Lòng người vẫn sáng...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau bão lũ và cả những đau thương lại nhận ra tinh thần quật cường và truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam là những giá trị trường tồn.

Trong muôn vàn những tin tức, hình ảnh, video clip... tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội những ngày vừa qua về cơn siêu bão Yagi và đợt lũ lụt do hoàn lưu siêu bão tại các địa phương đồng bằng và miền núi phía Bắc trong tuần qua, có 2 hình ảnh đặc biệt ấn tượng đối với tôi.

Đau thương chồng đau thương

Đó là bức thư viết tay trên giấy vở học trò của ông Hoàng Quốc Bảo - Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, tỉnh Lào Cai và đoạn video clip quay cảnh nhiều ô tô nối đuôi nhau đi thật chậm để dìu những người đi xe máy vượt gió mưa trên cầu Nhật Tân, TP Hà Nội...

Cụ thể, sáng 10-9, được tin thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh vừa bị một trận lũ ống bất ngờ nhấn chìm, ông Hoàng Quốc Bảo đã cùng cán bộ một số phòng, ban của huyện Bảo Yên khẩn trương vào Làng Nủ trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo việc cứu hộ, cứu nạn.

Đường sá bị sạt lở chia cắt nên cả đoàn phải lội bộ hàng chục cây số, đến 14 giờ mới tiếp cận được hiện trường. Toàn thôn là một bãi bùn khổng lồ. Mất điện, mất sóng viễn thông. Ông Bảo phải viết vội bức thư rồi cho người chạy bộ về huyện. Trên đường, nếu gặp đoạn nào có sóng viễn thông thì điện thoại báo cáo cho lãnh đạo tỉnh biết: bản có 35 nhà, 128 người, hiện tại đã phát hiện, sơ cứu được 10 người bị thương và tìm thấy 15 thi thể, số dân còn lại đang mất tích...

Những thông tin đau thương từ Làng Nủ cứa thêm vào nỗi đau của cả nước trong những ngày bão lũ vừa qua: sập cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng ở Phú Thọ khiến nhiều xe tải, xe khách, xe con và xe máy đang lưu thông bị lũ xoáy nhấn chìm, đến nay vẫn chưa thể thống kê thiệt hại về người và tài sản.

Tại xã Minh Bảo ở TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) có vụ lở đất khiến cả 4 người trong gia đình một cô giáo tiểu học tử vong. Vụ sạt lở đất tại xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cuốn trôi 6 ngôi nhà, làm 9 người bị vùi lấp, 5 ngày sau mới tìm được thi thể.

Vụ sập nhà điều hành Nhà máy Thủy điện Nậm Lúc ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai khiến 5 cán bộ và công nhân bị vùi lấp tức tưởi, trong đó có cả giám đốc nhà máy. Tại đây còn có vụ sạt lở đất vùi lấp 8 ngôi nhà với 27 người, hiện đã tìm thấy thi thể 7 người, còn 11 người vẫn đang mất tích.

Rồi nữa, trên đường cơ động vào hiện trường Làng Nủ, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thêm một vụ sạt lở đất tại xã Yên Sơn, 1 người chết, 2 người mất tích...

Căng mình trong mưa lũ

Siêu bão Yagi và những ngày mưa lũ vừa qua là thiên tai kinh hoàng nhất trong nhiều chục năm qua ở nước ta. Đặc biệt trong cùng một thời điểm, một loạt tỉnh từ Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên... và nhiều tỉnh miền núi lẫn đồng bằng phía Bắc phải hứng chịu sự tàn phá vô cùng nặng nề do hoàn lưu siêu bão gây ra.

