Hồng trà Shan Tuyết: Kết nối giá trị từ quá khứ đến tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu các vùng chè nổi danh nơi đất Bắc được nhắc đến với đồi chè Shan Tuyết cổ thụ hàng trăm năm thì tại vùng đất Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh) ít ai biết rằng từ 1 thế kỷ trước, nơi đây cũng có chè Shan Tuyết.

Gần 50 năm qua, vườn chè Shan Tuyết vẫn tiếp tục được lai tạo để cho ra đời những sản phẩm kết nối quá khứ với tương lai.

Không sinh trưởng hoàn toàn tự nhiên để tạo thành những gốc chè cổ thụ cao, chè Shan Tuyết ở Gia Lai có đặc điểm khác biệt là những gốc chè được đốn tạo hình, tạo tán để phù hợp với khí hậu và điều kiện chăm sóc. Tuy nhiên, chất lượng nguyên liệu cơ bản giống nhau và đều là để làm ra các loại hồng trà, bạch trà, lục trà…

Hơn 1 thế kỷ lưu giữ hương vị chè xưa

Theo các tài liệu còn lưu giữ, vào khoảng năm 1919, ông Lionel-Marie là thành viên của SICAF (Công ty Thương mại-Nông nghiệp và Tài chính Đông Dương) khi thăm vùng đất đỏ cao nguyên Pleiku đã ví nơi này như vùng cao nguyên thuộc Massif Central ở nước Pháp. Với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho việc trồng chè, năm 1919, người Pháp đã mở đường lên khu vực này (ngày nay thuộc địa phận xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) để xây dựng đồn điền chè với diện tích 534 ha.

Gia đình bà Nguyễn Thị Mai (thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã 4 đời gắn bó với đồng chè Biển Hồ. Ảnh: V.T

Gia đình bà Nguyễn Thị Mai (thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã 4 đời gắn bó với đồng chè Biển Hồ. Ảnh: V.T

Từ khi được thành lập cho đến năm 1974, đồn điền chè Biển Hồ được các ông chủ người Pháp, người Hoa và người Việt quản lý, sản xuất cả 2 loại sản phẩm là trà đen-hồng trà và trà xanh để gửi về Pháp và các quốc gia châu Âu tiêu thụ. Do kỹ thuật sản xuất đơn sơ, đa phần là do các phu đồn điền và công nhân người địa phương sản xuất thủ công nên thành phẩm thu về không nhiều. Tuy nhiên, sản phẩm lại có hương vị riêng biệt của vùng cao nguyên.

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), đồn điền chè Biển Hồ được Binh đoàn Tây Nguyên tiếp quản, sau đó chuyển giao cho Liên hiệp các Xí nghiệp công-nông Chè Việt Nam quản lý và được đổi tên thành Nông trường Chè Biển Hồ.

Sau năm 1980, Nông trường được Liên Xô giúp đỡ, xây dựng nhà máy chế biến với dây chuyền chế biến trà đen-hồng trà có công suất 13 tấn chè búp tươi/ngày. Sản phẩm thời kỳ này chủ yếu được xuất bán cho Liên Xô. Tuy nhiên, khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, thị trường trà đen-hồng trà bị ngừng trệ.

Trước tình trạng này, Liên hiệp các Xí nghiệp công-nông Chè Việt Nam đã bàn giao Nông trường cho UBND tỉnh Gia Lai quản lý. Năm 1992, UBND tỉnh chính thức tiếp nhận Xí nghiệp Công-nông Chè Biển Hồ.

Sau khi tiếp nhận, Xí nghiệp đã quyết định chuyển đổi dây chuyền sản xuất từ trà đen-hồng trà sang sản xuất trà xanh nhằm giải quyết việc làm cho người lao động và vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn chung của ngành chè Việt Nam. Năm 2007, Xí nghiệp đổi tên thành Công ty Chè Biển Hồ. Năm 2010, Công ty tiếp tục đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ, chỉ tập trung sản xuất sản phẩm trà xanh để xuất khẩu qua thị trường Trung Đông.

