Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từng là mảnh đất nổi tiếng với nghề dệt lụa, sản sinh ra nhiều anh tài nức tiếng thiên hạ. Qua sự chuyển mình của thời gian, nghề dệt lụa đã đi vào dĩ vãng, nhưng con người nơi đây vẫn rong ruổi với “nghề” nuôi người học.

Hồi ức

Mặt trời vừa ló rạng, nắng đã xiên qua từng đót lá nhỏ ở những cánh cổng cây duối trăm năm tuổi khiến miền quê Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đẹp đến mê hồn. Lẫn trong những nếp nhà bình yên bên thửa ruộng lớn, cổng “làng khoa bảng Đông Thái” nổi lên sừng sững trên con đường nhựa chạy tít đến bến Tam Soa. Bên triền đê La Giang, nét đặc trưng của ngôi làng Việt Yên Hạ xưa (nay là làng Đông Thái) - nổi tiếng với nghề dệt lụa vẫn còn vương vấn trong những ngôi nhà mái đỏ, bên hàng tre xanh rì.

Bức ảnh hiếm hoi về xưởng quay sợi ở làng Đông Thái (ảnh tư liệu trích từ sách Thành cổ Hà Tĩnh)

Bức ảnh hiếm hoi về xưởng quay sợi ở làng Đông Thái (ảnh tư liệu trích từ sách Thành cổ Hà Tĩnh)

Trong câu chuyện của làng, nhiều bậc cao niên nhớ lại, thuở ấy, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề phổ biến của những làng quê dọc sông La, từ thế kỷ XIX. Qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ làng Việt Yên Hạ, lụa được dệt mềm, mát như dòng sông La đang cuộn chảy. Rồi những sản phẩm đó được bán khắp các chợ quê, chợ tỉnh, thậm chí, đưa ra Bắc vào Kinh thành. Thời đó, nghề dệt lụa ăn nên làm ra. Làng lại nằm ở bên bến Tam Soa, nơi con sông La giao hòa cùng 2 nhánh sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu, cứ thế, ngày đến đêm, thuyền buôn khắp nơi vào tận làng để trao đổi hàng hóa. Nhưng qua sự biến thiên của thời gian, những nương dâu bên sông La không người chăm bón. Khung dệt đóng bụi, bỏ phế góc nhà. Trong xóm cũng chẳng còn vang tiếng loạch xoạch của người dệt lụa. Người già bỏ nghề, người trẻ không quen đưa thoi, bàn chân cũng không biết dập. Cứ thế, nghề dệt lụa hết thời.

“Ai về Hà Tĩnh thì về/ Mặc áo lụa Hạ, uống chè Hương Sơn”, câu ca dao nổi tiếng mà mỗi lần nhắc đến, người ở miền quê này lại rạo rực. Thời gian qua đi, như một sự tiếp nối, những người phụ nữ xưa đã hóa thân vào những người mẹ Tùng Ảnh hôm nay, vẫn tần tảo sớm hôm với ruộng đồng để làm “nuôi người đi học”. Nhiều người còn nói đùa với nhau: “Không còn dệt lụa, nhưng cái “nghề” nuôi người học vẫn còn giữ cho đến tận hôm nay”. Sự học của làng quê Tùng Ảnh không phải hình thành từ ngày một ngày hai, mà đó là cả bề dày lịch sử. Trong các triều đại phong kiến, Đông Thái được biết đến là làng khoa bảng khi có 24 người đỗ tiến sĩ. Trong đó phải kể đến nhiều danh nhân nổi tiếng đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực cho đất nước như: Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Hoàng giáp Bùi Thức Kiên, Thượng thư Phan Bá Đạt, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng...

Làng khoa bảng

Nằm bên triền đê La Giang, làng Đông Thái như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình trải dài bên bến Tam Soa hiền hoà. Nhiều người truyền tai, con người nơi đây đầy khí chất nho nhã, văn chương có lẽ nhờ được tôi luyện tinh hoa hội tụ từ ba con sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và sông La. Nghề lụa không còn, song hình ảnh người mẹ tần tảo nuôi con ăn học vẫn ăn sâu vào đời sống, tạo nên một nét văn hoá riêng. Bên rặng tre rì rào, những đứa trẻ tụm ba tụm bảy với quyển sách trên tay cùng lớn lên, cùng học. Không ngẫu nhiên mà làng nổi tiếng với sự học, sản sinh ra nhiều anh tài nức tiếng thiên hạ như vậy. Hướng ánh mắt đến cổng làng khoa bảng, ông Phan Tự Hùng (74 tuổi, trú làng Đông Thái) bày tỏ hạnh phúc khi được sinh ra trên mảnh đất truyền thống hiếu học này. Ở cái tuổi xế chiều, ông Tự cũng như nhiều gia đình ở làng Đông Thái phấn khởi khi các con đều thành đạt. Gia đình ông Tự có ba người con. Cậu con trai cả đang giảng dạy tại một trường THPT ở Hà Tĩnh, người con thứ hai là tiến sĩ năm 30 tuổi và đang làm việc tại một trường Đại học ở Anh, còn cô con gái út cũng đang làm kiểm toán tại một đơn vị Nhà nước.

