Hương ước chưa bao giờ mất đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Từ ngàn đời xưa, ảnh hưởng tập tục sống du canh du cư, người Cơ tu đã xem từng mảng rừng là nhà, từng mảng trăng là đèn và tôn thờ rừng như vị thần.

Với họ, rừng không chỉ là nguồn sống, là nơi chở che mà còn ôm ấp, vỗ về họ như người ba, người mẹ. Vì lẽ đó, trong đời sống hằng ngày, người Cơ tu lập ra hương ước và luật tục để rừng mãi trường tồn. Chẳng may rừng mất đi, họ sẽ mất nhiều thứ.

Già làng Bùi Văn Siêng cho rằng, người Cơ tu xem rừng là của chung, rừng còn thì người còn, là mạch nguồn sống nên ai cũng có nghĩa vụ giữ rừng như giữ mình. Ảnh: H.T.V

Già làng Bùi Văn Siêng cho rằng, người Cơ tu xem rừng là của chung, rừng còn thì người còn, là mạch nguồn sống nên ai cũng có nghĩa vụ giữ rừng như giữ mình. Ảnh: H.T.V

Tại thành phố Đà Nẵng, người Cơ tu với gần 1.500 nhân khẩu tập trung ở huyện Hòa Vang thuộc các thôn Giàn Bí, Tà Lang (xã Hòa Bắc) và Phú Túc (xã Hòa Phú). Ngày trước, họ sống du canh du cư, di tản khắp cánh rừng để canh tác. Với họ, rừng là tất cả và chi phối mọi mặt trong đời sống hiển hiện qua câu hát dân ca, “Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát - Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo - Con người Cơ tu cần mẹ rừng che chở - Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở - Cho mùa màng ta luôn bội thu...”.

Ký ức nơi rừng sâu

Về thưởng ngoạn cảnh sắc ở Hòa Bắc khá nhiều lần, với tôi, lần nào cũng như lần đầu tiên. Tôi cảm nhận, Hòa Bắc tựa cô thôn nữ mười tám, đỏng đảnh sáng nắng trong, chiều nhạt vội và có vẻ đẹp lạ như sương, như núi. Đẹp hơn bởi nơi này đa dạng văn hóa khi có cộng đồng người Cơ tu sinh sống. Đón tôi tại nhà Gươl thôn Giàn Bí - biểu tượng văn hóa người Cơ tu là Trưởng thôn Trần Xuân Trung, được anh dẫn đi tham quan khắp thôn và nghe những câu chuyện của người Cơ tu khi còn ở trong rừng. Qua lời giới thiệu của Trưởng thôn, tôi tìm gặp ông ALăng Mỹ (còn gọi Trương Văn Mỹ, SN 1957, thôn Tà Lang) để trò chuyện về ký ức với rừng, thời còn sống bên suối, cạnh hang. Là người Cơ tu nhưng ông ALăng Mỹ nói tiếng Việt khá sỏi, hồ hởi đôi lúc pha lẫn chút thật thà, hài hước, rặc tính cách người con núi rừng.

Ông ALăng Mỹ bày tỏ, khoảnh khắc lọt lòng mẹ đến khi bập bẹ nói, chập chững đi, ông sớm cảm nhận mọi thứ xung quanh bao trùm chỉ có cây cao và lá rậm, đá nhọn và dốc đứng. Ông không rõ tập quán du canh du cư có tự bao giờ, chỉ biết rằng, khi sinh ra, tập tục đã trải qua nhiều đời. Ông ALăng Mỹ giải thích, sống du canh du cư là di chuyển khắp cánh rừng tìm đất canh tác làm nương, rẫy, chọc lúa, tỉa bắp, trồng sắn, hoa màu… Sống vài năm và kết thúc vụ mùa, họ lại khăn gói đi đến vùng đất khác màu mỡ hơn và quay trở lại nơi ban đầu khi đất rẫy phì nhiêu như cũ với điều kiện đất cũ có thời gian phục hồi từ ba đến sáu năm. Ông nói, thủa nhỏ, gia đình sáu người sống sâu trong rừng đèo Mũi Trâu, nơi đứng trên đỉnh đèo có thể thấy rõ dãy Bạch Mã mây mờ và có khi lang bạt tận khu vực giáp ranh nước bạn Lào.

