Vợ chồng ngư phủ ở Thung lũng Hồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa vùng Thung lũng Hồng thơ mộng, vợ chồng ngư phủ Nguyễn Văn Đức (phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã gắn bó với nghề chài lưới hơn chục năm qua. Ngoài việc mưu sinh, anh chị còn giới thiệu sản vật vùng sông Ba trù phú đến với mọi miền Tổ quốc.

Chật vật mưu sinh

Sinh ra ở vùng quê nghèo bên bờ sông Mã (tỉnh Thanh Hóa), anh Đức luôn nung nấu ước mơ đổi đời. Trong một lần đi thăm họ hàng tại thị xã Ayun Pa, anh đã quyết tâm vào Tây Nguyên lập nghiệp.

Anh tâm sự: “Ở ngoài quê, tôi đi làm công nhân xây dựng rồi xưởng làm đá mỹ nghệ nhưng công việc lúc có lúc không. Gia đình lại không có vườn tược nên tôi quyết định đưa cả nhà vào Gia Lai sinh sống. Thời điểm đó, con trai lớn mới 2 tuổi, nhưng vợ chồng đồng lòng xây dựng cuộc sống ở vùng đất mới nên bồng bế nhau vào đây”.

Cuộc sống của vợ chồng anh Đức là những tháng ngày lênh đênh trên thuyền. Ảnh: Lê Gia

Cuộc sống của vợ chồng anh Đức là những tháng ngày lênh đênh trên thuyền. Ảnh: Lê Gia

Với số vốn liếng ít ỏi, vợ chồng anh Đức chỉ đủ mua một mảnh đất nhỏ. Trên đám đất ấy, anh dựng 6 chiếc trụ bằng gỗ, bên trên lợp tôn, còn xung quanh thì quây những tấm bạt vừa sơ sài làm nơi sinh sống của gia đình. Mỗi khi mưa to, gió lớn, căn nhà xiêu vẹo, không chịu đựng nổi những cơn gió giật. Có lần giữa đêm, cơn gió to khiến nhà tốc mái, anh chị và con nhỏ dầm mình giữa mưa gió bão bùng. Không ít lần thiếu ăn, vợ chồng anh phải vào làng bên cạnh để xin cơm cho con.

Tuy khổ sở nhưng anh chị vẫn quyết định bám trụ lại với vùng đất ngã ba sông. Một thời gian sau, anh chị quyết định thầu lại một cái ao nuôi cá. Hàng ngày, anh Đức đi chăn vịt thuê, còn chị Nguyễn Thị Sen (vợ anh) địu con đi cắt cỏ cho cá. Khi có lưng vốn, vợ chồng anh quyết định mở quán ăn. Cuộc sống dần ổn định, chỗ ở tạm bợ được thay bằng căn nhà khang trang.

Tưởng chừng cuộc sống sẽ bước sang trang mới thì chị Sen bị bệnh viêm tuyến giáp và tràn dịch màng tim. Suốt nhiều tháng trời, cả nhà đùm túm khắp các bệnh viện. Để có tiền chi trả viện phí, anh Đức buộc phải bán căn nhà vừa mới xây. Một lần nữa, vợ chồng anh rơi vào cảnh tay trắng và trở về ở trong căn nhà ọp ẹp diện tích khoảng 20 m2. Lần này, anh Đức mua xe ngựa chở khách. Song do khách ít nên nghề này chỉ duy trì một thời gian ngắn.

Trong lúc anh Đức đang còn loay hoay tìm kế mưu sinh thì năm 2012, đập tràn thủy điện Đăk Srông 3A được xây dựng trên sông Ba. Anh nghĩ ngay đến việc mưu sinh bằng nghề chài lưới. Từ khi có đập tràn, lưu vực sông được trải rộng, các loại tôm cá từ sông Ba theo con nước tập trung ở khu vực này. Anh Đức khăn gói về quê mua hàng chục tấm lưới rồi đóng một con thuyền nhỏ bằng tôn để theo nghề.

Gắn đời mình với con nước sông Ba

Vợ chồng ngư phủ Nguyễn Văn Đức miệt mài với những tấm lưới trải dọc sông Ba ở vùng Thung lũng Hồng. Ảnh: L.G

Vợ chồng ngư phủ Nguyễn Văn Đức miệt mài với những tấm lưới trải dọc sông Ba ở vùng Thung lũng Hồng. Ảnh: L.G

Lớn lên bên dòng sông Mã, song anh Đức chưa một lần thử sức với nghề đánh cá. Do đó, khi chọn nghề này trên sông Ba, vợ chồng anh không khỏi bỡ ngỡ. Chị Sen kể: “Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên thả lưới bị nước cuốn trôi hết. Nhiều lần, phù sa cuộn về vùi lưới xuống lòng sông, chồng tôi tiếc của, lặn xuống mò lên thì rách hết không dùng được nữa. Có hôm trời nổi giông gió, thuyền bị lật, vợ chồng rơi xuống nước. Tôi hoảng hốt bám được vào can nước, còn anh ấy ráng bơi bám vào một gốc cây. Thất bại, tay trắng, vợ chồng lại bỏ lên bờ đi làm thuê. Nhưng sau đó chúng tôi quyết tâm làm lại nghề cá”.

