Chuyện về người vợ cán bộ hoạt động bí mật trong thời chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cầm trong tay cuốn sổ ghi chép đượm màu thời gian, lật qua vài trang, mắt tôi “dính” vào cuộc trò chuyện được ghi từ tháng 3-2003 với bà Rơchâm Jiu-vợ một cán bộ hoạt động bí mật trong thời chiến.

Năm 1955, khi vừa đúng tuổi trăng tròn thì Rơchâm Jiu (làng Kép, xã Ia Phí, huyện Chư Păh) gặp một thanh niên ăn mặc như đồng bào mình trong một lần cùng các bạn vào rừng. Chàng trai lạ chủ động làm quen, rồi dặn dò các bạn trẻ giữ bí mật về cuộc gặp gỡ. Từ ấy, Jiu cùng 3 người bạn thân là Biô, Hyết, Krong thường mang cơm vào rừng nuôi nhóm thanh niên mà sau này cô mới biết họ là những người cộng sản.

Cũng sau này cô mới biết, chàng trai đầu tiên cô gặp không phải là người Jrai tên Xiêng, mà là Đặng Minh Châu (Đặng Văn Thạnh), quê ở An Nhơn, Bình Định, là 1 trong 4 cán bộ ở lại chiến trường sau tháng 7-1954.

Qua thử thách, tháng 1-1956, nhóm bạn 4 người của Jiu đều được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động. Họ là những hạt nhân tích cực nuôi giấu cán bộ, vận động dân làng đấu tranh đòi Hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Những năm 1957-1959, Mỹ-Diệm đẩy mạnh hoạt động tố cộng. Rơchâm Jiu cùng nhiều người trong làng bị bắt, tra hỏi tung tích cán bộ. Trước sau, mọi người chỉ trả lời: “Hồi trước, chúng tôi sợ nên theo Pháp. Năm 1954, Việt Minh đánh thắng Pháp. Chúng tôi theo Việt Minh. Chúng tôi như cái đọt cây, chỉ biết gió chiều nào theo chiều đó, nay cán bộ đi hết rồi, không có nữa”.

Theo sự lan tỏa của phong trào, tình yêu của cô gái Jrai và chàng trai Bình Định cũng lớn dần lên. Năm 1959, hai người báo cáo và xin phép tổ chức để được nên vợ thành chồng. Ở trong vùng địch, lấy một người chồng cộng sản đang hoạt động bí mật, dù chịu rất nhiều thiệt thòi, nhưng bà Jiu cũng không vì thế mà buồn. Trái lại, bà luôn tự hào về người mà mình đã tin yêu, trao gửi.

Từ lâu, địch đã nghi ngờ Rơchâm Jiu hoạt động cách mạng. Khi thấy bà có bầu, chúng gọi lên đồn tra khảo: “Chửa với ai?”. Bà trả lời: “Chửa với thanh niên trong làng”. Kẻ thù đánh đập, tra vấn… nhưng bà chỉ lặp lại 1 câu trả lời duy nhất ấy. Có lần nửa đêm, địch bất ngờ ập vào nhà lục soát, đánh đập, khảo tra: “Thành ngủ nhà nào?” (lúc này, ông Châu lấy tên là Thành). Không bắt được ông Châu, chúng gài gián điệp theo dõi.

Vừa sinh con được 3 ngày, bà Jiu đã bị địch bắt tra tấn. Chúng cố moi cho bằng được manh mối người chồng bí mật của bà. Thấy tình hình trở nên nguy hiểm, lãnh đạo khu 4 tìm cách rút bà vào căn cứ. Vấn đề ở đây là phải làm sao để rút người đi cho êm. Ta rút được người mà địch không có cớ khủng bố dân làng. Cuối cùng, cán bộ khu và cơ sở thống nhất tạo hiện trường giả một vụ trôi sông.

Hôm ấy, khoảng 3 giờ chiều, bà Jiu cõng con vào làng Lút thăm cậu. Khi từ làng Lút về, cán bộ ta đón luôn mẹ con bà Jiu vào căn cứ. Trên sông Pô Cô, ta làm giả một hình nộm thả trôi, rồi phao tin là có người phụ nữ chết trôi. Sự việc được làm thận trọng đến mức chính gia đình bà cũng tin điều đó.

