U Minh giữa Sài Gòn: Bác Ba Phi ở... Thủ Thiêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vướng đền bù giải tỏa, mười mấy năm nay hàng trăm héc ta đất tại khu Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) bị bỏ hoang. Những nền nhà bị phá, cây cối mọc um tùm, chim thú kéo về tạo thành 'rừng U Minh' giữa Sài Gòn.
Mỗi tối, gia đình ông Hơn tập trung ở đầu khu tạm cư để hóng mát và trò chuyện ẢNH: TRUNG DU
Mỗi tối, gia đình ông Hơn tập trung ở đầu khu tạm cư để hóng mát và trò chuyện ẢNH: TRUNG DU

Vì vướng đền bù giải tỏa, mười mấy năm nay hàng trăm héc ta đất tại khu Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) bị bỏ hoang. Những nền nhà bị phá nham nhở, cây cối mọc um tùm, chim thú kéo nhau về ở, tạo thành “rừng U Minh” ngay giữa Sài Gòn.

Ông Hơn đốt lửa đuổi ong khỏi tổ để lấy mật
Ông Hơn đốt lửa đuổi ong khỏi tổ để lấy mật
Rình ếch, săn ong...
Hơn chục năm, gần 10 tiếng/ngày ngụp lặn trong rừng dừa nước săn bắt chim cá kiếm sống, tính tình lại hay tếu táo nên người dân quanh đó yêu mến gọi ông Lê Văn Hơn là “bác Ba Phi”(*).
Chỉ tay vào khu giải tỏa cây cối um tùm, ông Hơn nói: “Hơn chục năm nhờ ếch, cá, rau thuốc ở “cánh rừng Thủ Thiêm” này mà nhà tôi hơn 15 người không chết đói đó”.
Nhà ông Hơn ở khu tạm cư (512/75c, ấp 4, đường Trần Não, Q.2), cách khu đô thị Sala, Q.2 chỉ một con đường đất nhưng là một thế giới hoàn toàn khác. Sau cơn mưa kéo dài gần hai giờ cộng triều cường, khu tạm cư như chìm trong bể nước. Cái phản gỗ mục trong nhà ông Hơn bị nước đẩy nổi lềnh bềnh như muốn rời ra từng mảnh. Gia đình ông Hơn không thể ngồi được trong nhà mà phải kéo ra bãi đất trống ở đầu khu. Trong hoàn cảnh như thế, là “đầu tàu”, ông Hơn vẫn thường nói đùa để động viên các con, mua vui cho cả nhà.
Ông kể chuyện săn ong, rình ếch trong rừng dừa nước: “Mấy hôm rồi, đêm nào tôi cũng nghe một cặp ếch kêu ngang cửa. Nghe tiếng kêu là tôi biết chúng đang giận nhau, định chạy ra xem nhưng lúc nào vừa mở cửa con chó cũng tài lanh chạy ra sủa inh ỏi nên cặp ếch chạy mất”. Câu chuyện bị cắt ngang bởi tiếng kêu râm ran của mấy con ếch. “Đó, mưa xong nó lại ra đó”, ông nói rồi chỉ tay về phía rừng dừa nước.
Ông Hơn bắt ếch mấy chục năm nay đã thành nghề nên nhắm đâu trúng đó. Nghe tiếng ếch kêu ông nói mình có thể đoán được con ếch nặng khoảng bao nhiêu. Nói đoạn, ông lại bụi trúc cạnh nhà chặt một cây bằng ngón tay trỏ, vót nhọn rồi dặn chúng tôi cứ ngồi chơi. Lát sau, ông trở lại với một cặp ếch to tướng chừng hơn ký lô: “Cặp ếch tình nhân mấy hôm trước cãi nhau trước nhà đây!”. Nghe ông nói, mọi người đều bật cười, quên cả mưa lạnh.
Chỉ sau thời gian tàn một điếu thuốc, ông Hơn đã mang lên một giỏ đầy cá các loại
Chỉ sau thời gian tàn một điếu thuốc, ông Hơn đã mang lên một giỏ đầy cá các loại
Ngoài bắt ếch, ông Hơn còn thiện cả nghề săn ong. Với ông, nhìn đường bay của ong, đi theo ong là có thể tìm tới tận tổ. Như để minh chứng tài bắt ong của mình, ông Hơn vào trong nhà lấy ra một chai mật ong to tướng rồi tếu táo: “Mật này, lấy trong “rừng” Thủ Thiêm chứ đâu. Trong “rừng” này, ngoài cọp ra, con gì cũng có”, vừa cầm chai mật ong ông vừa kể việc theo ong: “Hôm đó thấy mấy con ong mật quanh quẩn bên giàn mướp, tôi tìm đường chúng đi rồi lần theo. Tới nơi, hàng ngàn con ong đang bơm mật chi chít. Đốt lửa đuổi ong xong tôi cắt tàn vào thau mang về vắt ra được gần chục lít”.
Ổ cá trê “biết nói”
Để mục sở thị khu dân cư trước đây đã biến thành “rừng” và tài đánh bắt của ông Hơn, tôi mang ủng, theo ông vào “rừng”. Chỉ qua con rạch thứ hai, gần nửa người tôi đã chìm trong bùn non, đôi ủng cao tới đầu gối tràn đầy nước sình. Lội tiếp qua bảy, tám con rạch nhỏ nữa, chúng tôi đến chỗ ông Hơn thường đánh cá. Chỗ này, qua những tảng bê tông nhỏ còn sót lại, ông Hơn vẫn nhớ nguyên đó là nền nhà của ông Mười (một người dân Thủ Thiêm), vì giải tỏa đã đi hơn chục năm nay. Ông Hơn bảo chỗ này nhiều cá phi, cá lóc, tôm đất và cả cua. Nếu để ăn chơi, chừng 10 phút thả lưới là có thể về.
Nói đoạn, ông bước xuống con rạch gần đó và thả lưới. Một lát sau ông trở lên bờ, để nguyên quần áo bết đầy bùn, hạ chiếc nón lưỡi trai cũ mèm xuống đất, tháo bịch ni lông nhỏ buộc quai mũ phía sau lấy ra điếu thuốc lá rồi châm lửa: “Hút hết điếu thuốc này thì xuống thăm cá. Chuẩn bị giỏ đi”. Tàn điếu thuốc, ông lội bùn ra chỗ lưới kéo lên một tay lưới nặng trĩu đủ thứ từ cá phi, cá trê, tôm đất, cua và cả rùa.
Ông Hơn vừa gỡ từng con ra khỏi lưới vừa kể không ít lần ông sa vào ổ, bắt được một mẻ, cả trăm con cá to. Hồi đầu tháng 3, trong một lần đi đặt lú buổi tối ông trúng đậm. “Tối đó, tôi linh tính gặp chỗ cá nhiều vì trước khi đi cá thì phát hiện lú rách. Vá lú xong, vẫn như mọi khi tôi đi đặt sớm và cài cắm cẩn thận. Sáng hôm sau ra thăm, thấy lú nặng trĩu hàng trăm con cá trê, mỗi con phải tới 2 - 3 kg, con to hơn thì 4 - 5 kg”, ông Hơn kể. Hôm đó, ông vác một bao cá đầy về nhà rồi huy động thêm hai con trai vác thêm năm chuyến nữa mới hết cá.
Ông Hơn hồi tưởng, một lần cách đây khoảng hai năm, vào khoảng 3 giờ sáng, ông nghe tiếng ùm ùm phía dạ cầu ngăn đôi khu Sala với khu tạm cư. Tò mò, ông mở cửa ra xem thì nghe tiếng trẻ con nói chuyện í ới. Tới gần, không thấy bóng dáng trẻ con nào mà chỉ có một đàn cá trê đang quẫy đuôi đùa nghịch nói chuyện xôn xao. Thấy vậy, hôm sau ông tìm đúng con rạch dẫn từ “rừng” Thủ Thiêm vào phía dạ cầu. Y như rằng ngày đó ông trúng mấy trăm ký cá trê bự.
Suốt quãng đường từ “rừng” về tới nhà ông Hơn, tôi không tin câu chuyện cá trê biết nói ông Hơn kể nên đem ra hỏi cả nhà thì được một trận cười vang. Bà Nguyễn Thị Nhung (vợ ông Hơn) xác nhận: “Đêm đó đúng là ổng trúng mấy trăm ký cá trê thiệt. Nhưng ở đâu mà có cá trê biết nói, ổng ở đây nổi tiếng là bác Ba Phi kể chuyện tiếu lâm mà”.