Lâu dần thành quen và sông nước không phụ công người. Từ tờ mờ sáng, vợ chồng anh Đức chèo chiếc thuyền nhỏ lênh đênh đi gỡ gần 80 tấm lưới. Vào mùa nước lớn, mỗi mẻ lưới kéo lên, tôm cá lao xao, anh chị bắt hàng chục ký cá chốt, cá bống tượng, tôm tép… Mùa nước cạn, anh chị cũng thu 3-4 kg cá tôm các loại.

Lâu nay, cá chốt sông Ba được xem là đặc sản. “Cá chốt ở Thung lũng Hồng có giá cao hơn nơi khác bởi thịt thơm, dai và ngọt, thực khách rất ưa chuộng. Du khách đến đây đều được người dân địa phương thết đãi loại cá này nên gia đình bắt được bao nhiêu đều tiêu thụ hết. Tùy loại và kích cỡ cá mà có giá từ 150 đến 250 ngàn đồng/kg”-anh Đức hồ hởi chia sẻ.

Nhờ chắt chiu tích góp, anh đã mua được chiếc ca nô để làm nghề. Cũng nhờ chiếc ca nô này, vợ chồng anh có thêm nghề cào hến bằng máy. Theo anh Đức, từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, hến ở thượng nguồn tập trung về khu vực này tìm thức ăn. Do ở nơi nước chảy, thức ăn phong phú, hến ở Thung lũng Hồng béo, nhiều thịt và không bị hôi mùi rong nên thường có giá cao. Những khi nước cạn, ca nô ngược dòng lên cả sông Tul để bắt hến. Mỗi ngày miệt mài cào hến từ sáng tới chiều, vợ chồng anh Đức thu khoảng 4-5 tạ. Tất cả hến đều được thương lái thu mua tại bờ.

Chị Sen rạng rỡ với chiến lợi phẩm thu được từ một mẻ lưới. Ảnh: Lê Gia

Chị Sen rạng rỡ với chiến lợi phẩm thu được từ một mẻ lưới. Ảnh: Lê Gia

Nghề chài lưới đã mang đến cho gia đình anh Đức nguồn thu nhập ổn định. Anh Đức cho hay: “Cũng nhờ nghề này mà vợ chồng tôi nuôi 3 con ăn học tới nơi tới chốn. Tôi cũng mua được mảnh đất, sửa sang lại căn nhà khang trang, không phải lo mỗi khi trời mưa to gió lớn nữa.

Mấy năm gần đây, tối tối, vợ chồng tôi đều ngủ lại trên ca nô để sáng sớm gỡ lưới luôn, lâu dần thành “nghiện” giấc ngủ trên sông với làn gió mát rượi. Giờ bảo lên bờ về nhà ngủ có khi lại không quen, chỉ thích ở dưới sông nổi trôi, chòng chành như vậy”.

Đổi đời nhờ nghề chài lưới nên vợ chồng anh Đức cũng rất trăn trở với dòng sông Ba. Chị Sen thổ lộ: “Sống với nghề này nên chúng tôi không bao giờ dùng kích điện bắt cá, cá nhỏ khi mắc lưới thì được thả ra. Hiện nay, một số người dùng kích điện để tận diệt khiến tôm cá ngày càng ít. Có lẽ nhiều năm sau, những loại đặc sản như cá chốt sông Ba sẽ không còn với kiểu đánh bắt tận diệt”.

Bà Cao Thị Hoa-Chủ quán cơm 48 (đường Ngô Quyền, thị xã Ayun Pa): “Chúng tôi thu mua tất cả cá chốt mà vợ chồng anh Nguyễn Văn Đức đánh bắt được trên sông Ba. Cá chốt nướng, kho, nấu canh chua… mọi người đều ưa chuộng. Có người còn đặt gửi cá tươi lên TP. Pleiku hay gửi đi TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi cảm ơn những ngư dân như vợ chồng anh Đức để mọi người đến với vùng này được thưởng thức đặc sản của dòng sông Ba”.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.