Ký ức một thời binh lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những người lính Cụ Hồ năm xưa chẳng thể nào quên những tháng năm cống hiến tuổi thanh xuân cho cách mạng, chiến đấu vì độc lập dân tộc. Những dòng hoài niệm in sâu, rưng rức trong lòng mỗi người khi nhắc đến ký ức về thời binh lửa.

Nhớ đồng đội

Cựu chiến binh Lê Văn Thọ (79 tuổi), ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), nhớ mãi những câu chuyện ông từng trải qua trong thời chiến. Ông Thọ từng 3 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Năm 1965, ông Thọ là trinh sát đặc công được Quân khu 5 tăng cường về Trung đoàn 1. Có lần, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ chuẩn bị để đánh quân địch ở sân bay Chu Lai. Hôm ấy, sau một ngày ẩn nấp, đến ban đêm, ông Thọ cùng 2 đồng đội, một người tên Tam (quê ở Hà Tĩnh), một người tên Tình (quê ở Quảng Bình), vào trung tâm sân bay nắm địa hình. Đến 4 giờ sáng, trên đường ông cùng đồng đội trở về căn cứ thì bị địch phục kích. Địch nã súng, đồng chí Tam ngã xuống. Một tên địch túm lấy tóc của ông Thọ với ý định bắt sống. Ông Thọ giơ súng lên bóp cò trúng người tên địch, rồi chạy thoát vào đồng ruộng.

Cựu chiến binh Lê Văn Thọ, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), luôn đau đáu nỗi nhớ đồng đội.

Cựu chiến binh Lê Văn Thọ, ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), luôn đau đáu nỗi nhớ đồng đội.

Ông Thọ kể, lúc đó, tôi nhận định tình hình, sau khi phục kích, quân địch lo phòng ngừa bộ đội tấn công nên không mở rộng vòng vây đến nơi tôi nằm ẩn nấp. Một ngày phơi mình dưới đồng ruộng, lòng tôi cảm thấy thương đồng đội của mình vô cùng. Để vào được sân bay Chu Lai, ban ngày, cả ba anh em phải ẩn nấp dưới khu vực hầm nước thải của địch, chỉ ngửa mặt lên để thở, dùng lá sen che lại. Có những ngày chúng tôi phải ẩn mình dưới lớp cát, phủ lá khô trên mặt. Trời nắng xuyên qua lớp cát rát bỏng làn da, dù khát nước khô cổ nhưng chúng tôi không thể nhúc nhích để lấy bình đựng nước vì địch sẽ phát hiện. Chờ trời chập choạng tối, chúng tôi lấy lương thực mang theo để ăn trước khi vào sân bay. Đồng chí Tam chỉ ăn chút ít gạo rang, uống ngụm nước rồi nhường cho tôi. Tam là người sống rất tình nghĩa. Đêm thứ hai, tôi liều mình chạy ra tìm xác của Tam. Trong đêm tối, tôi cõng xác Tam trên vai chạy về vùng giải phóng để chôn cất.

Gìn giữ kỷ vật thời chiến

Sau nhiều năm gìn giữ kỷ vật thời chiến, cựu chiến binh Nguyễn Thị Thu Hiền (74 tuổi), ở tổ 5, phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) đã tặng một số kỷ vật cho Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Nghĩa Hành, quê hương của bà. Trong kháng chiến, bà Hiền làm y tá, du kích, rồi làm Xã đội phó xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành)... Trong số các kỷ vật tặng cho Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện Nghĩa Hành có chiếc xi lanh dùng để tiêm thuốc cho thương binh. Bà Hiền kể, thời ấy, chiếc xi lanh có mũi kim rất to, mỗi lần dùng phải mài cho nhọn rồi sát trùng bằng nước sôi. Lúc chăm sóc, tiêm thuốc cho các thương binh, tôi ước ao có một ngày được dùng những chiếc kim tiêm nhỏ để tiêm cho bệnh nhân đỡ đau hơn. Tôi trân quý chiếc xi lanh, đó là kỷ vật nhắc nhớ một thời gian khó và cả những hy sinh, mất mát của các thương binh trong thời chiến.

Trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ, bà Hiền luôn mang theo bên mình những lá thư tay. Sau ngày hòa bình, chính những lá thư tay do người chị, người đồng đội viết là động lực thôi thúc bà đi tìm hài cốt đồng chí, đồng đội, cùng với chính quyền, gia đình đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ. Đến nay, bà Hiền vẫn giữ một số kỷ vật thời chiến, với bà đó là những tài sản vô giá. Mỗi lần lấy kỷ vật ra xem, bà lại xúc động, nước mắt dâng trào vì thương nhớ đồng đội. Bà Hiền cho hay, trước đây, khi đội văn nghệ của tổ 5, phường Nghĩa Lộ biểu diễn trong các chương trình của phường, thường đến mượn bà, lúc thì tấm vải choàng, lúc thì cuốn nhật ký để làm đạo cụ trong các tiết mục. Sau này, tôi sẽ tặng lại các kỷ vật cho Nhà nước để bảo quản và trưng bày, như là cách để góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Theo Bài, ảnh: HUỲNH THẢO (Báo Quảng Ngãi)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.