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng ảnh 2

Ông Nguyễn Thân Vinh -Trưởng thôn làng khoa bảng Đông Thái chia sẻ với phóng viên


Nghề dệt lụa Hạ nay chỉ còn len lỏi qua câu chuyện của bà, lời kể của mẹ. Đó là những người phụ nữ làng Đông Thái xinh đẹp mà dẻo dai, ngày trồng tằm, đêm dệt lụa. Là người mẹ, người vợ âm thầm chăm chồng, nuôi con chờ đến kỳ thi hội, thi đình để cống hiến cho đất nước những trạng nguyên, tiến sĩ, ông Nguyễn Thân Vinh - Trưởng thôn làng khoa bảng Đông Thái cho biết.

Ông Hùng chia sẻ, năm 1972, cũng như những thanh niên trai tráng trong làng, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. 15 năm ông đi bộ đội, bà Phan Thị Sơn (vợ ông Hùng) cần mẫn làm ruộng, bán đậu phụ, từ những hạt thóc ngoài đồng lo 3 người con ăn học, đỗ vào những trường tốp đầu của cả nước. “Nuôi con ăn học ngày ấy gian nan lắm. Tôi đi bộ đội nên chủ yếu vợ chăm lo cho con ăn học đủ đầy. Hầu như cả làng này đều có truyền thống hiếu học, vì thế số người đỗ đạt giáo sư, tiến sĩ… thành công ở làng đếm không xuể. Đi đến đâu nghe nhắc đến tên làng Đông Thái là lòng rạo rực đầy tự hào”, ông Hùng cho hay. Việc học được quan tâm nhiều nhất, nó ăn sâu vào tâm trí từng cư dân làng. Ngay từ trẻ nhỏ đã tự ý thức được bản thân mình học không chỉ để thoát nghèo mà học vì danh dự của bản thân và của dòng họ.

Ngôi nhà trí tuệ tại thôn Đông Thái nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ

Ngôi nhà trí tuệ tại thôn Đông Thái nhằm giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ

Làm trưởng thôn làng khoa bảng Đông Thái, ông Nguyễn Thân Vinh (64 tuổi) vui nhất là dịp Tết khi quỹ khuyến học được lần lượt trao đến tay các em học sinh. Từ mẫu giáo đến đại học, em nào có thành tích đều được nhận thưởng. Ông Vinh cho biết, những năm qua, việc xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình khuyến học đều được làng đưa vào hương ước. Với con em ở làng, ngưỡng cửa thấp nhất cũng phải có tấm bằng cử nhân. Ông Vinh cho biết thêm, mỗi năm làng có 10-12 em đậu đại học. Hiện trong làng có 14 dòng họ đều thành lập các quỹ riêng để chăm lo phong trào khuyến học, khuyến tài cho con cháu. Vị trưởng thôn bày tỏ tiếc nuối khi chưa tìm được khung dệt lụa để đặt vào phòng lưu giữ kỷ vật tại ngôi nhà trí tuệ.

“Trong phòng trưng bày của làng có nhiều hiện vật về nông cụ và nghề truyền thống của người Đông Thái ngày xưa. Chỉ có khung dệt lụa hoặc kỷ vật về nghề này vẫn chưa tìm thấy. Ở làng, tiến sĩ, thạc sĩ rất nhiều, có những gia đình trong nhà có tới hai con tiến sĩ”, ông Vinh vui vẻ nói. Nắng khuất dần, cổng làng khoa bảng Đông Thái như một biểu trưng vững chắc cho bề dày phát triển sự học trên mảnh đất hàng trăm năm tuổi. Dưới rặng tre xanh, người mẹ, người cha làng khoa bảng vẫn mải mê làm việc, còn con trẻ lo chuyện học hành.

Với truyền thống hiếu học, khoa bảng, Đông Thái có tên trong 20 làng khoa bảng - văn minh đất Việt. Đây cũng là nơi khởi đầu cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) ở Đức Thọ; hai lần lá cờ đỏ búa liềm được kéo lên trên đình làng Đông Thái.

Theo Hoài Nam (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.