Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở cái tuổi ngồi hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, hàng ngày chỉ cần đi từ giường ngủ ra bàn ăn, nhưng “lão đại” Trần Lê Hùng lại chọn con đường khác. Với ông, già thì già, máu tươi có thể thiếu chứ “máu đi”, máu xê dịch thì lúc nào cũng căng tràn.
Ông Trần Lê Hùng chụp ảnh kỷ niệm với người dân địa phương. Ảnh nhân vật cung cấp

Ông Trần Lê Hùng chụp ảnh kỷ niệm với người dân địa phương. Ảnh nhân vật cung cấp

Phượt xe máy hơn 13.000 km đến Tây Tạng trong 41 ngày

Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, làn da rám nắng phong sương, mái tóc dài bạc phơ búi củ tỏi, phượt thủ 71 tuổi trông vẫn “già gân” như cách đây 5 năm tôi từng gặp. Ông hào hứng kể về hành trình 41 ngày đêm, vượt qua hơn 13.000 km chinh phục Tây Tạng vừa mới hoàn thành.

Đây không phải lần đầu Trần Lê Hùng phượt xuyên biên giới bằng xe máy. Năm 2020, ông từng có chuyến đi kéo dài 6 tháng trời, vượt hơn 45.000 km, xuyên 2 lục địa Á- Âu với 39 quốc gia, vùng lãnh thổ.

“Hồi đó, khi đi qua Trung Quốc, tôi bị cuốn hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ, mê hồn của cao nguyên Tân Cương - Thanh Hải và ước giá có thể quay lại để được thưởng thức khung cảnh hùng vĩ của Tây Tạng”, ông Hùng kể.

Rồi cơ duyên đến. Khi anh Hà (hướng dẫn viên quen thuộc của ông) gọi điện thông báo có một đoàn đi Tây Tạng bằng ô tô và đồng ý cho 2 người đi ghép đoàn bằng mô tô, ông Hùng đồng ý ngay.

Trong vòng 10 ngày, ông gấp rút đổi hộ chiếu, khám sức khỏe để mua bảo hiểm quốc tế, xin visa vào Trung Quốc, xin phép cho xe môtô di chuyển vào Trung Quốc và xin giấy phép vào Tây Tạng.

Trong thời gian chờ thủ tục, ông bảo trì lại chiếc xe Honda 500cc, chuẩn bị hành lý. Mỗi ngày, ông đều lái xe, rèn luyện sức bền để đáp ứng được điều kiện khắc nghiệt của Tây Tạng.

Ngày 14/6, phượt thủ U80 rời Việt Nam, chỉ nhắn cho gia đình “Bố đi chơi mấy ngày”, mà không nói địa điểm, không hẹn ngày về.

Chông gai đến ngay trong những ngày di chuyển ở Lào để đến cửa khẩu giáp Trung Quốc. Đoàn của ông vượt qua quãng đường gập ghềnh, sình lầy đến mức bánh xe khó thăng bằng.

Nhiều đoạn ông phải đứng trên xe để di chuyển. Có đoạn đường vỡ và núi sạt lở, để lại những tảng đá to nằm ngổn ngang. Ông luôn dặn mình bình tĩnh và tập trung cao độ, bởi sẩy nhẹ tay là ngã xe, đâm vào vách núi hoặc lao thẳng xuống vực.

Phượt thủ U80 trên những cung đường chinh phục Tây Tạng

Phượt thủ U80 trên những cung đường chinh phục Tây Tạng

Theo lịch trình, đoàn phượt sẽ di chuyển qua một số tỉnh phía Tây của Trung Quốc, gồm Vân Nam, Quý Châu, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Lan Châu, Thanh Hải và Khu tự trị Tây Tạng. Các thành viên phải có mặt ở điểm nghỉ vào mỗi tối để đảm bảo thủ tục. Ông Hùng thường đi chậm hơn nên có những hôm phải nửa đêm hoặc rạng sáng mới về đến khách sạn. “Tôi luôn giữ nguyên tắc: đi để trở về. Nên an toàn là trên hết, không việc gì phải biểu diễn ở đây cả”, ông cười lý giải.

Mỗi ngày, Trần Lê Hùng phải lái xe trung bình 400-500 km, có ngày chạy 730km. Độ loãng không khí là một thách thức lớn. Cơ thể phải trao đổi khí mạnh khi vận động nên mỗi lần xoay xe cũng đủ thở “như ai bóp cổ”. Chưa kể, do đặc thù địa hình, nhiệt độ ở Tây Tạng thay đổi liên tục, dưới đèo nóng 40 độ C, khi lên đỉnh đèo lại giảm còn -3 độ C. Ban đêm, gió thổi mạnh, mặc 8 lớp áo vẫn thấy rét cắt da cắt thịt.

Cung đường khắc nghiệt nhất chuyến đi là vượt qua đèo Semo La. Với độ cao 5.565m, Semo La được xem là con đường trải nhựa cao nhất thế giới. Nửa đêm, ông Hùng và người bạn đồng hành lên tới đỉnh đèo hoang vắng. Lúc này, nhiệt độ ngoài trời là -3 độ C, gió thổi rất mạnh.

