Đa Mi gần mà xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người có nhà gần nhất là trên 30 km. Cứ sáng thứ hai hằng tuần, họ tất tả rời nhà. Đường đến trường vào mùa mưa tiềm ẩn bao hiểm nguy lúc vượt đèo Đa Mi
Tôi đi Đa Mi - xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, giáp huyện Bảo Lâm của tỉnh Lâm Đồng - có độ cao 500 m so mặt biển.
Như ở ốc đảo
Trước đây, không nhiều người biết Đa Mi, trừ cánh thợ rừng. Từ năm 1997, khi chuyên gia nước ngoài vào đây khảo sát tổ hợp thủy điện, Đa Mi được biết nhiều hơn. Rồng rắn một con đèo mở từ huyện Bảo Lâm vào tạo nên đèo Đa Mi dài loằng ngoằng, nơi mà những ngày âm u người ta vén được mây trời.
Năm 2001, tổ hợp thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành. Đa Mi như một thiếu nữ nhan sắc, nay thêm chút phấn hồng càng xinh đẹp, hấp dẫn. Rồi xã Đa Mi được thành lập và người từ 57 tỉnh, thành đến đây. Rồi thôn xóm hình thành trên lưng đồi, triền đập; tận cả nơi thăm thẳm núi rừng mà trước đây thực dân Pháp dồn người bệnh phong các nơi vào đó để chôn vùi tăm tích.
Điểm trường Đa Kim ở xã Đa Mi
Điểm trường Đa Kim ở xã Đa Mi
Vừa tới đầu ngã ba hồ Hàm Thuận, tôi gặp ngay Ngô Xuân Vân, Bí thư Đảng ủy xã Đa Mi.
Hơn 20 năm trước, Vân lên Đa Mi tham gia công tác bảo đảm an ninh công trường. Công trường kết thúc, Vân ở lại làm bí thư chi bộ, rồi bí thư Đảng ủy. "Sau đại hội tới đây, tôi nghỉ hưu. Vậy là hoàn thành trách nhiệm với nhà nước nhưng có chút ưu tư là vì hôm qua mấy giáo viên gặp tôi, nói: "Đường vô 2 thôn La Dày, Đa Kim hổng thấy làm? Họ dạy ở đây, người ít vài năm, nhiều trên 6 năm, ai cũng cảm giác như đang công tác ở ốc đảo" - Vân kể.
Rồi Vân cho biết toàn xã có 700 ha cây ăn trái các loại, trên 2.300 ha cây trồng khác. Sầu riêng Đa Mi chở đi bán khắp nơi. Cà phê năng suất khá. Thu nhập bình quân của 4.100 dân trong xã là 34 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm liền không có người chết vì sốt rét.
Riêng giáo dục, từ chỗ không có trường, rồi trường ván, mái tôn, nay thì 4 trường của xã, từ mẫu giáo đến THCS đều xây. Tuy nhiên, ở La Dày và Đa Kim, các thầy cô gặp gian nan hơn.
Trụ được đã đáng quý
Hồi chưa đủ phòng tập thể, nam nữ phải ở chung phòng. Có cô sợ chồng nghi ngờ nên mang cả con lên trường cùng ở với mình. Sáng sáng, trước giờ lên lớp, tuy có màn vải phân chia thế giới anh - tôi nhưng có cô vẫn cứ ré lên: "Nhắm mắt lại nghe, các ông ơi!".
Nhưng phần lớn là giáo viên trẻ nên trong gian khổ vẫn tìm thấy sự lạc quan nhất định. Nhờ vậy mà họ vượt qua con đường gian khổ để đến La Dày, Đa Kim. Đây là con đường công trình thời kỳ xây đập thủy điện. Hàng ngàn xe tải trọng nặng chở đất đá chạy ầm ầm, đến khi thủy điện hoàn thành thì cốt đường hỏng hoàn toàn.
"Hơn 20 năm nay không được tu bổ, làm sao không xấu? Một năm trước, tỉnh ghi vốn nhưng chưa khởi công. Giáo viên họ nói đúng. Đường xấu kéo theo bao nhiêu cái khó khác. Vì vậy, giáo viên nào trụ được ở La Dày, Đa Kim vài năm đã đáng quý rồi" - anh Vân nói.
