Tội ác trong một mái ấm: Dạy trẻ cách bạo hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (L52 Tô Ký, P.Trung Mỹ Tây, Q.12, TP.HCM) không chỉ bạo hành trẻ em mà còn dạy trẻ cách đánh đập lẫn nhau. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng bữa ăn và sử dụng thực phẩm chức năng cho trẻ cũng vô cùng bất thường.

HẬU QUẢ VÔ CÙNG NGUY HIỂM

Trong thời gian thâm nhập, nhiều ngày ở phòng trẻ sơ sinh (dưới 1 tuổi), PV Báo Thanh Niên phát hiện bà Giáp Thị Sông Hương (người đại diện pháp luật của cơ sở này) và bảo mẫu Tuyền (47 tuổi) thường xuyên cho các bé uống thực phẩm chức năng không đúng hướng dẫn của nhà sản xuất... Cụ thể, lúc 23 giờ, ngày 28.7, khi các bé sơ sinh không chịu ngủ, bà Sông Hương liền lấy các gói thực phẩm chức năng cho từng bé uống, rồi còn nói: "Uống cái này, chúng nó ngủ ngon". Sau khi uống, các bé ngủ li bì, đêm ít quấy khóc. Tiếp đó, lúc 0 giờ 30, ngày 30.7, thấy bé sơ sinh quấy khóc, bà Tuyền nhanh tay mở gói thực phẩm chức năng đút cho bé uống hết. Bảo mẫu nói: "Mày đợi đi, mày đợi mẹ mày rước mày về nè con".

Bà Hương cho trẻ sơ sinh uống Siro Ho O.V vô tội vạ

Bà Hương cho trẻ sơ sinh uống Siro Ho O.V vô tội vạ

Theo ghi nhận của chúng tôi, gói thực phẩm chức năng này tên Siro Ho O.V, công dụng giảm ho, giảm đau họng, rát cổ… Tuy nhiên, theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì, không có mục nào đề cập dùng cho trẻ sơ sinh, mà chỉ dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, với liều lượng 1 gói x 2, 3 lần/ngày. Đại diện các nhà thuốc lớn ở TP.HCM đều khẳng định loại siro này là thực phẩm chức năng dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, bắt buộc phải dùng đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu dùng sai có thể ảnh hưởng đến hô hấp của trẻ sơ sinh.

Về vấn đề này, một bác sĩ của Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết trong Siro Ho O.V có thành phần Eucalyptol. Theo quy định dược điển thì Eucalyptol không dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, nên nhà sản xuất phải chỉ định dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Nếu dùng không đúng độ tuổi, cùng với liều lượng không phù hợp sẽ gây ức chế đường hô hấp, làm em bé không thể thở, hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Trong suốt quá trình thâm nhập, chúng tôi nhận thấy các bé thường xuyên bị bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ hàng loạt. Theo lời các bảo mẫu và từ quan sát thực tế của PV, hầu hết trẻ tại mái ấm phải uống chung các bình sữa và sữa thường để quá giờ sử dụng. Ngoài ra, nhóm trẻ sơ sinh không uống loại sữa cố định mà phải uống ngẫu nhiên, như: hôm thì uống loại dành cho trẻ từ 6 - 12 tháng tuổi, hôm thì loại sữa dành cho trẻ trên 6 tuổi, thậm chí cả sữa dành cho người cao tuổi... Sữa bột pha xong, sữa mẹ (xin của những người mẹ thiện nguyện), cháo được đặt ngay cạnh nhà vệ sinh, không nắp đậy. Sữa uống không hết, bảo mẫu sẽ trút vào chung 1 bình, rồi chuyền cho hàng chục đứa bé uống chung. Uống xong, tất cả bình sữa được đựng trong thau nhựa để trên bồn cầu của nhà vệ sinh trông rất nhếch nhác.

Chúng tôi hỏi: "Không rửa bình như vậy các bé tiêu chảy thì sao?". Bảo mẫu Tuyền cho hay: "Bà Sông Hương bảo tôi không cần rửa bình thì tôi làm theo. Có bình từ buổi chiều chưa rửa, cũng có bình không biết bao lâu chưa được rửa".

Không chỉ vậy, khẩu phần ăn của trẻ tại mái ấm khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Mỗi ngày, hàng chục trẻ em phải tranh nhau ăn chung bát cơm trắng; hôm nào may mắn lắm sẽ được chan thêm nước tương, mì gói trộn cơm hoặc miến băm nhỏ, một ít thịt. Bé nào lanh lẹ, tranh giỏi thì được ăn nhiều và ngược lại.

