Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.

Điểm tựa yêu thương

Tháng 11-2023, thầy Vũ Văn Tùng-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) được tôn vinh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức. Thầy Tùng còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo vinh danh nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11); được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vinh danh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2024.

Đều đặn 3 năm qua, vào 4 giờ 30 phút mỗi ngày, thầy Tùng lại khởi hành với chiếc xe máy từ nhà (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa) đến trường. Trên quãng đường dài 40 km ấy, thầy ghé vào tiệm bánh mì để lấy phần ăn sáng cho hơn 200 học sinh. 6 giờ sáng, các em đã xếp hàng ngay ngắn, háo hức nhận những ổ bánh mì nóng hổi từ tay thầy giáo.

Các em học sinh háo hức nhận bánh từ Tủ bánh mì 0 đồng. Ảnh: Vũ Chi

Các em học sinh háo hức nhận bánh từ Tủ bánh mì 0 đồng. Ảnh: Vũ Chi

Thầy Tùng chia sẻ: “Cuộc sống vất vả, nhiều phụ huynh đi rừng, lên rẫy có khi nửa tháng mới về nhà một lần. Học sinh thường nhịn ăn sáng để đến trường. Sau giờ ra chơi, lớp học chỉ còn 3-4 em. Tôi xót xa khi biết các em bỏ học về nhà để kiếm cái ăn. Vì vậy, ngày 5-12-2021, tôi quyết định mở “Tủ bánh mì 0 đồng” giúp trò nghèo no bụng để yên tâm đến trường”.

Từ ý tưởng của thầy, một chủ lò bánh mì đã nhận hỗ trợ 60 ổ bánh mì để phát vào sáng thứ hai. Bánh thì ít, trò đông, các em phải bẻ đôi, bẻ ba chia nhau. Thương học trò, thầy Tùng trích tiền lương của mình để mua đủ bánh mì phát cho hơn 200 em vào các ngày thứ hai, tư, sáu hàng tuần. Dần dần, “Tủ bánh mì 0 đồng” nhận được sự ủng hộ thường xuyên của các nhà hảo tâm. Kinh phí mua bánh mì để phát cho học sinh khoảng 1 triệu đồng/buổi.

6 giờ 30 phút sáng, việc phát bánh mì kết thúc, thầy Tùng quay lại công việc chuyên môn của một giáo viên Lịch sử. Không chỉ lo cho học sinh no cái bụng, từ năm 2021 đến nay, thầy đã kết nối nguồn lực để tặng 16 mô hình sinh kế, 4 căn nhà và hàng ngàn suất quà, hàng chục tấn gạo cho học trò nghèo.

Thầy Vũ Văn Tùng (bìa trái) tặng bò cho thiếu nhi khó khăn ở làng Bi Gia, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: P.L

Thầy Vũ Văn Tùng (bìa trái) tặng bò cho thiếu nhi khó khăn ở làng Bi Gia, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: P.L

Mọi sự “tiếp sức” của giáo viên đều hy vọng trò nghèo chuyên cần đến lớp, vượt khó học tốt. Không nằm ngoài mục tiêu đó, từ tháng 7-2024, thầy Nguyễn Đắc Kiên Bình-Giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương (thị trấn Chư Prông) đã khởi xướng dự án mang tên “Hy vọng” nhằm giúp học sinh mồ côi ở huyện biên giới này có thêm cơ hội đến trường.

Triển khai dự án trên, thầy Bình đã kết nối với các nhà hảo tâm, bí thư Đoàn các xã, thị trấn trên địa bàn huyện khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh của từng em. Mỗi học sinh được lập một mã số riêng, ứng với thông tin chi tiết về hoàn cảnh, địa chỉ, hình ảnh nhận diện. Một mã số sẽ có 10 nhà hảo tâm nhận giúp đỡ; mỗi người ủng hộ 100 ngàn đồng/tháng cho 1 trường hợp. Nhờ sự kết nối của thầy Bình, trước thềm năm học mới, 23 học sinh trên địa bàn huyện Chư Prông đã nhận được trợ giúp với kinh phí 1 triệu đồng/tháng/em.

“Đúng như tên gọi của dự án, chúng tôi hy vọng học sinh có thêm bữa ăn ngon, thêm điều kiện đến trường. Dự án hướng đến việc “tiếp sức đường dài” để các em không còn vì khó khăn mà nghỉ học giữa chừng”-thầy Bình kỳ vọng.

Anh Nguyễn Đắc Kiên Bình (bìa trái) cùng các thành viên dự án Hy vọng trao tiền hỗ trợ cho thiếu nhi khó khăn. Ảnh: Phan Lài

Anh Nguyễn Đắc Kiên Bình (bìa trái) cùng các thành viên dự án Hy vọng trao tiền hỗ trợ cho thiếu nhi khó khăn. Ảnh: Phan Lài

Hơn 20 năm gắn bó giáo dục vùng khó, thầy Nguyễn Văn Hào-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro) đã thấu hiểu những thiếu thốn, nhọc nhằn của học sinh nơi đây. Dù ở cương vị nào, thầy Hào cũng luôn đau đáu tìm cách để “tiếp sức” cho học sinh tới trường.