Từ ngã ba lòng hồ Hàm Thuận, tôi theo con đường ngoằn ngoèo dẫn về La Dày, Đa Kim. Chỉ đi tốt ở vài cây số đầu, còn sau đó là sống trâu, đá tảng lô nhô. Xe nhảy chồm chồm.
Trường Tiểu học Đa Mi 2 dựa lưng vào núi. Một dãy nhà ngang, bậc thềm cao hướng ra đường, vài phòng học và phòng tập thể của giáo viên. Một dãy nhà ngang khác là nơi làm việc của ban giám hiệu và phòng Đoàn, Đội.
Hiệu trưởng Trần Văn Tiếng ngoài 50 tuổi, cao lớn, nom hiền lành. 24 năm theo ngành giáo dục, Tiếng nói chưa lần nào anh dạy ở đồng bằng.
"Thoạt trông giáo dục ở đâu cũng giống nhau. Thật ra, nó bị chi phối bởi đặc điểm của từng địa phương. Địa phương nào người đứng đầu quan tâm giáo dục thì giáo dục sẽ phát triển. Trường nằm ở nơi khá về kinh tế thì dân sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho giáo dục. Trường nằm trên địa bàn có truyền thống hiếu học thì học sinh cũng ham học hơn" - Tiếng phân tích.
Ở Đa Mi 2 thì 100% dân làm nông. Sáng lên đồi, tối về. Thôn không có chợ. Sóng điện thoại chỉ có Viettel. Truyền hình chảo hôm nào trời trong thì có tín hiệu được một lúc. Thiếu hẳn các hoạt động văn hóa để sau đó văn hóa hỗ trợ lại giáo dục.
Một điểm trường ở Đa Mi
Một điểm trường ở Đa Mi
Tiềm ẩn bao hiểm nguy
Trường Đa Mi 2 có 19 giáo viên thì 15 giáo viên phải ở trong nhà tập thể. Người có nhà gần nhất là trên 30 km. Cứ sáng thứ hai hằng tuần, họ tất tả rời nhà. Đường đến trường vào mùa mưa, nhất là khi mưa lớn, tiềm ẩn bao hiểm nguy lúc vượt đèo Đa Mi.
Sau giờ dạy, cơm nước xong xuôi, chỉ có thú vui nhất là tụm lại kể cho nhau nghe những chuyện mới thu lượm được trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Những điều riêng tư được gói trong tiếng thở dài giữa đêm khuya.
Tiếng nói cũng kín đáo vì ít nhiều sợ tác động đến giáo viên, nhất là mấy cô mới ra trường, xa người yêu, chưa quen với đời sống tập thể, những người có hoàn cảnh khó khăn.
Lúc này, sau dấu hiệu u ám ban sáng, bầu trời bắt đầu gieo cơn thịnh nộ xuống núi rừng. Mù trắng tất cả. Không gian vụn ra vì mưa. Nước từ núi đổ xuống ầm ào như có thác, chảy tràn trên đất, kéo theo bùn, lá mục.
Thầy hiệu trưởng nhìn ra màn mưa, rồi nói: "Mùa mưa, giáo viên dạy tại điểm trường thôn Đa Kim gian nan lắm, dù chỉ cách trường chính 5 km. Mưa này, việc dạy xóa mù chữ cho bà con dân tộc Tày, Nùng ở cách đây 10 km phải gác lại, chờ nắng. Khi đó chữ nghĩa trong họ rơi rụng hết, lại phải dạy lần nữa".
Dạy cho đồng bào Tày, Nùng học bổ túc thì có hàng trăm chuyện kể. Có chị mang cả đứa con vài tháng tuổi vào lớp, do chồng say rượu không giữ được. Có chị bụng bầu lặc lè vào lớp, chưa đánh vần được chữ nào thì trán đã dấp dính mồ hôi. Có người năm nào cũng thấy bầu bì.
Rất khó tích lũy
Tôi hỏi giáo viên của trường có trường hợp nào cần lưu ý? Tiếng nhắc ngay tên cô giáo Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi, nhà ở cách trường 100 km.