Công ty đã đa dạng về các giống cây chè, mà đặc biệt là đã xây dựng được 45 ha chè Shan Tuyết hữu cơ. Ảnh: V.T

Công ty đã đa dạng về các giống cây chè, mà đặc biệt là đã xây dựng được 45 ha chè Shan Tuyết hữu cơ. Ảnh: V.T

Đến năm 2018, thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Quá trình làm và tìm hiểu về truyền thống lịch sử, năm 2022, Ban Tổng Giám đốc Công ty đã quyết định khôi phục lại sản phẩm hồng trà bằng cách đầu tư hệ thống máy móc và mời các chuyên gia trà đạo của Trung Quốc hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, cũng như nghiên cứu để sản xuất trà cao cấp dựa trên nguồn nguyên liệu chè Shan Tuyết.

Không còn nhớ rõ cha mẹ mình làm công nhân hái chè từ năm nào, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1948, thôn 4, xã Nghĩa Hưng) chỉ nhớ rằng: Khi 12 tuổi, bà đã theo cha mẹ đi khắp các đồng chè. 27 tuổi (năm 1975), bà được nhận vào làm công nhân của Nông trường Chè Biển Hồ.

Bà Mai kể: “Vì được theo cha mẹ làm từ nhỏ nên tôi rất thuần thục công việc hái chè. Sau 4 năm làm việc, tôi đã nhiều lần được cử đi ra các đồi chè ở Bắc Thái, Lạng Sơn để thi kiện tướng hái chè và mỗi lần tham gia đều đạt thành tích cao.

Thời đó, Nông trường có 11 đội sản xuất, mỗi đội khoảng 20 người. Mỗi lần tới đợt thu hái, mọi người ai nấy đều hăng hái đi làm từ mờ sáng, mang cơm theo ăn và làm tới chiều muộn mới về. Lúc đó, tính theo sản phẩm nên ai cũng tranh thủ hái thật nhiều để có thu nhập.

Khi hái xong chè thì bắt đầu làm cỏ, tới mùa nắng thì cuốc đất, tưới nước để cây nứt mầm mới. Sau 9 năm làm trực tiếp, tôi được cấp trên tạo điều kiện chuyển qua làm gián tiếp, công việc lúc đó là kiểm tra kỹ thuật chăm sóc, thu hái, rồi đến kiểm tra phẩm cấp chè… Năm 1991, tôi xin nghỉ hưu. Đến năm 1996, khi Công ty triển khai việc giao khoán vườn cây, tôi và con dâu cùng làm”.

Đến bây giờ, bà Mai vẫn còn nhớ như in những đồng chè đã ghi dấu chân cùng mồ hôi, công sức của biết bao công nhân, người lao động như bà. Qua bao thăng trầm của cuộc sống, cây chè đã gắn bó với bà cũng như thế hệ con cháu sau này. Chị Phan Thị Thúy (thôn 2, xã Nghĩa Hưng), con dâu của bà Mai cũng đã gắn bó 25 năm với đồng chè. Rồi con chị cũng tiếp quản công việc của mẹ. Trải qua 4 thế hệ gắn bó với cây chè, những người trong gia đình bà Mai càng trân trọng hơn công việc đã mang lại cuộc sống ấm no cho họ.

Hành trình hữu cơ từ cánh đồng đến tách trà

Với lợi thế về nguồn nguyên liệu (tổng diện tích 250 ha, sản lượng chè búp tươi bình quân khoảng 4.700 tấn/năm), Công ty cổ phần Chè Biển Hồ từng bước đa dạng các giống chè. Đặc biệt, việc sở hữu 48 ha chè Shan Tuyết là một lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển các dòng sản phẩm cao cấp. Đưa chúng tôi thăm đồi chè Shan Tuyết trải rộng đang vào vụ thu hái, chị Đỗ Thị Thu Thủy-Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật Công ty cổ phần Chè Biển Hồ tự hào giới thiệu về các quy trình kỹ thuật chăm sóc đặc biệt đối với loại chè này.

