Như những đóa sen hồng nơi miên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
Thỉnh thoảng, có bạn nhắn tin kêu tôi viết một cuốn sách thật hài hước về thói xấu của người Việt ở nước ngoài, chắc sẽ bán chạy lắm...

Tôi cười to, thiệt ra cái xấu thì đầy rẫy khắp nơi. Cướp bóc, vào tù ra khám, ăn xin, vô gia cư…, sắc dân nào cũng có mặt. Nhưng quan trọng là ở cách nhìn của mỗi người để tìm ra mặt tích cực. Cuộc sống xứ người bận rộn và đầy áp lực, mà suốt ngày hằn học nhìn đời, chắc chẳng còn động lực để làm việc kiếm tiền quá.

1. Cũng như phần lớn người Việt khác, khi mới bắt đầu sang nước ngoài bằng visa du học, lao động, hay định cư, ai cũng thích ở gần "khu Việt Nam" để tiện bề chợ búa, ăn uống, gặp gỡ chuyện trò cho bớt nhớ quê. Vài năm sau thì muốn dọn đi để "lánh xa thói hư tật xấu" của đồng hương. Nhưng khi không còn trẻ nữa, tóc xuất hiện lơ thơ vài cọng bạc, tối lên YouTube nghe bolero hay nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, đi siêu thị thấy Nike, Adidas hay Coach, nhìn chữ "Made in Vietnam" thì xúc động khôn nguôi, chụp lấy liền (dù hồi xưa lại né). Tự nhiên thèm tìm về quê hương, muốn dọn về lại khu Việt Nam, để nghe ngôn ngữ quê mẹ thân thương. Lúc muốn ăn cơm nhà mà làm biếng nấu, thì ra quán hay ghé hàng xóm lai rai một bữa.

Nhà hàng Bánh mì ở Riga (Latvia)

Nhà hàng Bánh mì ở Riga (Latvia)

Quê hương là một khái niệm vô cùng thiêng liêng không miêu tả bằng lời được. Nó nằm trong tiềm thức, sâu thẳm trong tim, giữa nỗi nhớ chơi vơi không định hình nổi trên xứ người.

Không ít thì nhiều, lúc mới qua, chúng tôi đều nghĩ mình sẽ ráng làm, dành dụm ít tiền, vài năm nữa về Việt Nam sống, bởi các cú sốc văn hóa không lường trước được. Năm tháng trôi qua, thời gian như tên bắn, công việc, học hành cuốn mình vào guồng máy. Rồi các món nợ nhà cửa, xe cộ, tương lai con cái và thói quen mỗi ngày như rễ chùm rễ cọc len lỏi tận sâu trong người. Lúc đó mới hay, nước Mỹ đã là một phần đời không thể thiếu. Những lúc nhớ quê, nghĩ tới ước muốn được trở về ngày xưa, đành tự an ủi bản thân, thế giới giờ phẳng như mặt giấy, sống ở đâu cũng được, miễn là học hành, làm việc kiếm tiền nhiều, thì sẽ có cơ hội đóng góp xây dựng quê nhà, bằng cách này hay cách khác.

Thế mới hay, quê hương là một khái niệm vô cùng thiêng liêng không miêu tả bằng lời được. Nó nằm trong tiềm thức, sâu thẳm trong tim, giữa nỗi nhớ chơi vơi không định hình nổi trên xứ người. Có lẽ đó là cách chúng tôi giữ cân bằng để không bị tuồn tuột cuốn trôi giữa những ngày xa xứ.

Nhà hàng của chef Toàn ở thủ đô Bucharest (Romania)

Nhà hàng của chef Toàn ở thủ đô Bucharest (Romania)

So với các cộng đồng nhập cư khác trên đất Mỹ, người Việt nổi tiếng nhờ tính chịu thương chịu khó, khéo tay, chăm chỉ làm ăn và vô cùng tiết kiệm.

Thế hệ 7X, 8X được sinh ra và lớn lên khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ bao cấp. Hầu như nhà nào cũng thiếu ăn thiếu mặc, cơm độn bo bo, khoai lang, khoai mì, ăn với mắm. Ký ức những năm tháng tem phiếu, xếp hàng trước mấy cô mậu dịch… vẫn in đậm trong tâm trí. Chúng tôi đi qua thời khắc mở cửa, chứng kiến quê hương thay đổi từng ngày, có tiền dư của để, mua ti vi màu, xe máy, ô tô, cất nhà gạch hai ba tầng cao rộng. Rồi cuộc sống đẩy xô, chúng tôi thiên di khắp quả địa cầu như ông bà bao thế hệ trước.