Ngoài chung tay cùng với tập thể sư phạm nhà trường kêu gọi hỗ trợ sách giáo khoa, vở trắng, đồ dùng học tập… cho học sinh khó khăn trước thềm năm học mới, hơn 3 năm qua, thầy Hào còn kết nối với các nhà hảo tâm để hỗ trợ bữa ăn trưa cho các em học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thầy Hào chia sẻ: “Trên 99% học sinh là người Bahnar. Một buổi các em đến trường, buổi còn lại theo cha mẹ lên rẫy. Trong khi đó, từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Làm thế nào để duy trì sĩ số ở cả 2 buổi học là trăn trở của tập thể sư phạm nhà trường lúc bấy giờ”.

Trước tình hình đó, một cô giáo trong trường đã khởi xướng nấu ăn trưa cho học sinh. Cô tự bỏ tiền mua bếp, nồi cơm, chén, đũa… để nhờ tại nhà trưởng thôn rồi nấu ăn cho học sinh lớp mình chủ nhiệm. Thấy được tâm huyết của giáo viên, thầy Hào đã lan tỏa hình ảnh này trên mạng xã hội và đón nhận được sự hỗ trợ của Quỹ thiện nguyện “Kết nối yêu thương” do 2 cựu học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương thành lập.

Năm học 2021-2022, Quỹ đã hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho 70 học sinh Bahnar học 2 buổi/ngày. Đến năm học 2022-2023, số học sinh được Quỹ hỗ trợ kinh phí ăn trưa là 136 em và tiếp tục tăng lên 193 em trong năm học 2023-2024. Nhà trường tận dụng phòng học dư, thềm hè để làm nơi ăn trưa cho học sinh; riêng bàn ghế ngồi do các nhà hảo tâm tài trợ.

Thầy Hào kết nối nguồn lực để tặng quà cho học sinh khó khăn của Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro). Ảnh: Mộc Trà

Thầy Hào kết nối nguồn lực để tặng quà cho học sinh khó khăn của Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro). Ảnh: Mộc Trà

“Quả ngọt” của sự nỗ lực

Gắn bó với Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp từ ngày mới thành lập với vô vàn gian khó cũng là ngần ấy năm, tình thương mà thầy Tùng dành cho học trò nghèo không ngừng được nhân lên. Để rồi, “quả ngọt” của sự nỗ lực ấy chính là việc không còn học sinh nào nghỉ học giữa chừng.

Em Nay H’Lại (lớp 7) là một học trò từng được thầy Tùng “tiếp sức đến trường”. Gia cảnh khó khăn khiến H’Lại đang học tốt bỗng lơ là đến trường để ở nhà phụ giúp bố mẹ việc nương rẫy. Nghe tin, thầy Tùng đến tận nhà để thuyết phục H’Lại. Thấy ngôi nhà sàn của gia đình em xuống cấp, thầy Tùng kết nối với nhà hảo tâm xây tặng ngôi nhà sàn rộng hơn 40 m2 trị giá 80 triệu đồng.

Từ sự động viên của thầy Tùng, H’Lại chăm chỉ học tập trở lại. “Không có thầy thì không biết bao giờ em mới được ở trong căn nhà đẹp như thế này, còn suýt dang dở việc học. Em sẽ cố gắng học tập để không phụ sự kỳ vọng của thầy”-H’Lại tâm sự.

Nhắc đến tâm huyết với trò nghèo của người đồng nghiệp, thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp không giấu được khâm phục: “Nhà thầy Tùng cách trường 40 km, đến trường từ lúc 4 giờ 30 phút sáng, nhiều lúc về tới nhà khi trời đã gần khuya.

Thời gian dành cho học trò nhiều gấp mấy lần thời gian dành cho gia đình. Năm 2022, thầy Tùng có cơ hội về công tác tại một trường học gần nhà, song vì tình thương với học trò, thầy đã từ chối. Nhờ sự giúp sức của thầy Tùng, học sinh nơi đây có niềm tin để tiếp tục bám trường, bám lớp. Năm học 2023-2024, tỷ lệ chuyên cần của học sinh đạt trên 99%, trong khi trước đây chỉ đạt khoảng 94%”.

Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp. Ảnh: P.L

Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp. Ảnh: P.L

Với những học trò mồ côi, chặng đường đến trường càng gian nan gấp bội. Đơn cử như trường hợp của em Ksor Đuin (Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, xã Ia Me, huyện Chư Prông). Mẹ mất sớm, bố lập gia đình mới, Đuin cùng chị gái phải dựa vào nhau để vượt qua nỗi buồn và bao khó khăn. Người chị mải lo bươn chải kiếm tiền trang trải cuộc sống nên ít quan tâm đến việc học tập của em gái.

Nắm bắt hoàn cảnh, thầy Bình cùng với Dự án “Hy vọng” đã hỗ trợ Đuin mỗi tháng 1 triệu đồng và duy trì đến khi em đủ 18 tuổi. Chị Ksor Điêm-chị gái của Đuin-chia sẻ: “Nhờ có thầy Bình hỗ trợ, mình có tiền mua sách vở, dụng cụ học tập và xe đạp để Đuin đi học. Mình cũng dành thời gian để quan tâm hơn đến việc học tập của em”.