Chị Thủy tâm sự: “Khi nói về giống chè Shan Tuyết thì mọi người sẽ nghĩ ngay đến những cây chè cổ thụ cao hàng mấy mét hoang sơ như ở vùng núi phía Bắc. Còn nơi đây, chè Shan Tuyết được lai tạo với kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán bằng nên hầu như không mấy ai biết rằng, Gia Lai cũng có giống chè Shan Tuyết được trồng từ trước năm 1930. Tuy nhiên, ngày đó, chè Shan Tuyết cho năng suất thấp; cây bị sâu bệnh nên một phần diện tích đã được thay thế bởi các giống mới cho năng suất cao hơn.

Từ năm 2003 đến nay, Công ty phát triển diện tích chè Shan Tuyết lên 48 ha và áp dụng quy trình chăm sóc vườn cây theo hướng hữu cơ, quản lý chặt chẽ quá trình chăm sóc, cách ly vườn cây của từng hộ nhận khoán trước khi thu hoạch. Năm 2023, 45 ha chè Shan Tuyết của Công ty đã được chứng nhận hữu cơ”.

Theo chị Thủy, quy trình sản xuất các sản phẩm hồng trà cao cấp khác với quy trình sản xuất trà xanh, đó là ở giai đoạn lên men, chọn nguyên liệu để hình thành nên sản phẩm có giá trị cao nhất. Các sản phẩm hồng trà là sự lựa chọn từ những búp chè tinh túy nhất trong vườn chè bằng cách chỉ chọn búp 1 tôm 1 lá để làm.

Gắn bó với vườn chè hơn 20 năm qua, ông Lê Văn Thao (xã Nghĩa Hưng) đã bắt đầu chuyển qua nhận khoán sản phẩm trên diện tích chè Shan Tuyết và thực hiện thu hái theo quy chuẩn 1 tôm 1 lá để làm nguyên liệu cho hồng trà cao cấp hơn 2 năm nay.

“Trên hành trình canh tác hữu cơ, chúng tôi được Công ty hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái rất khắt khe. Do đó, phẩm cấp chè đạt loại A sẽ được tính giá cao, nhờ đó thu nhập của gia đình ổn định”-ông Thao vui vẻ nói.

Ngoài việc tạo ra vùng nguyên liệu hữu cơ, công ty còn áp dụng các quy trình chế biến với kỹ thuật tiên tiến để cho ra các sản phẩm chè chất lượng nhất. Ảnh: VT

Ngoài việc tạo ra vùng nguyên liệu hữu cơ, công ty còn áp dụng các quy trình chế biến với kỹ thuật tiên tiến để cho ra các sản phẩm chè chất lượng nhất. Ảnh: VT

Phấn khởi trước những kết quả bước đầu trên hành trình khôi phục và chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ từ cánh đồng đến tách trà, ông Nguyễn Công Tiến-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ-chia sẻ: “Trải qua hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển, cây chè Biển Hồ và các sản phẩm sau thu hoạch, chế biến đã có một chỗ đứng nhất định trên thị trường trong và ngoài nước.

Trước đây, các sản phẩm chè chủ yếu là trà xanh và Trung Đông là thị trường xuất khẩu truyền thống. Khoảng 2 năm trở lại đây, Công ty đã có chiến lược phát triển các sản phẩm cao cấp là bộ sản phẩm hồng trà nhằm đa dạng hóa mặt hàng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường”.