Thời đó, gọi là làng nhưng chưa phải bởi chỉ có sáu hay bảy nóc nhà quây quần bên nhau, cùng chia diện tích đất canh tác, có khi cạnh dòng suối mát, có khi lại kề hang sâu. Giống bao chàng trai khác, lớn lên, ông học canh tác, làm nghề rèn truyền thống người Cơ tu và học cách săn bắt, hái lượm, không cánh rừng nào ông chưa đặt chân qua. “Mọi thứ người Cơ tu có được đều do rừng ban cho, lẽ đó, không chỉ riêng tôi mà cộng đồng người Cơ tu luôn tôn thờ rừng và xem rừng là vị thần bởi nhờ sức mạnh siêu nhiên của thần mà họ có thể làm nhà, làm nương, làm rẫy và có đời sống ấm no, đủ đầy. Người Cơ tu xem rừng rất quan trọng vì đã cho họ sự sống nhưng cũng sẽ lấy đi sự sống nếu bất kỳ ai xâm phạm đến rừng qua câu nói “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, ông ALăng Mỹ chậm rãi nói.

Có thể nói, hương ước người Cơ tu chưa bao giờ mất đi bởi việc bảo vệ rừng, ứng xử thân thiện với rừng như là thói quen, mặc định giống những ngày còn thấm mặt với mưa rừng, ướt đẫm cùng sương núi. Hơn hết, lợi thế sống gần rừng và phát triển kinh tế từ rừng, cộng đồng người Cơ tu sẽ là cánh tay nối dài cùng người dân, chính quyền góp sức vào công cuộc bảo vệ rừng hiệu quả.

Giống ông ALăng Mỹ, Trưởng thôn Giàn Bí Trần Xuân Trung vẫn chưa khi nào quên những ngày cùng ba, mẹ ở trong rừng làm bạn với con cá dưới suối hay con chim trên cành, nhờ có rừng che chắn cả gia đình anh mới có cái ăn, cái mặc. Anh Trung bộc bạch: “Tuổi nhỏ, gia đình canh tác tận Khe Áo, Khe Đương, nơi có thể nhìn thấu cảnh rừng núi hùng vĩ, thác hồ nối nhau chảy dài vô tận. Tuổi thơ, các bạn miền xuôi chạy nhảy tung tăng trên đường làng, vui đùa bên mái trường mẫu giáo thì tôi đã quen thuộc mọi ngóc ngách trong rừng. Chạm tuổi lên mười, tôi rời núi xuống thôn chập chững học tiếng Việt để đến trường. Cùng gia đình sống trong rừng, tôi hiểu rõ mọi thứ đều bắt nguồn từ rừng. Không điều gì là không xuất phát từ rừng nên tôi yêu rừng vô cùng, nếu rừng mất thì không còn gì cả”.

Giữ rừng nhờ hương ước

Là người làm kinh tế từ rừng những năm 80 sau khi di cư từ xã Ba (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) xuống thôn Phú Túc, ông Lê Văn Nghĩa, Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) nói rằng, đa số người Cơ tu sinh ra và lớn lên trong rừng nên mọi suy nghĩ và hành động, người Cơ tu luôn xem rừng là nơi trú ngụ của các các vị thần và được biểu hiện thông qua các sự vật từ con suối thiêng, cành cây già hay con vật lớn. Bất kỳ điều gì có sự sống thì sẽ có những vị thần ngự trị và cai quản. “Chúng tôi quan niệm, trong rừng sẽ có các vị thần như thần rừng, thần núi, thần suối, thần đất, thần cây… mọi sự đều một tay các vị thần sắp xếp. Vì vậy, những hương ước của làng đặt ra để bảo vệ rừng cũng như tạ ơn các thần rừng, như quy định trước khi làm gì cũng phải xin, không xâm hại rừng bằng mọi cách, có văn hóa chia phần vì rừng là của chung và không xâm phạm đất của nhau khi đã đánh dấu…