Hiện trường thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) sau vụ sạt lở đất. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Hiện trường thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) sau vụ sạt lở đất. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Hàng trăm ngàn chiến sĩ các lực lượng vũ trang cùng nhiều ngành khác đã nhiều ngày qua vắt sức ở những khu vực hiểm nguy, cần kíp nhất... Thủ tướng Chính phủ đã lội nước về với bà con Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai... và cấp dưới của ông cũng có mặt ở nhiều nơi đang nguy cấp. Hai sĩ quan quân đội và một cán bộ công an đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong bão lũ. Nhiều đêm qua, hàng chục ngàn bộ đội, dân quân tự vệ cùng các lực lượng cảnh sát thức trắng, căng mình trong mưa lũ để hỗ trợ, cứu giúp, tìm kiếm đồng bào gặp nạn, mất tích...

Bộ đội và các lực lượng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Bộ đội và các lực lượng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Sau cuồng phong bão lũ và cả những đau thương, mất mát, thêm một lần chúng ta lại nhận ra rằng tinh thần quật cường kiên gan và truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam là những giá trị trường tồn, trải qua địch họa và thiên tai lại trỗi dậy càng mạnh mẽ.

Trở lại với hình ảnh những chiếc ô tô nối nhau đi thật chậm để dìu những người đi xe máy vượt gió mưa trên cầu Nhật Tân trưa 7-9 vừa qua. Tôi ấn tượng với hình ảnh này, bởi đấy là một thông điệp vô ngôn nhưng rất trực quan sinh động. Giữa trời đất quay cuồng mưa gió, những con người và cả những chiếc ô tô đang di chuyển trên cầu bắc qua dòng sông rộng mấy cây số, trông thật mong manh, nhỏ bé.

Trước cảnh tượng ấy, lòng trắc ẩn "thương người như thể thương thân" trỗi dậy. Không ai bảo ai, chắc chắn thế. Xe sau hiểu ý xe trước, kết hợp cùng nhau tạo thành bức tường che bớt gió cho những người đi xe máy. Và những người đi xe máy cũng hiểu được thiện ý của các tài xế mà khéo léo di chuyển theo sự che chắn của họ.

Chia nhau chai nước khoáng, chiếc bánh mì

Vậy đó, tình nhân ái không cần nói ra lời, chỉ cần biểu hiện qua nghĩa cử.

Ngay khi bão tan, chưa cần ai kêu gọi, ngót trăm anh em từ một công ty du lịch mạo hiểm ở tỉnh Quảng Bình cùng các nhóm cứu hộ từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tỉnh từ Nam Trung Bộ đến Bắc miền Trung đã lên đường hỗ trợ đồng bào miền Bắc yêu thương. Đây cũng là dịp để đồng bào ở "khúc ruột miền Trung" vốn thường xuyên bị thiên tai, thể hiện sự tri ân với đồng bào miền Bắc bằng những chiếc xuồng cứu hộ, những chiếc bánh chưng gói luộc suốt đêm, những đồng tiền chắt chiu dành dụm...

"Lá lành đùm lá rách" là đạo lý xưa nay.

Nhưng trong thiên tai còn có cả "lá rách đùm lá nát" nữa. Quảng Ninh và Hải Phòng là 2 địa phương bị siêu bão Yagi quần thảo đầu tiên, mạnh nhất và lâu nhất, được Chính phủ hỗ trợ mỗi địa phương 100 tỉ đồng nhưng đã xin nhường lại cho các tỉnh miền núi phía Bắc còn khó khăn hơn.

Ngay như ở tỉnh Lào Cai là nơi có nhiều vụ sạt lở nhất, khiến số người chết và mất tích nhiều nhất nhưng "lá rách vẫn đùm lá rách". Từ ngày 8-9, thôn Hòa Sử Pán (xã Mường Hoa, huyện Sa Pa) bị sạt lở núi khiến nhiều ngôi nhà bị vùi lấp, 6 người dân tử vong. Trường học ở đây trở thành nơi trú tránh nhiều ngày của bà con thôn bản; nhiều thầy cô giáo trực tiếp đứng bếp lo bữa ăn hằng ngày cho bà con. Nhiều trường học ở Sa Pa cũng trở thành điểm trú ẩn an toàn cho người dân và là nơi để bà con gửi nhờ tài sản, đề phòng nước dâng cao...