Nhà hàng Phở Hà Nội ở thủ đô Vilnius (Lithuania)

Nhà hàng Phở Hà Nội ở thủ đô Vilnius (Lithuania)

Mà một khi đã đi qua bao khốn khó nơi quê nhà, những khổ đau chia biệt từ khi bước chân rời xứ, chỉ nửa quãng đường trần nhưng đã bôn ba qua bao đau khổ trầm luân, thì những vất vả, khó khăn nơi đất khách quê người không là gì cả.

2. Tôi hay nhớ đến ba. Thuở sanh thời ông hay dặn con cái: có tiền thì nên... sắm vàng; có 1 chỉ, sắm 1 chỉ, đủ 10 chỉ thì gom thành 1 lượng cất phòng về sau. Hồi đó cười ngất, kêu ba cổ lỗ sĩ. Nhưng giờ mới thấy đúng. Chúng tôi ăn chắc mặc bền. Chứng khoán, nhà cửa thì sợ đầu tư, chứ tiền mặt luôn rủng rỉnh. Vàng giấu cả túi trong nhà. Để khắp nơi, từ nệm, giường, đào hố chôn, thậm chí bỏ trong tủ lạnh. Bạn tôi kể, một đêm tự nhiên đầu óc choáng váng, tưởng đột quỵ tới nơi. Sợ không qua khỏi, cô lật đật kêu con trai lại, bảo má cất một túi vào trong ngăn đá. Có gì con nhớ lấy ra lo hậu sự cho má nhen. Sau khi uống mấy viên thuốc thì cô ấy tỉnh hồn. Sáng hôm sau đem vàng đi... giấu chỗ khác.

Tác giả với bạn bè và độc giả trong các buổi ra mắt sách ở TP.HCM

Tác giả với bạn bè và độc giả trong các buổi ra mắt sách ở TP.HCM

Sếp thì luôn tự hào vì có tôi và ba mẹ con chị nhân viên là người Việt thủy chung, siêng năng và cống hiến hết mình vì công việc. Mà cũng đúng thôi, người Mỹ nỗ lực một thì chúng tôi cố gắng đến mười vì rào cản ngôn ngữ, tư duy và cả sự kỳ thị sắc tộc.

Nếu như người Mỹ và các sắc dân khác chỉ làm đúng phận sự được giao, thì người Việt lại thích ôm đồm, làm những việc chẳng liên quan gì tới chuyên môn của mình. Nhưng ra kết quả xuất sắc mới hay chứ. Gần 25 năm ở Mỹ, tôi có 23 năm làm cho công ty. Bắt đầu từ cậu học sinh giỏi Văn, chuyên các môn xã hội bên nhà, sang Mỹ, nhảy qua học IT rồi thêm tài chính kế toán, tôi làm bán thời gian cuối tuần kiếm tiền trang trải sách vở. Khi ra trường, vèo một cái trở thành nhân vật số hai của công ty quản lý bất động sản, chỉ sau sếp, mãi đến tận bây giờ.

Hơn 2 thập niên dài, tôi cống hiến gần hết cả thanh xuân cho công ty. Nhớ những ngày xách cặp vào văn phòng chẳng biết mình sẽ bắt đầu từ đâu, làm gì để khỏi bị người ta nói ra nói vào. Cứ lặng lẽ chú ý, quan sát, biến những gì học được thành cách của mình. Đến giờ thì nhắm mắt làm cũng quen được việc. Giữa công ty hơn 200 nhân viên đủ sắc tộc màu da, tôi chẳng bao giờ sợ mình lọt thỏm.

Charles, anh bạn da đen, cười thật to mỗi khi nghe tôi than thở. Charles nói, nếu tao là người tuyển dụng, mày sẽ được nhận đầu tiên? Tại sao ư? Thời sinh viên, trong khi tụi tao không học hành, lo nhảy nhót, ăn chơi, thì tụi mày cắm đầu vào sách vở để kiếm điểm A rồi đi làm thêm đóng tiền học nữa chứ.