Ngoài ra, các lễ hội tạ ơn đi kèm như lễ hội mừng lúa mới, lễ cúng đất… đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người Cơ tu. Ví như, trước khi tìm đất canh tác, chúng tôi có tục cúng tìm đất, khu đất này phải là đất không có cây to, gỗ lớn, không ảnh hưởng đến cấu trúc tự nhiên của rừng. Trước khi vụ mùa bắt đầu, chúng tôi tổ chức cúng lễ tạ ơn đất có cơm, xôi, nước, rượu và một lá trầu. Sau khi vụ mùa kết thúc, chúng tôi cúng hoàn trả đất lại mẹ rừng và cúng tạ ơn đất đã ban mùa màng bội thu. Hơn nữa, từ xa xưa, ông cha đã có hương ước cấm kỵ chặt, đốt, phá rừng già, rừng đầu nguồn nguyên sinh và muốn lấy cái gì ở rừng phải khấn xin các vị thần đến khi được mới thôi. Mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ và tố giác những ai vi phạm, người vi phạm sẽ bị phạt, nặng thì trục xuất khỏi làng”, ông Nghĩa quả quyết.

Cùng quan điểm, Già làng thôn Giàn Bí Bùi Văn Siêng (SN 1949) cho hay, thời còn khai hoang lập địa, người Cơ tu đã xem rừng là của chung. Rừng còn thì người còn, là mạch nguồn sống nên ai cũng có nghĩa vụ giữ rừng như giữ mình thông qua các quy định, hương ước. Hầu như, rất ít người vi phạm những luật tục bởi họ sớm nhìn nhận rõ những lợi ích kinh tế có được từ rừng. Đến nay, trong tâm trí người Cơ tu khi vào rừng hái mây, hái lá, lấy mật ong, lấy củi… thì hương ước chưa mất đi, vẫn phải xin, phải giữ gìn và không làm tổn hại rừng nhằm bảo vệ rừng cho các thế hệ sau.

Nhờ quy định trên, người Cơ tu giữ rừng mãi xanh qua nhiều đời, đó là nét văn hóa tâm linh. Từ những quan niệm đó, người Cơ tu luôn truyền dạy cho con cái rằng, mất rừng chim không còn tiếng hót, mất suối con cá không còn hơi thở, mất rừng người Cơ tu sẽ tàn vong... “Sau này, về sinh sống tại thôn với người Kinh, đời sống đổi thay nên người Cơ tu giảm lược bớt các lễ hội, hủ tục như lễ hội đâm trâu, gả con gái, xin của... nhưng quy định bảo vệ rừng một phần nhờ hương ước vẫn còn tồn tại. Rừng còn xanh thì họ sẽ còn sống. Ở thôn có đến 90% là người Cơ tu nên việc bảo vệ rừng, ứng xử thân thiện với rừng như là thói quen, mặc định giống những ngày còn thấm mặt với mưa rừng, ướt đẫm cùng sương núi của mấy chục năm về trước”, Già Siêng bày tỏ.

Ông ALăng Mỹ kể về tập tục sống du canh du cư của người Cơ tu. Ảnh: H.T.V

Ông ALăng Mỹ kể về tập tục sống du canh du cư của người Cơ tu. Ảnh: H.T.V

Tham gia bảo vệ rừng

Ông Lê Văn Nghĩa chia sẻ, thôn Phú Túc có số đông người Cơ tu sinh sống nên từ lâu, thôn luôn vận động và khuyến khích các hộ dân cam kết không phá rừng bừa bãi, không đốt rừng tùy thích, tích cực tham gia bảo vệ rừng, nhận giao khoán giữ rừng, nhất là rừng nguyên sinh đầu nguồn quý hiếm. Nhờ vậy, nhiều cánh rừng không chỉ được phục hồi mà còn được giữ nguyên vẹn và mang lại giá trị to lớn vô hình cho chính cộng đồng người Cơ tu. “Có khoảng thời gian ở rừng sâu nên chúng tôi sớm nhận ra, rừng mang lại lợi ích rất lớn từ đời sống tinh thần cho đến vật chất. Việc bảo vệ rừng không còn là lời kêu gọi hay bắt buộc mà đó là điều hiển nhiên với bất kỳ ai trong cộng đồng người Cơ tu”, ông Nghĩa khẳng định.