"CHỈ DẪN" BẠO HÀNH

Thời gian làm việc tại mái ấm, PV kinh hoàng chứng kiến cảnh các bảo mẫu thẳng tay bạo hành, mắng chửi trẻ và thậm chí dạy trẻ cách bạo hành lẫn nhau.

Bé B. cầm chổi đánh các trẻ tại mái ấm

Bé B. cầm chổi đánh các trẻ tại mái ấm

Một góc để thức ăn cho trẻ, ngay cạnh bồn cầu

Một góc để thức ăn cho trẻ, ngay cạnh bồn cầu

Bữa ăn của các em là cơm trắng trộn nước tương

Bữa ăn của các em là cơm trắng trộn nước tương

Ca đêm tại phòng trẻ từ 1 - 2 tuổi, bảo mẫu Cẩm (47 tuổi) liên tục đánh đập và chửi bới các bé. Trẻ nào khóc, không ngủ, ngay lập tức bị bà Cẩm đánh vào mặt, đùi kèm những câu mắng nhiếc nặng nề. Tiếng la hét thậm tệ mỗi ngày của bà Cẩm khiến đám trẻ luôn sống trong sợ hãi. Hình ảnh đau xót hiện rõ hơn khi một số đứa trẻ thấy bà Cẩm lại gần, liền nằm sạp xuống nền nhà, co ro và 2 tay ôm đầu.

Càng quặn lòng hơn, khi chúng tôi phát hiện một vài đứa trẻ đang tập nói, bập bẹ bắt chước chửi thề và đánh bạn: "Câm mồm, mày khóc tao đánh gãy răng".

Thấy chúng tôi là người mới và hiền lành, nên bà Cẩm dạy cách "trị" trẻ: "Em tới đập mạnh cho chị mỗi đứa mấy cái vào đùi. Em mà hiền là tụi nó ăn thịt em luôn á". Một hôm khác, thấy các bé ồn ào, bảo mẫu Cẩm nói với chúng tôi: "Chị đã nói em đập mạnh cho chị, đập vào tay nó mạnh lên", "Mày lấy đũa quất cho thằng Cá Lóc mấy cái coi"...

Bảo mẫu Tuyền thậm chí còn dạy chúng tôi cách "trị" những trẻ sơ sinh, da còn đỏ hỏn: "Nó rên hoài luôn thì em phải dùng biện pháp mạnh, đánh cho nó đau. Đứa nào lì, em cứ kệ nó đi, để đó chị trị cho. Em phải đánh vô đít, tay, đùi cho nó thiệt đau, nó khóc điếng, rồi buông ra nó mệt nó ngủ. Em thấy thằng Nghĩa (bé trai khoảng 8 tháng tuổi), chị quất cho mấy cái, nó rên rên. Ban ngày mình mới sợ, ban đêm đâu còn khách (nhà hảo tâm - PV) nữa đâu nên không sợ. Đêm em đánh nó, tới sáng là nó hết đỏ, hết thấy dấu tay rồi".

Ngày 7.8, chúng tôi được bà Sông Hương phân công chăm những đứa trẻ trên 2 tuổi ở phòng 102 cùng bảo mẫu Huyền. Chỉ một buổi tối ở tại đây, chúng tôi nhiều phen nổi da gà khi chứng kiến bé B. (12 tuổi, con nuôi bà Hương) dùng chổi đánh những đứa trẻ không chịu ngủ, giống với cách bảo mẫu Huyền đánh đập các bé.

"Ai chỉ em cách đánh mấy đứa nhỏ vậy", chúng tôi hỏi. Bé B. nói: "Cô Huyền dạy em lấy chổi đánh mấy đứa nhỏ. Đứa nào lì cô sẽ kêu em qua xử. Cô chỉ em lấy chổi đánh vào chân nó. Có khi em tức quá, em đánh vào đùi, nó khóc luôn. Cô Huyền còn nói mày cầm chổi chọc vào họng nó là nó im. Cô Huyền còn dạy em đứa nào hư thì vả vào mồm nó nên em vả thiệt luôn, chảy máu luôn. Cô nói vả thật mạnh vô, tụi nó không sợ đâu và không bị gì đâu. Em nghe cô nói vậy, em bụp một cái, nguyên bàn tay in luôn, máu mũi văng tung tóe".