Đúng là như vậy. Những năm tháng đại học, áp lực điểm A và GPA 4.0 (điểm trung bình theo hệ Mỹ) luôn đè nặng trên vai, dù chẳng ai ép buộc. Hầu hết những bạn đã có nền tảng kiến thức phổ thông ở Việt Nam đều rất dễ hòa nhập vào môi trường đại học Mỹ. Làm việc theo nhóm hay nghiên cứu này nọ chúng tôi còn hơi bỡ ngỡ, chứ đưa những bài toán khó, lý, hóa, sinh, thậm chí viết văn chương tiếng Anh, cũng thấy dễ òm. Với các bạn du học sinh, dù phải làm thêm rất nhiều giờ để kiếm tiền đóng học phí gấp 3 so với dân bản địa, thì việc hoàn thành bài vở trên trường cũng chẳng có vấn đề gì hết.

Tác giả trong ngày làm lễ tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ

Tác giả trong ngày làm lễ tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ

Loan ở Los Angeles, sau gần 18 năm làm mẹ đơn thân, một nách hai con, chật vật làm nail để kiếm tiền nuôi con và giúp đỡ gia đình, đã quyết định trở lại giảng đường với ngành khó nhằn tới người Mỹ cũng le lưỡi: Văn chương Mỹ. Cô bảo giờ có tuổi rồi, muốn học cái mình thích. Dù sao cái quá khứ học sinh giỏi tỉnh, quốc gia vẫn ám ảnh. Nhìn bạn bè ở Việt Nam lẫn Mỹ làm giám đốc, tiến sĩ, giáo sư, viện trưởng uy nghi, còn mình vẫn ngày ngày đi dũa nail, tự nhiên thấy tủi thân, muốn học để không phụ rẫy với quá khứ oai hùng năm cũ.

Chúng tôi luôn xác định từ đầu, học vấn luôn là con đường tốt nhất để tiến thân, khi mình không phải thiên tài như Bill Gates hay Mark Zuckerberg, những người bỏ học nửa chừng mà vẫn trở thành tỉ phú.

Theo thống kê dân số năm 2020 của U.S Census Bureau (Cục Điều tra dân số Mỹ), trong gần 2,3 triệu người gốc Việt đang sống ở Mỹ, có khoảng 29% cư dân có bằng cử nhân, và mức lương trung bình vào khoảng 63.000 USD. Những năm gần đây, người Việt đã xóa bỏ định kiến làm nail trong mắt người khác. Theo U.S Census Bureau, có tới 28% cư dân Việt làm trong các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, khoa học và nghệ thuật (so với 30% toàn bộ cư dân), 32% trong lĩnh vực dịch vụ, 14% làm ở lĩnh vực liên quan tới bán hàng và văn phòng, 5% trong lĩnh vực khai khoáng, cầu đường, bảo dưỡng, và 20% làm ở lĩnh vực sản xuất, vận tải và vận chuyển hàng hóa. Suy ra, nghề nail chỉ chiếm một phần không lớn trong cộng đồng cư dân Việt. Nhiều người (trong đó có tôi) với tấm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ cũng bon chen làm quản lý, kinh doanh, khoa học, luật sư, hay bác sĩ, làm rạng danh hai chữ Việt Nam trên xứ người.

Tác giả bên tượng nữ thần Tự do ở New York (Mỹ)

Tác giả bên tượng nữ thần Tự do ở New York (Mỹ)

Theo tờ USA Today, năm 2023, khoảng 54% sinh viên đại học 4 năm ở Mỹ, ra trường với 29.100 USD khoản nợ học phí trung bình. Con số nhìn rất nhỏ, nhưng với cuộc sống ngày một chật vật, lương không chạy theo kịp lạm phát, giá nhà, giá thực phẩm tăng cao, thì món nợ ấy thành một gánh nặng kéo dài 10 - 20 năm cho người Mỹ. Nhưng theo tôi biết, người Việt rất hiếm khi dính nợ. Bởi hầu như sinh viên Việt đến trường đều nhờ vào các trợ cấp học phí của chính phủ như financial aid, Pell Grant, học bổng liên bang, tiểu bang và đi làm kiếm thêm, đặc biệt là sự trợ giúp của người thân ruột thịt.