Theo ông Tiến, trước khi bắt đầu khôi phục sản phẩm trà đen-hồng trà trên chính vùng nguyên liệu chè Shan Tuyết hiện có, Công ty đã mời các chuyên gia của Trung Quốc và Đài Loan sang hướng dẫn kỹ thuật làm hồng trà cao cấp. Khi làm ra sản phẩm, các chuyên gia đã đánh giá cao sự tương đồng về chất lượng với các sản phẩm đang có ở thị trường Đài Loan nên rất muốn hợp tác trong tương lai.

Ngoài việc tạo ra vùng nguyên liệu hữu cơ, Công ty đang áp dụng các quy trình chế biến như ISO 22000, ISO 14001, ISO 9000… Hiện Công ty đã ra mắt bộ sản phẩm hồng trà cao cấp, gồm hồng trà quý phi, hồng trà phi yến, hồng trà mỹ nhân, qua đó từng bước khẳng định giá trị thương hiệu.

Theo tính toán, sản phẩm hồng trà cao cấp có giá trị cao gấp 5-10 lần sản phẩm trà xanh xuất khẩu đi Trung Đông. Đặc biệt, Công ty xây dựng chiến lược xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc và Đài Loan.

Sau hơn 1 thế kỷ hình thành và phát triển, từ những lá trà tinh tuyển qua quá trình chế biến hiện đại, Công ty cổ phần Chè Biển Hồ đã cho ra đời những sản phẩm kết nối quá khứ với hiện tại để gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng chè từ thời Pháp.

Có thể bạn quan tâm

Già Rơ Lan Hlếk (làng Klăh, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) trò chuyện cùng cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơ. Ảnh: T.D

Một dải biên cương nặng nghĩa tình - Kỳ cuối: Gắn bó với người dân, vun đắp tình đồng đội

(GLO)- Đáp lại những việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Gia Lai, người dân luôn dành những sự trân trọng đối với người lính quân hàm xanh và góp sức bảo vệ bình yên biên giới.

Ông Đinh Plih sắp xếp bộ cồng chiêng và các vật dụng sẵn sàng đem theo khi đi trình diễn, quảng bá văn hóa dân tộc Bahnar. Ảnh: N.M

Đinh Plih: Tự hào “vốn liếng” văn hóa Bahnar

(GLO)- “Ý nghĩa của công việc không phải chỉ nằm ở chỗ tiền bạc mà còn ở nhu cầu về tinh thần, biểu hiện của giá trị, một vốn liếng để tự hào”. Câu nói này thật đúng đối với ông Đinh Plih (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Với ông, hạnh phúc đơn giản là bản thân được sống trọn với đam mê.

Một dải biên cương nặng nghĩa tình - Kỳ 1: Những người cha nơi phên giậu

Một dải biên cương nặng nghĩa tình - Kỳ 1: Những người cha nơi phên giậu

(GLO)- Những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, lực lượng Bộ đội Biên phòng Gia Lai luôn tích cực tham gia các mô hình, phần việc thiết thực giúp người dân xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh biên giới.

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối:Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

(GLO)- Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thứ 2 từ phải sang)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) trao đổi với người dân về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.M

Những đảng viên “miệng nói, tay làm”

(GLO)- Dù đảm nhận vị trí công việc khác nhau song điểm chung ở những đảng viên tiêu biểu chính là sự tận tụy, hết lòng với công việc được giao. “Miệng nói, tay làm”, họ trực tiếp vun bồi niềm tin của người dân với Đảng, chung sức xây dựng địa phương ngày một phát triển.

Thầy Nguyễn Quang Tưởng và cô RCom H’Ni (thứ 3 từ phải sang) tâm huyết với mô hình “Làng văn hóa dân tộc”. Ảnh: T.D

Người thầy làm “sống dậy” văn hóa dân tộc thiểu số trong trường học

(GLO)- Mong muốn xây dựng môi trường giáo dục đặc thù mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, năm 2023, thầy Nguyễn Quang Tưởng-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã phục dựng thành công “Làng văn hóa dân tộc” trong khuôn viên trường học.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.