Bộ đội và các lực lượng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Bộ đội và các lực lượng khẩn trương tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Còn cán bộ và người dân ở TP Lào Cai thì vừa giúp nhau chạy lũ vừa chia nhau chai nước khoáng, chiếc bánh mì... Các con thuyền vào từng ngõ phố, soi đèn pin giúp nhau đi sơ tán trong đêm. Điện mất, cả thành phố tối mịt mù nhưng lòng người vẫn sáng.

Chuyện đẹp ở thôn Kho Vàng

Có một chuyện mừng đến vỡ òa. Ngày 10-9, thông tin trên báo chí và mạng xã hội khiến cộng đồng sững sờ chết lặng: thôn Kho Vàng của xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai bị một cơn lũ ống quét trắng, 17 gia đình với 115 người dân đã bị mất tích. Nhưng chỉ chiều hôm sau, hung tin đã được cải chính là cả thôn vẫn còn nguyên số dân, đang tạm trú tại một khu vực an toàn cách thôn Kho Vàng chừng hơn cây số.

Thì ra là sau mấy ngày đêm mưa như trời thủng, sáng 9-9, anh Vàng Seo Chứ - 33 tuổi, Trưởng thôn Kho Vàng - kiểm tra quanh thôn thì phát hiện quả đồi sau lưng thôn có dấu hiệu sạt lở. Anh vội huy động thanh niên trong thôn chặt tre và vầu, mang vào một khu rừng bằng phẳng, dựng 14 lán trại, rồi về hô hào cả bản khẩn trương sơ tán, mang theo những vật dụng cần thiết như quần áo, nồi niêu, gạo muối, chăn màn...

Chỉ trong vòng 8 giờ kể từ khi cắm lều, dựng lán, công việc sơ tán cả bản đã hoàn thành. Chỉ vài giờ sau thì một trận lũ ống ập xuống thôn Kho Vàng. Khi cán bộ xã vào kiểm tra thì chỉ thấy ngổn ngang bùn đất, nhà cửa ngả nghiêng. Điện mất, sóng viễn thông mất, không liên lạc được với ai.

Nhà bị sạt lở, đất vùi lấp, trẻ em thôn Nậm Tông ăn uống chung trong lán ở tạm. Ảnh: MINH CHIẾN

Nhà bị sạt lở, đất vùi lấp, trẻ em thôn Nậm Tông ăn uống chung trong lán ở tạm. Ảnh: MINH CHIẾN

Câu chuyện đẹp như mơ của thôn Kho Vàng gợi nên nhiều điều trong dư luận. Khen ngợi sự sâu sát, nhạy bén, quyết đoán của Trưởng thôn Vàng Seo Chứ là đương nhiên và chính xác. Nhưng những phẩm chất ấy của một trưởng thôn cũng được đem soi chiếu trên nhiều cấp độ và trong nhiều lĩnh vực. Và nhiều điều "nếu" được đặt ra: nếu cây xanh ở các đô thị được cắt tỉa sớm. Nếu tập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá ở tỉ lệ 1:50.000 do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản lập cho 25 tỉnh và thành phố, trong đó có hầu hết các tỉnh Tây Bắc và Việt Bắc, được quan tâm đúng mức. Nếu vấn nạn "cát tặc" và "lâm tặc" được ngăn chặn kiên quyết và mạnh tay hơn...

Ôi, giá đừng có những chữ "nếu" khi con người phải đối phó với những khắc nghiệt của thiên nhiên thì đỡ tổn thương biết bao cho những nỗ lực kiên cường, cho tình thương và trách nhiệm của cán bộ và nhân dân, của đồng chí và đồng bào trong thiên tai, hoạn nạn. Bởi, trong những hoàn cảnh bi đát ấy, lòng người vẫn sáng!

Theo MAI NAM THẮNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.