Cùng với Dự án “Hy vọng”, trong 12 năm gắn bó với nghề giáo, thầy Bình đã kết nối với các nhà hảo tâm trao tặng hơn 10 ngàn phần quà cho học sinh; xây dựng 30 ngôi nhà cho học sinh khó khăn. Tại các trường học, thầy kết nối thực hiện 11 “giọt nước tình thương” bằng hình thức: khoan giếng, lắp bồn rửa tay, máy bơm. Tổng kinh phí thực hiện các hoạt động hỗ trợ giáo dục hơn 4 tỷ đồng.

Các em học sinh của thầy Hào. Ảnh: Mộc Trà

Các em học sinh của thầy Hào. Ảnh: Mộc Trà

Năm học này, Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi có 334 học sinh (trong đó có 331 em dân tộc Bahnar). Trò chuyện với chúng tôi, thầy Hào phấn khởi cho biết: Nhà trường đã kết nối thành công với 1 công ty ở Hà Nội hỗ trợ 14 triệu đồng tiền mặt/tháng để tặng quà cho 22 em học sinh khó khăn nhất của trường và nấu bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học.

Có thể khẳng định, sự hỗ trợ kịp thời của nhà hảo tâm đã giúp học sinh vùng khó có điều kiện đến trường học tập, giảm đáng kể số học sinh bỏ học giữa chừng. Đơn cử như trường hợp của em Đinh Thị Nguyệt. Mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia cảnh khó khăn khiến Nguyệt có ý định bỏ học từ đầu năm học lớp 8. Tuy nhiên, nhờ số tiền hỗ trợ 250 ngàn đồng/tháng của các nhà hảo tâm, Nguyệt đã tiếp tục đến lớp, hoàn thành chương trình THCS. Hiện em đang theo học lớp 11 tại Trường THPT Dân tộc nội trú Đông Gia Lai.

Mặt khác, khi áp dụng mô hình ăn trưa, tỷ lệ chuyên cần của học sinh bậc tiểu học đạt gần 100% (trước đây khoảng 90%), chất lượng giáo dục toàn trường từng bước được nâng lên.

Ông Nguyễn Thanh Phong-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro-cho hay: Dưới sự dẫn dắt của Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào, Trường Tiểu học và THCS Lê Lợi đã làm khá tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tiếp sức đến trường cho nhiều học sinh khó khăn. Đáng chú ý là việc kết nối nguồn lực để duy trì bữa ăn trưa cho học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày suốt 3 năm qua.

Nhờ sự “tiếp sức” của các thầy-cô giáo, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đến trường ngày càng tăng. Nếu năm học 2014-2015, tỉnh chỉ có 30.845 học sinh DTTS theo học bậc mầm non, 84.692 học sinh DTTS bậc tiểu học, 38.106 học sinh DTTS bậc THCS, 8.594 học sinh DTTS bậc THPT thì đến năm học 2023-2024, toàn tỉnh đã có 44.814 học sinh DTTS bậc mầm non, 87.747 học sinh DTTS bậc tiểu học, 49.246 học sinh DTTS bậc THCS, 11.205 học sinh DTTS bậc THPT.

Có thể bạn quan tâm

Người dân làng Kon Ktonh chuẩn bị vật lễ trước khi thực hiện các phần nghi lễ Tết ăn con dúi của cộng đồng làng. Ảnh: M.N

Tết ăn con dúi ở Kon Pne

(GLO)- Khi những ruộng lúa bắt đầu trổ đòng, rẫy mì lên xanh mởn thì cũng là lúc đồng bào Bahnar ở xã Kon Pne (huyện Kbang) tất bật chuẩn bị Tết ăn con dúi để cầu Yàng phù hộ cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ cuối: Cần xây dựng thêm 44 cây cầu

(GLO)- Sự hiện hữu của những cây cầu, cống thuộc Dự án LRAMP đã giúp các địa phương trong tỉnh giải quyết một phần “bài toán” về giao thông. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều điểm ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang rất cần được tiếp sức từ những “nhịp cầu lòng dân”.

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?
Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

Lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc

(GLO)- Dẫu có những quãng ngắt do sóng chập chờn nhưng cuộc điện thoại với người thân trong gia đình mỗi buổi tối là “liều thuốc tinh thần” để cán bộ, chiến sĩ tại các chốt của Đồn Biên phòng Ia Lốp (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) vượt qua khó khăn, lặng thầm cống hiến nơi phên giậu Tổ quốc.
Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai - Kỳ cuối: Trở về nối nhịp yêu thương

(GLO)- Hành trình thắp sáng ước mơ tri thức cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) có sự tham gia của không ít thầy-cô giáo từng lớn lên từ làng. Ý thức mạnh mẽ về giá trị của việc học, họ quyết tâm quay trở về nơi mình bắt đầu để chung tay dìu dắt và lan tỏa tình yêu con chữ.