Không chỉ bậc già làng, cao niên trong thôn mà những chàng thanh niên, cô gái đôi mươi người Cơ tu cũng đồng lòng bảo vệ rừng và tham gia tuần tra bảo vệ rừng cùng các kiểm lâm viên, công an khu vực. Trưởng thôn Giàn Bí Trần Xuân Trung bộc bạch: “Với tôi, những hương ước chỉ là luật tục ban đầu để răn đe, nghiêm cấm bởi đã là người con Cơ tu thì rừng như là thân thể, phá rừng khác gì hủy hoại chính mình. Vì vậy, nhiều năm nay, là người trẻ nên tôi và các thanh niên trong thôn nằm trong tổ dịch vụ môi trường rừng, tham gia tuần tra, bảo vệ rừng ở các tiểu khu trên địa bàn cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh như chính ngôi nhà của mình”.

Là người con Cơ tu và là người trẻ, chị Bùi Thị Hạnh, Chi hội phó chi hội Phụ nữ thôn Giàn Bí cho biết, người Cơ tu có lợi thế sống ở gần rừng và phát triển kinh tế từ rừng nên những hương ước có sẵn là nền tảng vững chắc nhằm phát huy tối đa bảo vệ rừng. Hơn hết, cộng đồng người trẻ Cơ tu sẽ là lực lượng lớn, là cánh tay nối dài cùng người dân, chính quyền tuyên truyền, góp sức vào công cuộc bảo vệ rừng hiệu quả hơn trong tương lai.

Trò chuyện cùng những người con Cơ tu từ đời sống trước kia cho đến đời sống hôm nay khiến tôi thêm yêu, thêm quý nơi này. Hóa ra, hương ước chưa bao giờ mất đi và từng mảng rừng xanh vẫn sừng sững ở đó ôm trọn tuổi thơ biết bao người con Cơ tu. Để hiểu rằng, với họ, hương ước chưa mất đi và việc bảo vệ rừng như là lời thề tâm can ăn sâu vào da thịt. Rời Hòa Bắc khi bóng chiều hoàng hôn đổ dồn tràn phía triền đồi, tô đỏ dòng sông Cu Đê lấp lánh rực rỡ, tôi tự nhủ sẽ đến nơi này nhiều lần nữa bởi nó khiến tôi góp nhặt những hình ảnh sống động về đời sống quá khứ lẫn hiện tại của người con Cơ tu.

Theo HUỲNH TƯỜNG VY (ĐNO)

Có thể bạn quan tâm

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Hồn quê từ những làng nghề - Bài cuối: Ký ức tấm lụa Hạ nuôi người khoa bảng

Làng khoa bảng Đông Thái (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) từng là mảnh đất nổi tiếng với nghề dệt lụa, sản sinh ra nhiều anh tài nức tiếng thiên hạ. Qua sự chuyển mình của thời gian, nghề dệt lụa đã đi vào dĩ vãng, nhưng con người nơi đây vẫn rong ruổi với “nghề” nuôi người học.
Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Giữ bình yên cho Chư Yang Sin

Không chỉ có hàng trăm loài động, thực vật (trong đó có nhiều loài đặc hữu, hàng chục loại có tên trong sách đỏ Việt Nam), rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin còn là đầu nguồn của dòng Sêrêpốk. Tuy nhiên, việc gìn giữ tài nguyên rừng quý giá nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, áp lực.
Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Những quyết sách trên hành trình thế kỷ - Kỳ 2: Chinh phục năng lượng từ… đất trời

Thủy lợi Ea Kao, Krông Búk hạ hay Thủy điện Dray H’linh và nhiều công trình trên đường hành tiến chinh phục năng lượng là dấu ấn sinh động của tinh thần dám nghĩ, dám làm; là niềm tự hào về sự chung sức đồng lòng, sáng tạo; sự vĩ đại, phi thường dùng sức người để trị thủy, thu gió, gom nắng.
“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Nghe phượt thủ 71 tuổi kể chuyện

Ở cái tuổi ngồi hưởng cuộc sống an nhàn bên con cháu, hàng ngày chỉ cần đi từ giường ngủ ra bàn ăn, nhưng “lão đại” Trần Lê Hùng lại chọn con đường khác. Với ông, già thì già, máu tươi có thể thiếu chứ “máu đi”, máu xê dịch thì lúc nào cũng căng tràn.