Dòng sông Pô Kô. Ảnh: P.L

Dòng sông Pô Kô. Ảnh: P.L

Sau khi bà đi, cán bộ bố trí cho gia đình làm nhà mả và tiến hành các nghi lễ dành cho người chết. Địch xuống, quật mả lên, rồi đánh đập tra hỏi những người trong nhà. Cuối cùng, chúng bắt người anh rể đi tù 3 năm tại Pleiku.

Năm 1964, bà sinh đứa con thứ hai. Năm 1965, tổ chức phân công bà trở về lãnh đạo phong trào phụ nữ xã. Bà và các con ở trong một khu rừng gần làng. Tháng 5-1964, một lần vào làng vận động chị em, bà bị địch phục bắt khi đang cõng đứa con nhỏ trên lưng, đứa lớn dắt trên tay. Chúng đưa bà xuống đồn Mrông (xã B4, nay là xã Ia Ka). Tại đây, tên đại úy người Jrai đích thân tra tấn.

Tuy nhiên, bà chỉ một mực: “Chồng tôi đã chết, tôi phải dắt các con về đầu hàng”. Chúng không tin, bắt bà dẫn đi bắt ông Châu. Chúng dọa, nếu không đưa đi, chúng sẽ giết cả nhà, đốt làng.

Bà đưa địch đi khắp núi rừng, nhưng không để chúng bắt được người. Sau 3 ngày bị giam ở làng Mrông, chúng đưa bà về giam tại Pleiku. Ban ngày, chúng bắt bà gửi con lại cho người khác trông để đi lao động khổ sai (đào hầm). Tối về, chúng tiếp tục tra hỏi, khai thác. Đứa con nhỏ bà cõng trên lưng khóc ngằn ngặt, không được tắm rửa, ghẻ lở đầy mình. Một ngày nọ, địch bắt bà lên trực thăng để kêu gọi chồng đầu hàng. Bà chỉ một mực: “Chồng tôi chết rồi”.

Tháng 12-1965, không khai thác được gì, địch đành thả bà. Trước khi thả, tên lính dẫn bà vào một ngôi nhà 2 tầng, lấy câu liêm ra cắt cổ bà, lấy máu nhỏ vào ly và dọa: “Nếu mày về còn đi hoạt động thì tao cắt cổ”.

Trở về làng, bà được cấp trên tin tưởng móc nối và tiếp tục hoạt động. Khi làm tổ trưởng tổ dân công, có đêm, đi chuyển hàng đến trạm Kte, khi về thì thấy lính địch đã trực sẵn và phần đối đáp sau đó diễn ra: “Mày đi đâu?”. “Tôi đi Kon Tum mua gạo”. “Gạo mày đâu?”. “Lính lấy của tôi cả gùi, cả gạo rồi”. “Lính ở đâu?”. “Tôi không biết”. Điều đau đớn nhất với bà là năm 1972, chiến tranh đã cướp đi người con trai đầu lòng.

Sau gần 50 năm được sống trong hòa bình, câu chuyện của bà Rơchâm Jiu vẫn gợi về cả miền nhớ mênh mang, nhắc chúng ta mãi trân trọng, giữ gìn những ấm êm mà cuộc sống này đang có.

Có thể bạn quan tâm

Gia đình chị Rơ Châm Khi (làng Krăi) được UBND thị trấn Phú Hòa hỗ trợ 1 con bò giống để làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Đ.Y

Phú Hòa: Người dân thoát nghèo nhờ tiếp cận thông tin

(GLO)- Nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin, hướng đến giảm nghèo bền vững, thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ, thị trường và kỹ năng cần thiết góp phần nâng cao năng suất lao động.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo ở làng Bua, xã Ia Pnôn. Ảnh: V.H

Đức Cơ quan tâm tạo sinh kế cho hộ nghèo

(GLO)- Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) chiếm 10,19%. Nhưng đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 7,92%. Để có được kết quả này, huyện đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, đặc biệt là tạo sinh kế giúp hộ nghèo chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Kbang thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho 11/68 hộ được hỗ trợ nhà ở

(GLO)- Sáng 4-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Kbang về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.