Chúng tôi liền hỏi tiếp: "Lúc đó, cô Huyền biết không?". B. vô tư: "Biết chứ, nhưng cô Huyền không nói gì hết. Cô Huyền kêu em lấy chai dầu và lấy thuốc 7 màu bôi lên là không thấy dấu tay". "Đứa nào quậy nhiều, cô Huyền sẽ nắm tóc nhúng đầu vào nước. Em thì không dám làm, lỡ nó nghẹt thở nó chết thì sao. Cô Huyền lôi đầu tụi nó rồi nhúng vô nước rồi tát nó vài phát nữa. Quậy bình thường thì cô Huyền dùng vá múc canh quất vô mắt cá luôn. Em cũng làm theo, cô chỉ tới đâu thì em làm tới đó. Còn những đứa quậy ít thì đánh bằng cây chổi, bằng tay", B. kể...

Một số lần chứng kiến cảnh trẻ bị đánh đập, hành hạ, chúng tôi vô cùng đau xót, phẫn nộ và can thiệp nhưng có lúc ngăn chặn kịp thời, có lúc không vì hành động bạo hành xảy ra rất nhanh hoặc bảo mẫu phớt lờ...

Chính quyền vào cuộc quyết liệt

Ngày 4.9, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung ký công điện đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc do Báo Thanh Niên phản ánh và thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc, phục hồi cho trẻ em là nạn nhân của hành vi bạo lực tại cơ sở nêu trên. Đồng thời, thực hiện công tác điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quyền trẻ em và các quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tại cơ sở này. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị rà soát, thanh kiểm tra các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM, xử lý kịp thời, nghiêm minh các cơ sở hoạt động không đăng ký, không được cấp phép hoặc không bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy giao UBND Q.12 chủ trì, phối hợp Sở LĐ-TB-XH, Công an TP.HCM và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH có trách nhiệm phối hợp Sở TT-TT, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và các sở, ban, ngành cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn.

6 giờ ngày 4.9, PV Thanh Niên đến Công an P.Trung Mỹ Tây trình báo vụ việc. Ngay sau đó, Công an Q.12, Công an P.Trung Mỹ Tây phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cùng UBND P.Trung Mỹ Tây, UBND Q.12 tiến hành kiểm tra và mời nhiều người trong Mái ấm Hoa Hồng về trụ sở làm việc. Chiều cùng ngày, PC02, Công an Q.12 đến Tòa soạn Báo Thanh Niên đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, chứng cứ để phục công tác điều tra, tố tụng.

Cùng ngày, Sở LĐ-TB-XH phối hợp UBND Q.12 và công an xác minh, làm rõ những vi phạm tại Mái ấm Hoa Hồng và bước đầu đã xác định có sai phạm. Lãnh đạo UBND Q.12 cho biết đã tạm đình chỉ hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng để rà soát toàn diện hoạt động cũng như để phục vụ công tác điều tra, xác minh. Về giải pháp trước mắt, UBND Q.12 và Sở LĐ-TB-XH thống nhất phương án đưa toàn bộ trẻ vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập để đảm bảo an toàn, đủ điều kiện chăm sóc tốt nhất cho trẻ. "Quận sẽ tiếp tục làm việc với những người bên trong cơ sở, củng cố hồ sơ để xử lý, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ khởi tố. Quận sẽ cương quyết xử lý, không thể chấp nhận hành vi này", lãnh đạo Q.12 khẳng định.

Chiều cùng ngày, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Nguyễn Tăng Minh chủ trì họp báo liên quan vụ trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng. Theo ông, vụ việc lần này xảy ra cho thấy trách nhiệm rất lớn của địa phương. Phía Sở đã có công văn yêu cầu UBND Q.12 chỉ đạo Công an Q.12 phối hợp Báo Thanh Niên và các đơn vị liên quan khẩn trương thụ lý, điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng để sớm đưa vụ việc ra khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật. Ngoài ra, UBND Q.12 cần chỉ đạo các đơn vị và cá nhân liên quan làm rõ trách nhiệm trong công tác thẩm định, cấp phép hoạt động và giám sát hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng; làm rõ trách nhiệm của đơn vị và cá nhân liên quan trong việc triển khai, thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM và Sở LĐ-TB-XH về phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng.

Trong công văn gửi Báo Thanh Niên chiều cùng ngày, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM gửi lời cảm ơn đến Ban Biên tập Báo và nhóm PV đã phản ánh thông tin kịp thời.

Những thông tin về sự vào cuộc xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng sẽ được Thanh Niên tiếp tục truyền tải đến bạn đọc vào những số báo tiếp theo.

Thanh Niên

Theo Trần Duy Khánh - Uyển Nhi (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.