Di sản của một vị tướng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...

Bí mật của tướng

Hiểu biết của Đại tá Lê Trung Dũng về bố lặp đi lặp lại trong hình ảnh ông đội chiếc nón tai bèo, quấn khăn dù, một tay kẹp tài liệu, bên hông cặp một khẩu súng lục. Bố đi trước, mấy mẹ con theo sau, đến trước cổng khu tập thể thì có một chiếc xe Jeep đang chờ. Ông bước lên xe, để chiếc ba lô bên hông, rồi tạm biệt vợ con. Mỗi lần như thế, Dũng lại thấy mẹ thẫn thờ. Khi đã quá quen với những lần chia tay bố, anh nghe mẹ trút ra một nỗi ám ảnh: “Mỗi lần bố lên xe ra trận, mẹ đều có cảm giác ông sẽ không quay về”.

May thay, chiếc xe Jeep hồi đó luôn trả ông về nhà, dù không bao giờ hẹn trước. Bố mẹ Dũng gọi những chuyến đi đó là “đi B”. Đó là tất cả những gì anh được biết về công việc của bố. Anh Dũng nhắc lại những ký ức xa xưa nhất về bố, vào cái ngày ông vừa nằm xuống ở tuổi 97, với 75 năm tuổi Đảng.

Tôi hỏi: “Đến bao giờ thì anh mới biết về công việc của bố anh?”. “Đến bây giờ tôi cũng không biết hết. Sau này thì tôi có biết hơn, qua sách báo và chuyện kể của người này người kia, chứ cũng không gọi là biết”, anh trả lời. Thật lạ khi đó là lời của con trai một thiếu tướng, một nhân vật lịch sử. Chỉ cần lên Google gõ “Thiếu tướng Lê Phi Long”, các bài báo, video, tiểu sử, và cả quá trình hoạt động cách mạng của tướng Long đã hiện ra.

Thiếu tướng Lê Phi Long. Ảnh: GĐCC

Thiếu tướng Lê Phi Long. Ảnh: GĐCC

Ông nguyên là Cục phó Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu, là Chủ nhiệm Tác chiến cánh Đông trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, là người kề cận tướng Lê Trọng Tấn, tướng Võ Nguyên Giáp trong các trận đánh quan trọng nhất của cách mạng. Chiến trường miền Nam, chiến trường biên giới phía Bắc, chiến trường Campuchia đều có dấu chân ông với những vai trò quan trọng trong tham mưu tác chiến. Lê Phi Long được xem là một nhân chứng lịch sử có đóng góp quan trọng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh…

Nếu không chủ ý tìm hiểu về ông, cũng dễ gặp cái tên Lê Phi Long trong câu chuyện về một sĩ quan làm nhiệm vụ theo dõi chiến trường miền Nam, mỗi ngày 3 lần viết báo cáo cho các Ủy viên Bộ Chính trị về tình hình tại các mặt trận. Một người làm nhiệm vụ mang mật lệnh của Bộ Chính trị ra chiến trường; rồi mang thông tin chiến trường về với cơ quan đầu não. Một người luôn có sẵn một chiếc trực thăng để lên đường cho những nhiệm vụ quan trọng, cấp kỳ. Câu chuyện về ông còn gây ấn tượng với người trẻ đọc lịch sử, khi ông từng được cấp tấm thẻ đỏ ghi tên mình cùng dòng chữ rất “ngầu”: “Người sử dụng thẻ này có quyền huy động mọi phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam, được quyền ưu tiên đặc biệt trong vận chuyển”.

Thế nhưng, dường như chữ “biết” của người con trai trưởng Lê Trung Dũng vượt ra khỏi những câu chuyện chung về lịch sử. Cái “biết” của cật ruột về công việc của bố, theo lẽ thường, sẽ phải tường tận hơn, thâm cung bí sử hơn những gì truyền thông và công chúng được biết. Thế nhưng, anh Dũng “không biết”. Anh Dũng không biết nhiều hơn về nội tình cách mạng. Nhưng, mỗi lần hỏi chuyện bố, anh càng thấm thía một điều: nguyên tắc bí mật quân sự đã thấm vào máu, vào quán tính nơi ông. Vị cán bộ cấp cao năm nào vào ra chiến trận với những thông tin sống còn của cách mạng, đã mang lời thề trung tín: Nội tình của tổ chức, để lại cho tổ chức; những chi tiết lịch sử, để lại cho lịch sử. Anh Dũng không lạ về sự bình thản của bố. Thỉnh thoảng ông vẫn kể về những kỷ niệm thời chiến, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Lê Trọng Tấn - những người mà ông kề cận và kính trọng. Nhưng đó chỉ là chia sẻ của một người cha, tuyệt nhiên không phải là một cuộc luận bàn lịch sử.