"Nhiều cô khó khăn, nhưng cô Hạnh đặc biệt hơn cả. Ngoài dạy, Hạnh còn làm tiếp phẩm vì chúng tôi phải mua thức ăn dành cho cả tuần từ đồng bằng lên. Sức khỏe giáo viên tốt hay không một phần ở bàn tay Hạnh. Bởi mỗi người chỉ có khả năng đóng khoảng 1 triệu đồng tiền ăn/tháng. Muốn đóng thêm cũng khó vì ai cũng chỉ được thêm 0,5 phụ cấp công tác vùng cao, lại không được hưởng chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở các xã gần đó chỉ vì tỉ lệ đồng bào thiểu số ở Đa Mi chưa đủ so với quy định.
Tôi ấn tượng ngay khi gặp Hạnh.
"16 tuổi, em học khóa đào tạo giáo viên 9+3. Ra trường một thời gian thì lên dạy các xã vùng cao. Năm 2016 được điều động lên Đa Mi 2. Có thời điểm dạy tại Đa Kim, nơi có dãy phòng học 3 lớp trên ngọn đồi trông xuống nhánh sông La Ngà" - Hạnh nói sau khi Tiếng giới thiệu tôi. Cô giáo có gương mặt phúc hậu này vừa chạy xe trong mưa đến trường được vài phút, với chiếc giỏ nhựa đựng đầy thức ăn sau xe.
Con Hạnh, đứa nhỏ nay mới 6 tuổi. Chồng mất, Hạnh phải cáng đáng luôn cả ông nội già cả và đứa em trai tàn tật. "Em tính sẽ sửa lại chiếc xe máy để chiều thứ sáu nào cũng được về với con. Gần 100 km nhưng em sẽ vượt qua" - Hạnh khẽ vuốt tóc, nhìn tôi.
Con gái lớn của Hạnh năm nay 10 tuổi, ngoan, học giỏi, nghe lời mẹ nhưng cũng có hôm làm mẹ điếng hồn. Bữa đó, bé gọi cho mẹ bảo "con đau bụng". Nửa giờ sau, Hạnh gọi lại cho con, máy không trả lời. Gọi cho ông nội cũng không được.
Những chuyến xe đầu tuần đến trường của cô giáo Trần Thị Bích Hạnh luôn như thế này
Những chuyến xe đầu tuần đến trường của cô giáo Trần Thị Bích Hạnh luôn như thế này
"Chiều ấy đang ở Đa Kim, em xin nghỉ sớm rồi phóng xe đi. Lúc ấy không còn biết gì là đường xóc, vực sâu. Miệng lầm thầm bảo "con chờ mẹ về, mẹ có lỗi với con quá". Đến nhà thì ông đã cõng cháu lên trạm y tế. Hai ông cháu đều quên điện thoại ở nhà.
Giáo viên như Hạnh, sau 19 năm đi dạy, nay thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Số tiền đó mà trong hoàn cảnh nhà cô thì rất khó tích lũy. Đến lúc này, tôi đã hiểu phần nào việc dạy học ở vùng thâm sơn La Dày, Đa Kim là thế nào. Tôi cũng hiểu vì sao Vân muốn tôi vào La Dày, Đa Kim.
Những người nặng lòng với giáo dục thường làm nhiều hơn nói là vậy. 

Gian khổ đều vượt qua

Nhà của học sinh ở điểm trường Đa Kim phần lớn trên đồi, hẻm núi. Từ nhà đến trường có khi vài cây số đường rừng. Các em mới chỉ 6-7 tuổi, mưa nắng đi một mình rất nguy hiểm. Thương các em nên bao nhiêu gian khổ thầy cô đều vượt qua. Mùa mưa, cô trò phải rủ nhau cùng về. Hôm nào nước núi xuống nhiều, tràn đường, thầy cô hì hục cùng đẩy xe. Hết đẩy nổi thì gọi điện để cả trường đến giúp. Học trò không đến lớp, cô thầy tìm đến nhà động viên, dù đồi cao, rừng thẳm thế nào cũng phải đi.

Bài và ảnh: Hà Thanh Tú (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.