“Tôi kiệt sức, nằm gục xuống vệ đường. Cơ thể mất điều khiển. Nếu đi tiếp, có thể tôi sẽ chết, nhưng nằm lại cũng có thể chết vì lạnh. Rồi tôi thiếp đi, 1 giờ sau mới tỉnh lại. Anh Hà mừng lắm vì đang định gọi cứu hộ quốc tế”, lão đại nhớ lại.

Ông bảo, chuyện ngã trên đường, bay gương, rách quần áo… là không tránh khỏi. Chỉ cố sao ngã ở tốc độ thấp và không để rơi xuống vực. Trong suốt cuộc hành trình, nhiều lần xe bị hỏng, ông đều tự sửa. Nhờ vốn kiến thức cơ khí sau mấy chục năm làm kỹ sư tại nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo cũ, nên từ hồi chơi xe, mỗi lần hỏng hóc, ông đều xử lý dễ dàng.

Vất vả, chông gai, thậm chí có lúc đối mặt với sinh tử nhưng bù lại, điều phượt thủ U80 nhận được trong chuyến đi là vô giá. Ngồi trên chiếc xe to kềnh càng, tiếng động cơ dữ dội nhưng lòng ông lại rất điềm tĩnh, bình yên.

Chiều ngày 24/7, sau 41 ngày đêm lăn lộn với những cung đường, vượt qua hơn 13.000km trên “chú ngựa sắt”, Trần Lê Hùng có mặt ở Hà Nội. Thay vì về nhà luôn, ông phóng thẳng lên Hồ Gươm, đỗ xe, mua một cây kem, bình thản nhâm nhi. Không quên chụp một bức ảnh đăng facebook thông báo cho mọi người đã bình an trở về. Hình ảnh phượt thủ già bên chiếc xe gồ ghề, bụi phủi, đứng hiên ngang giữa Hồ Gươm lộng gió vừa lãng mạn, vừa hào hùng.

“Đi để… an dưỡng”

Sinh năm Giáp Ngọ, cầm tinh con ngựa nên ngay từ thời trẻ, Trần Lê Hùng đã là phượt thủ có tiếng ở Hà thành. Biệt danh Hùng “67” cũng gắn với ông từ thuở đó, bởi con xe Honda 67 luôn đồng hành cùng ông trên mọi nẻo đường từ Bắc vào Nam, từ xuôi lên ngược.

Là thành viên nhiều tuổi nhất trong Câu lạc bộ Mô tô Hà Nội, nhưng gần như ông Hùng không bỏ lỡ bất cứ chuyến đi nào cùng đồng đội. Từ phượt Cao Bằng, Hà Giang, đến vào Quảng Trị hay nhiều tỉnh thành xa hơn nữa để hỗ trợ các giải đua xe đạp, chạy bộ, hội khỏe…

Cuối năm 2020, ông đã cùng vợ thực hiện xong chuyến hành trình xuyên Việt kéo dài 20 ngày bằng xe phân khối lớn. Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hầu như tháng nào ông cũng phải “xê dịch”.

Phút nghỉ ngơi bên vệ đường. Ảnh nhân vật cung cấp

Phút nghỉ ngơi bên vệ đường. Ảnh nhân vật cung cấp

Tuổi cao, không còn đá bóng, đá cầu được nữa nhưng ông vẫn duy trì đi bơi hàng ngày ở sông Hồng, mùa đông cũng như mùa hè, để duy trì sức khỏe. Thói quen thiền định mỗi ngày cũng giúp ông rèn luyện sự tập trung cao độ khi lái xe.

“Năm ngoái, tôi bị đau thần kinh tọa chạy chữa gần 1 năm mới khỏi. Lạy giời thế nào mà chuyến vừa rồi không bị đau lại”, lão đại cười đắc ý. Có lẽ, những con đường mờ mịt hơi sương, những đỉnh đèo uốn lượn, những khúc quanh hiểm trở… dường như đã trở thành liều thuốc vô giá cho lão ông “kỳ dị” này.

Ông Hùng có 3 chiếc xe, nhưng là người tín tâm nên chuyến vừa rồi ông vẫn chọn “con ngựa chiến” đã cùng ông chinh phục thành công chuyến đi phượt Á-Âu cách đây 5 năm. Con Honda CB500X nặng hơn 200kg, gấp 4 lần trọng lượng của ông. Đây là loại xe chỉ dành cho các phượt thủ cao 1m7-1m8.

Lúc mới mua, ông Hùng phải “độ” lại, hạ yên xe, thay ghi đông, lắp thêm 3 thùng để đồ, uốn lại tay cầm… để phù hợp với vóc dáng 1m6 của mình. Quần áo, thuốc thang, đồ bảo hộ, dụng cụ sửa xe… luôn được ông chuẩn bị sẵn trong 3 thùng xe. Chỉ chờ hô một tiếng là lên đường.

Theo Thanh Hương (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.