang tai”...” - bà Svetlana chia sẻ.

Những ngày đầu đến Việt Nam. Khó khăn chồng chất khó khăn... Nhưng, với bà, đến Việt Nam không phải là một sự lựa chọn, cũng không phải một quyết định, mà là số trời đã định, bà quyết tâm đến Việt Nam sống để chăm lo cho chồng.

Hồi tưởng lại sự cố hơn 20 năm trước, bà Svetlana vẫn chưa thể quên được những lo lắng, sự bế tắc khiến bà gần như rơi vào tuyệt vọng. Sau khi nhận tin, bà quyết định mua vé máy bay sang Việt Nam để gặp chồng. Từ đó đến nay, bà mới chỉ quay trở về Ukraine một lần duy nhất để bán ngôi nhà cũng như tài sản của mình và đưa các con sang Việt Nam sinh sống.

“Lúc mới đến Việt Nam, tôi không biết bất cứ thứ gì. Tôi không thể tự đi lại, cũng không biết tiếng Việt nên mọi thứ đều rất khó khăn. Lúc đó, 2 đứa lớn nhà tôi cần phải đi học, chồng tôi ốm đau nên rất cần tiền, nhưng tôi lại không thể đi làm vì con trai út còn quá nhỏ, tôi cũng không thể giao tiếp nên khó để tìm việc. Vì vậy, tôi phải tiết kiệm từng đồng để gia đình có cái ăn, cái mặc. Nghĩ lại thời điểm đó, tôi không biết vì sao mình có thể vượt qua” - bà Svetlana cho biết.

Cũng vào khoảng thời gian hơn 20 năm trước, vào lần đầu ông Thắng bị đột quỵ, ông bị liệt, phải nằm rất lâu nên các cơ xương co cứng. Hằng ngày bà Svetlana dậy rất sớm nấu ăn cho cả nhà rồi ngồi xoa bóp chân tay để chồng đỡ đau nhức. Để đưa chồng xuống ghế ngồi, người vợ phải dùng hết sức xốc lên vai rồi di chuyển từng bước nhỏ. Mỗi lần như thế bà phải xoay xở hàng chục phút, người đẫm mồ hôi.

Gần 35 năm về chung một nhà thì 23 năm sức khỏe của ông Thắng không ổn định, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà với vợ con. May mắn là bên cạnh ông Thắng luôn có người vợ tần tảo, chưa bao giờ bỏ cuộc vì người chồng Việt Nam và những đứa con.

“Hiện sức khỏe của chồng tôi đã ổn định hơn trước rất nhiều. Dù vẫn phải ngồi xe lăn, không thể tự ăn uống, sinh hoạt, nhưng anh hiểu được những gì tôi nói, rất hợp tác với vợ để ăn uống và tập luyện. Gần đây anh còn tập viết, đã viết được tên tôi và các con, tôi rất hạnh phúc vì điều đó” - Bà Svetlana cho biết.

Quán ăn Liên Xô nuôi sống cả gia đình

Để có tiền chạy chữa cho chồng và nuôi các con ăn học, bà Svetlana đã mở một quán bán đồ ăn Nga trên phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Quán có tên là CCCP - viết tắt của “Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xôviết” theo tiếng Nga. Không gian quán, cách trang trí và đồ ăn đều mang đặc trưng của Liên Xô cũ.

Gia đình mong được đoàn tụ sau những năm ông đau ốm liên miên.

Gia đình mong được đoàn tụ sau những năm ông đau ốm liên miên.

Thời điểm năm 2004, hơn 2 năm chồng ốm, tiền tiết kiệm cũng dần cạn kiệt. Nhà chồng cho một căn hộ tập thể ở phố Ngọc Khánh, bà chia đôi một nửa để ở, một nửa mở quán bán cà phê. Cả nhà gom góp được vài trăm nghìn mua chiếc tủ lạnh cũ, đường và cà phê cũng được bạn bè giúp đỡ. Không có tiền thuê nhân viên, 2 con lớn đang học cấp 2 phải dành nửa buổi phụ giúp mẹ bán hàng.

Quán cà phê nhỏ của bà chủ người Ukraine thỉnh thoảng đón tiếp đồng hương và những người học tập tại Liên Xô cũ ghé qua. Vài lần sau đó, bà Svetlana mời họ những món ăn bà tự nấu, được khen ngon, họ gợi ý nên bán thêm những món ăn của quê hương. Thực đơn của quán dần được hình thành và thêm thắt theo nhu cầu của khách.

Từ khi quán ăn được mở rộng, cuộc sống gia đình 5 người cũng bớt khó khăn. Thu nhập từ quán cũng giúp bà Svetlana nuôi 3 con trưởng thành, đều học đại học. 2 con lớn của bà hiện đã lập gia đình và có công việc riêng, còn cậu út hiện theo học tại Canada.

Hiện tại, bà Svetlana đã không còn quá trăn trở về việc kiếm tiền bởi nhà hàng hoạt động ổn định, các con đã có cuộc sống riêng. Ước mong của bà là ông Thắng sẽ có sức khỏe tốt, có thể khỏe lại để cùng bà trở về nhà, gia đình cùng đoàn tụ khi tuổi già.

“Mong muốn lớn nhất của tôi có lẽ là sức khỏe của chồng. Tôi mong chồng khỏe mạnh để có thể về nhà chung sống cùng tôi và các con. Tôi mong những đứa con của tôi biết dung hòa yêu thương, chăm chút cho nhau. Còn về công việc, tôi cũng có dự định kinh doanh thêm, mở rộng quán ăn hiện tại vì tôi cảm thấy tôi vẫn còn rất nhiều sức để làm” - bà Svetlana chia sẻ.

Hơn 20 năm có thể đủ để thay đổi diện mạo của một thành phố, cùng có thể thay đổi số phận của một con người, nhưng với người phụ nữ Ukraine ấy, điều không thay đổi là tình yêu dành cho người chồng của mình. Một tình yêu xuyên biên giới.

Bà cũng có một ước nguyện là có thể một lần cùng chồng và những người con trở về thăm Kiev, quê hương của bà, và cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của cuộc hôn nhân định mệnh.

Theo Hà Sương (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.