Tôi chợt nhớ một chi tiết từng được nghe về tướng Lê Phi Long. Ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, kết thúc cuộc chiến dài 30 năm, cũng là lúc ông Lê Phi Long hoàn tất một nhiệm vụ lớn và trường kỳ trong binh nghiệp. Chiều hôm đó, trong một cuộc phỏng vấn, phóng viên nước ngoài hỏi: “Giờ ông muốn làm gì nhất?”. Ông Long đáp: “Tôi muốn về nhà”. Câu trả lời như xuyên qua cái khí thế thắng trận đang tràn ngập khắp nơi. Sau một cuộc chiến quá dài, việc nán lại tận hưởng vinh quang để an ủi phần người đã nhọc nhằn sinh tử - cũng là một điều dễ hiểu. Nhưng ông Long chỉ muốn về nhà. Một ý muốn nhẹ nhõm đến kinh ngạc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì về nhà, vậy thôi!

Tôi hỏi anh Dũng: “Hình ảnh một vị tướng và hình ảnh người cha của ông có giống nhau không?”. Anh Dũng đáp: “Vẫn vậy. Ông lúc nào cũng uy nghi, bình thản, trung thực, không trầm trọng một điều gì, cũng không hay la mắng, dạy bảo con cái. Ông cứ sống như một tấm gương và ảnh hưởng lên các con thôi”. Tôi chợt hiểu, cái tín nghĩa, uy nghi, bình thản, hay cái ý muốn về nhà trước ngưỡng vinh quang của đoạn đời sinh tử nọ, đều không gắn với một phiên bản riêng biệt nào, dù là người lính hay người cha. Tất cả là phẩm chất của một con người. Rũ bỏ tấm áo lính và những danh hiệu, bước ra khỏi binh đao, vẫn là một Lê Phi Long như thế.

Một người lính thì có thời chiến và thời bình, có thắng và bại, nhưng một con người thấu rõ và tuân thủ lẽ sống của mình, thì từng ngày trôi qua đều chú tâm, trọn vẹn, mà bình thản như một nhịp điệu thường tình. Mọi thành bại đều là diễn biến tự nhiên, có nhân, có quả. Nghĩ vậy, nên phân biệt chi một mệnh lệnh đơn lẻ nào đó là do ai ban xuống. Tất cả là thành quả của cả dân tộc. Trong đó có cả những người dân dọc đường từng giúp một chai nước, miếng cơm mà ông cứ đau đáu nhớ suốt thời bình…

Ký ức của một người con

Dù trả lời phóng viên là vậy, nhưng phải 1 tháng sau ngày đất nước thống nhất, ông Long mới về nhà. Năm đó, anh Dũng 17 tuổi. Lần trở về đó của bố cũng không khác mấy so với những lần trước. Chỉ khác là ông mua được một cây quạt máy của Nhật. Lần đó, anh em Dũng chỉ biết, bố đi B về, giải phóng miền Nam rồi.

Cuộc sống của cậu con trai có bố là sĩ quan giải phóng quân cũng không khác mấy sau ngày đất nước thống nhất. Mỗi ngày, ông Long vẫn vào Cục Tác chiến làm việc. Cứ đều đặn vài tuần, ông lại có chuyến công tác vào Nam. Chiến trường Tây Nam, rồi chiến tranh biên giới phía Bắc đưa ông vào những cuộc chiến khác. Phần nuôi dạy con vẫn một tay mẹ anh lo liệu. Phần bố là những buổi chiều làm việc ở Hà Nội, tập trung các con lại dạy đá bóng.

