'Đê' mắm giữ bờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.

Lá chắn sóng hữu hiệu

Hằng năm, vào mùa mưa, tình trạng sạt lở ven các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn huyện U Minh, gây thiệt hại lớn về đất đai, hư hỏng các công trình giao thông, nhà cửa của người dân. Ngoài ra, sạt lở còn dẫn đến tình trạng bồi lắng kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến giao thông đường thủy và cấp thoát nước. Trước thực trạng đó, nhiều hộ dân tại khu vực này đã thử nghiệm trồng cây mắm để chống sạt lở, bảo vệ công trình giao thông.

Kênh Sáu Nhiễu là tuyến kênh như vậy. Bởi kênh còn là đường thủy vận chuyển hàng hóa từ thị trấn U Minh đến các xã Khánh Hòa, Khánh Tiến của huyện. Do lượng xuồng ghe lưu thông lớn, hai bên bờ kênh thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở. Ông Nguyễn Văn Luôn, một cư dân địa phương, đã tiên phong trong việc đề xuất và thực hiện mô hình trồng cây mắm để chống sạt lở bờ kênh.

Ông Luôn cho hay: “Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân khi sinh sống tại ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi, nơi cây mắm mọc hoang dã. Tôi đã nhận ra giá trị của rễ cây mắm trong việc giữ đất”. Sau khi trồng cây mắm tại nhà vào năm 2010, ông Luôn nhận thấy rễ cây phát triển nhanh chóng, bám chặt mặt đất và ngăn chặn tình trạng sạt lở chỉ sau hai năm. “Thấy được hiệu quả của phương pháp này, nhiều hộ dân trong xóm đã học hỏi và trồng cây mắm trên phần đất của mình”, ông Luôn cho hay.

Khi đến xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời trong những ngày này, ngoài những con đường hoa và hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, một điều bất ngờ, những hàng cây mắm mọc dài theo mé bờ, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đất đai.

“Không phải ngẫu nhiên mà cây mắm phát triển mạnh mẽ tại khu vực này. Để có được những bờ mắm dày và cao như hiện tại, người dân đã bỏ ra không ít công sức để trồng và chăm sóc với mục đích chính là giữ bờ, chống sạt lở”, bà Huỳnh Thị Nga, ấp Đất Cháy, xã Phong Lạc cho biết.

Phong Lạc là một trong những địa phương có nhiều tuyến sông trồng mắm nhất, hiện nay hầu hết các con sông lớn, nhỏ ở đây đều được bao phủ bởi cây mắm. Bà Nguyễn Thị Bồn, một người dân ở ấp Đất Cháy, chia sẻ rằng: “Trước đây, sông trước nhà bà chỉ rộng khoảng 5 m, nhưng do sạt lở, lòng sông đã mở rộng đến 8 m. Người dân đã thử nhiều cách để giữ bờ, nhưng không lâu sau, những kè bờ bằng cây gỗ hoặc lưới mành đều bị hư hỏng. Tuy nhiên, từ khi trồng cây mắm, việc chống sạt lở đã trở nên dễ dàng hơn”.

Bà Bồn cho biết, sau gần 2 năm trồng, cây mắm trước nhà đã cao quá đầu, với rễ bám chặt vào mặt đất, giúp ngăn chặn sạt lở hiệu quả. Bà còn tận dụng cây mắm để làm củi nấu nướng.

“Việc trồng cây mắm tuy ban đầu cần nhiều công sức để giúp cây bám rễ vào đất, nhưng hiệu quả lâu dài là không thể phủ nhận. Cây mắm phát triển nhanh, khi có trái già sẽ tự rụng và mọc lên cây mới mà không cần trồng lại”, ông Đào Văn Thọ, một cư dân khác ở ấp Đất Cháy, cho biết.

Chủ tịch UBND xã Phong Lạc, ông Nguyễn Văn Hiên cho biết, với hệ thống sông ngòi phức tạp của địa phương, việc mua bán và vận chuyển hàng hóa bằng xuồng ghe vẫn phổ biến, dẫn đến nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, sau gần hai năm phát động phong trào trồng cây mắm, cây mắm đã phát huy hiệu quả trong việc giữ bờ, bảo vệ đất đai và công trình giao thông và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này.

Trong những năm qua Cà Mau đã trồng hàng trăm nghìn cây mắm ven biển.

Trong những năm qua Cà Mau đã trồng hàng trăm nghìn cây mắm ven biển.

Thảm xanh bảo vệ bờ biển

Cà Mau, với đường bờ biển dài 254 km (100 km bờ biển Đông và 154 km bờ biển Tây), đang phải đối mặt với thách thức lớn từ tình trạng xói lở bờ biển, một hệ quả của biến đổi khí hậu. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến an ninh dân sinh, kinh tế và xã hội ở các vùng ven biển của tỉnh.

Trong giai đoạn 2011-2021, Cà Mau đã mất hơn 5.250 ha rừng phòng hộ ven biển do xói lở, một con số tương đương diện tích của một xã. Riêng năm 2021, khoảng 300 ha diện tích ven biển đã bị sạt lở. Năm 2022, có 115 vị trí ven sông và bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 6.300 m.

Các khu vực xói lở nghiêm trọng, với tốc độ sạt lở trung bình từ 45 m đến 50 m mỗi năm, cần phải có các giải pháp bảo vệ ngay lập tức. Không ai nhận thấy rõ nguy cơ sạt lở bằng người dân sống ở đây và cũng không ai nhận rõ ngăn chặn sạt lở mà không tốn kém nhiều chỉ bằng cách trồng nhiều cây mắm.

Chương trình Hành động vì một Việt Nam xanh đã khởi động với mục tiêu trồng 120 nghìn cây xanh tại Cà Mau, nhằm bảo vệ bờ biển Tây khỏi sóng biển và sạt lở. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia tích cực của thanh niên Cà Mau.

Tham gia trồng cây mắm, bạn trẻ Lý Thị Thường Xuân cho biết: “Hoạt động trồng cây mắm chắn sóng chống sạt lở ở bờ biển Cà Mau, không chỉ đóng góp vào việc bảo vệ môi trường mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, quê hương. Đây là hoạt động ý nghĩa khi cây mắm không chỉ giúp giữ đất, chống xói mòn mà còn tạo điều kiện cho hệ sinh thái ven biển phát triển, duy trì sự sống của nhiều loài sinh vật”.

Tình cảm của nhiều bạn trẻ dành cho quê hương được thể hiện qua những giọt mồ hôi trên áo, từng động tác cẩn thận đặt cây mắm xuống đất bùn. Những khoảnh khắc này không chỉ là sự lao động đơn thuần, mà còn là niềm tự hào khi biết rằng, mỗi cây mắm được trồng là một lá chắn bảo vệ bờ biển, một hy vọng giữ gìn mầu xanh của vùng đất cuối cùng của Tổ quốc.

Thường Xuân cho biết thêm: “Hành động này còn là biểu hiện của trách nhiệm đối với thế hệ tương lai, bởi những hàng cây mắm sẽ trở thành bức tường xanh bảo vệ đất đai, bảo vệ sức sống của cả một vùng đất. Từng cây mắm nhỏ bé, nhưng mang trong mình sức mạnh lớn lao, là biểu tượng cho sự kiên cường, bền bỉ của con người và thiên nhiên Cà Mau”.

Anh Trần Đăng Khoa, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Cà Mau cho biết, chương trình Hành động vì một Việt Nam xanh nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cộng đồng và người dân về việc phát triển rừng và trồng cây xanh. Anh cũng bày tỏ hy vọng rằng, những cây xanh này sẽ được chăm sóc cẩn thận để bảo vệ đê biển và chống sạt lở đất.

Người dân như ông Nguyễn Minh Chiến, sống ở xã Khánh Tiến, huyện U Minh, ghi nhận rằng, kè biển đã giúp giảm sức mạnh của sóng, bồi tụ đất bùn và thúc đẩy sự tái sinh của cây rừng, tạo thành các thảm rừng xanh tốt bảo vệ đê biển.

Bên cạnh việc chống sạt lở, cây mắm còn có thể được sử dụng làm củi đốt. Sau khi cây mắm phát triển, người dân có thể tỉa thưa hoặc chặt hạ cây để lấy thân làm củi và cây sẽ tái sinh bằng cách đâm chồi mới. Một số hộ dân còn kết hợp trồng cây mắm vừa để chống sạt lở, vừa làm “cây cảnh.” Thí dụ, ông Nguyễn Văn Chinh, ấp Hàu Vỏ (xã Khánh Tiến) đã tạo ra một hàng rào mắm xanh mướt dài hơn 70 mét, mắm-không chỉ bảo vệ bến sông, bờ biển khỏi sạt lở mà còn tạo nên cảnh quan đẹp mắt.

Ngày 23/8, tại huyện Trần Văn Thời, Tỉnh đoàn Cà Mau phối hợp Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức chương trình trồng cây cho năm 2024. Chương trình năm nay tập trung trồng 160 nghìn cây xanh tại ba tỉnh: Cà Mau, Quảng Nam và Kon Tum, trong đó riêng Cà Mau đã trồng 120 nghìn cây mắm nhằm bảo vệ bờ biển Tây khỏi sạt lở, xói mòn. Tính đến nay, chương trình đã trồng được hơn 690 nghìn cây xanh và gieo 60 nghìn hạt giống tại 19 tỉnh, thành phố và 9 vườn quốc gia trên khắp cả nước.

Theo Bài và ảnh: ANH BẰNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.