Hái thuốc nam giúp người

Thấy cây thuốc nam giúp được nhiều người nên ngoài bắt cá ếch, săn ong, ông Hơn còn sưu tầm nhiều cây thuốc quý. Dừng lại chỗ có một cây phèn đen to bằng bắp đùi trẻ con, ông Hơn nói: “Cây phèn đen này trước mọc dại gần nhà tôi, nhỏ bằng ngón tay cái. Hơn 20 năm qua, giờ nó thuộc hàng thuốc nam “cổ thụ” rồi”.

Ông hạ dao chặt một nhánh lớn để tặng cho người quen ở Kiên Giang. Hơn tháng trước, nghe chị này bị đau xương sống phải nghỉ làm, ông Hơn cho cây phèn đen về nấu nước uống. Chị khỏi đau nên ghé nhà nhờ ông Hơn chặt thêm thuốc để gửi về quê cho người thân chữa bệnh.

Bây giờ trước cửa nhà ông có trồng một cây xanh để chữa bệnh đau bao tử. Cây này ông không rõ tên, được một người bạn thân tặng. Mỗi khi bị đau bao tử, hái một nắm lá nhai sống một lúc là hết đau nên ông đặt tên “cây bao tử”. Quý cây thuốc, ông chiết từng nhánh nhỏ thành cây, thỉnh thoảng lại tặng người thân, bạn bè.

“Cho người ta uống khỏi bệnh là mình mừng. Tôi không lấy tiền công nhưng nhiều người vẫn nhét cho tiền hoặc mua vài lon bia, chai rượu. Mình lấy cho họ vui, không phải áy náy”, ông nói.

(còn tiếp)
(*) Bác Ba Phi là nhân vật dân gian Nam bộ hay nói dóc, kể chuyện tiếu lâm khiến người xung quanh cười vui vẻ.
Theo Lam Ngọc (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".