Thời bao cấp khó khăn, cả nhà sống bằng đồng lương ít ỏi. Mỗi người trong CLB Quân đội được phát cái tem, bỏ thêm mấy hào là mua được 2 cốc bia. Chiều nào cũng thế, bố đá bóng xong thì ngồi uống với đồng đội một cốc bia, còn một cốc ông đổ vào chiếc ly, đem về cho mỗi đứa con uống vài ngụm. Ngụm bia thời khốn khó của tuổi mười tám, đôi mươi có sự ân cần lặng lẽ của bố, nên cứ day dứt nhớ. Kể đến đó, anh Dũng chợt cười nhẹ: “Cũng là cốc bia, nhưng có một chuyện mà cả đám bạn tôi đến giờ vẫn nhắc hoài”.

Năm đó, anh Dũng đang là Đại úy công an, làm việc ở TPHCM và có chuyến công tác ở Hà Nội cùng 2 đồng nghiệp trẻ khác. Về Hà Nội, ban ngày anh làm việc, ban đêm gặp bạn bè, toàn về đến nhà khi bố đã ngủ. Một buổi sáng, anh thức dậy thì thấy chiếc bảng trắng dưới chân cầu thang có dòng chữ của bố: “Tôi, Thiếu tướng Lê Phi Long xin được gặp Đại úy Lê Trung Dũng chiều nay, lúc 16 giờ”. Đó là một cuộc hẹn dặn dò chuyện gia đình trước khi ông đi công tác. Dòng tin hóm hỉnh khiến người con đến mấy chục năm sau, ngồi giữa đám tang bố, vẫn bật cười. Rồi anh Dũng nói vu vơ: “Cuối cùng, bố cũng không viết hồi ký. Nhiều chuyện quan trọng bố được biết, bố không kể, không viết, rồi mang đi thật. Mà chẳng biết bố có mang đi không, vì cả đời ông sống rất nhẹ nhõm”.

Giọng anh Dũng cũng nhẹ tênh. Cuộc trò chuyện dài nãy giờ cũng không có vẻ gì là chuyện về một người vừa nằm xuống. Tôi nghe anh Dũng im lặng một hồi lâu, một khoảng lặng bình thản như xung quanh vẫn là một không gian yên ả thường tình, giữa những người đang rất thư thái, nhẹ nhõm. Tôi nói: “Bố anh không để lại hồi ký, cũng không kể nhiều về nội tình lịch sử. Nhưng ký ức về cuộc đời nhẹ nhõm của ông, và cả cảm giác nhẹ nhõm của anh bây giờ - đó chính là di sản của bố”.

Di sản dễ thấy nhất của những vị tướng, hẳn nhiên là một đất nước hòa bình thống nhất mà chúng ta đang sống. Nhưng nói như tướng Long, đó là di sản của Đảng, của cả một thế hệ. Nói về đời riêng của mỗi người lính, một khi đã đi qua nhiều cuộc chiến, sống một cuộc đời đầy đặn ở cả thời chiến lẫn thời bình, sao tránh được những thăng trầm, thắng bại, mừng tủi. Vậy mà câu chuyện kể vào ngày người nằm xuống, chỉ thấy những ký ức nhẹ nhõm, những đúc kết trung dung, bình thản. Sự nhẹ nhõm đó, sẽ là di sản vô giá cho một dân tộc mới đi qua những đại tự sự, với những dư chấn hậu chiến chưa nguôi…

Theo MINH TRÂM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Không chỉ có hàng trăm loài động, thực vật (trong đó có nhiều loài đặc hữu, hàng chục loại có tên trong sách đỏ Việt Nam), rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin còn là đầu nguồn của dòng Sêrêpốk. Tuy nhiên, việc gìn giữ tài nguyên rừng quý giá nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Thủy lợi Ea Kao, Krông Búk hạ hay Thủy điện Dray H’linh và nhiều công trình trên đường hành tiến chinh phục năng lượng là dấu ấn sinh động của tinh thần dám nghĩ, dám làm; là niềm tự hào về sự chung sức đồng lòng, sáng tạo; sự vĩ đại, phi thường dùng sức người để trị thủy, thu gió, gom nắng.
“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Ở cái tuổi ngồi hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, hàng ngày chỉ cần đi từ giường ngủ ra bàn ăn, nhưng “lão đại” Trần Lê Hùng lại chọn con đường khác. Với ông, già thì già, máu tươi có thể thiếu chứ “máu đi”, máu xê dịch thì lúc nào cũng căng tràn.