Đối với người Mỹ, gia đình chỉ gói gọn ở vợ chồng và con cái, thì với người Việt, khái niệm ấy được mở rộng hơn, thêm ông bà, anh chị em và cả mấy đứa cháu con chị, con em nữa. Cha mẹ chẳng bao giờ muốn con mình nần nợ. Trong guồng máy vật vã làm việc kiếm trả tiền nhà, xe, các bậc làm cha mẹ hy sinh bản thân, bỏ hết quá khứ rực rỡ sau lưng, sẵn sàng làm công việc nặng nhọc, để giúp đỡ con cái xong đại học mà không cần vay mượn. Bên này, anh chị cho tiền em út đóng học phí là chuyện thường tình. Tốt nghiệp đi làm, người Mỹ chật vật với món nợ thời sinh viên, chúng tôi ung dung kiếm tiền mua nhà, xe, du lịch khắp nơi, còn dư để giúp đỡ người thân của mình ở Việt Nam, sẵn tiện đầu tư nhà cửa, đất đai và hùn hạp làm ăn này nọ.

Nước Mỹ đang trong giai đoạn khủng hoảng nhà ở khi lãi suất và giá nhà đều tăng phi mã. Người làm mảng cho thuê mướn bất động sản như tôi khá thoải mái dù giá thuê nhà cao ngất. Nhiều người trẻ tuổi đã bỏ ước mơ mua ngôi nhà đầu tiên, quay về sống với cha mẹ để tiết kiệm. Trong khi đó, người Việt lại "đi trước thời đại", khi phần lớn các bạn độc thân vẫn sống chung với gia đình, để đỡ đần chi phí, phụ giúp mẹ cha và đùm bọc nhau đi qua những ngày trái gió trở trời.

Đó là giá trị truyền thống gia đình rất đỗi thiêng liêng.

3. Trong những ngày dọc ngang khắp 50 bang Mỹ, lang thang hơn 100 nước trên địa cầu và đi rong trên những múi giờ ngang dọc, tôi gặp rất nhiều người Việt tha hương, luôn đau đáu trong lòng một câu hỏi, đâu là "nhà" thật sự của mình? Nhưng họ không để nỗi buồn ấy đánh gục bản thân, mà luôn lấy làm động lực sống. Tôi đã đến nhà hàng Việt giữa miền Iceland lạnh giá. Tới xứ Latvia, Lithuania, Slovakia, Slovenia, ăn tô phở giữa mùa đông tuyết phủ dày. Đã gặp cô gái Sài Gòn theo chồng sang Hy Lạp mở một nhà hàng giữ hồn vía Việt giữa Athens. Ăn ổ bánh mì thật ngon giữa Budapest (Hungary) hay Lucerne (Thụy Sĩ). Nhớ đĩa cơm nhà hàng nhưng đậm vị quê nhà giữa lòng Bucharest (Romania). Lang thang ở thủ đô Buenos Aires (Argentina) vẫn được ăn tô phở ở quán Sài Gòn. Hay uống ly cà phê sữa đá thơm lừng ở ngoại ô Mexico City. Thiếu giá thiếu é quế thì cô gái Việt ở Bogota (Colombia) tự trồng bán phở…

Tác giả tại thủ đô London (Anh)

Tác giả tại thủ đô London (Anh)

Người Việt xứ người như những đóa sen hồng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở nơi đâu, cũng vươn lên từ bùn mà tốt tươi, rực thắm. Những va vấp, rào cản của văn hóa, ngôn ngữ, sắc tộc, màu da không thể nào làm khó được chúng tôi. Tất cả đều nhờ vào thứ ADN chăm chỉ, chịu khó, siêng năng hun đúc bao ngàn năm của ông cha từ những ngày đầu đi mở cõi. Maryland, tháng 8.2024.

Theo Nguyễn Hữu Tài (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Tình yêu trẻ nơi đại ngàn xứ Nghệ

Những ngày qua, bên bờ suối, con khe chảy róc rách là tiếng ríu rít của lũ trẻ nhỏ đang cùng cô giáo len lỏi nhặt nhạnh kiếm tìm từng viên đá đủ mầu sắc để có được những bức tranh trong Chương trình “Bức tranh yêu thương”.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Mãi mặn mòi muối Ba Thắc

Trước đây, sản phẩm muối Ba Thắc, hay muối Long Điền sau này nức tiếng khắp vùng, với những cánh đồng muối “thẳng cánh cò bay” của đại điền chủ giàu nứt vách như ông Trần Trinh Trạch - cha của công tử Bạc Liêu…
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời.